BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có hay không việc bị bớt xén tiền làm thêm giờ ở BVÐK tỉnh ?

Cập nhật ngày: 11/04/2017 - 23:36

BTNO - Thời gian qua, hộ lý Huỳnh Thị Lan, sinh năm 1962, đang công tác tại bộ phận thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, việc bà bị bộ phận thận nhân tạo “chặn” tiền làm thêm giờ trong thời gian từ tháng 12.2013 đến tháng 5.2016...

NHẬN TIỀN MẶT THÌ ÍT, QUA THẺ ATM HƠN GẤP ÐÔI?

Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng, bà Lan trình bày, bản thân bà công tác trong ngành Y tế từ tháng 4.1986, luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Ðến cuối tháng 11.2013, bà Lan được phân công nhiệm vụ tại bộ phận thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Hoàn cảnh gia đình bà Lan rất khó khăn, bản thân bà là lao động chính của gia đình và hiện đang phải cất nhà ở trên đất nghĩa trang. Công đoàn ngành Y tế đã nhiều lần xét để xây mái ấm công đoàn cho gia đình bà Lan nhưng do không có đất nên không thể xây nhà cho bà.

Cũng do hoàn cảnh khó khăn nên bà Lan phải làm việc thêm giờ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, khi bà Lan nhận tiền làm thêm giờ từ một điều dưỡng của bộ phận mang về thì mỗi tháng chỉ có 900.000 đồng (việc nhận tiền này không có ký nhận). Ðến khi bệnh viện thực hiện chi trả lương, tiền làm thêm... qua thẻ ATM của ngân hàng, thể hiện số tiền làm thêm giờ của bà Lan nhận hằng tháng được chuyển qua thẻ lên đến 1.950.000 đồng/tháng.

Thấy lạ, bà Lan thắc mắc với Phòng Tài vụ Bệnh viện, tại sao tiền làm thêm giờ của bà khi được trả qua thẻ ATM lại cao hơn gấp đôi so với trước đây, khi nhận tiền mặt từ điều dưỡng của bộ phận? Phòng Tài vụ Bệnh viện trả lời là số tiền làm thêm giờ của bà Lan từ trước đến giờ vẫn là 1.950.000 đồng/tháng.

Từ đó, bà Lan cho rằng, một điều dưỡng cùng bộ phận khi nhận tiền làm thêm giờ của bà từ Phòng Tài vụ đem về phát lại đã “chặn” của bà mỗi tháng đến 1.050.000 đồng, từ tháng 12.2013 đến tháng 5.2016. Do đó, bà đã làm đơn khiếu nại gửi đến Ban Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh yêu cầu giải quyết.

CHỈ ÐỨNG TÊN TRONG “SUẤT” LÀM THÊM ?

Ngày 24.10.2016, hộ lý Huỳnh Thị Lan làm đơn khiếu nại gửi đến Ban Giám đốc Bệnh viện, nhưng mãi đến ngày 20.3.2017, Bệnh viện Ða khoa tỉnh mới có thư trả lời đơn cho bà Lan.

Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho rằng, theo biên bản cuộc họp của Ban Giám đốc và các phòng chức năng về việc giải quyết một số vướng mắc trong chi cho dịch vụ thận C ngày 3.6.2013, việc chi cho dịch vụ thận C gồm hai khoản. Trong đó trực 24/24, biên chế trực 7 người; phụ cấp thủ thuật theo quy định x (nhân) 1,5 lần.

Còn theo biên bản họp của Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện xét chi tiền bồi dưỡng cho kíp chạy thận nhân tạo là 1.050.000 đồng, thời gian làm việc cho kíp chạy thận từ 7 giờ đến 21 giờ. Phòng Tài chính kế toán tham mưu cho Ban Giám đốc Bệnh viện chi tiền bồi dưỡng cho kíp chạy thận này tương đương 7 suất trực 24/24. Vì thế, khoa để 7 nhân viên đứng tên suất trực, sau đó thu hồi lại và chia đều cho toàn kíp chạy thận. Tiền chi bồi dưỡng cho kíp chạy thận lấy từ nguồn dịch vụ của bệnh viện.

Ðơn nguyên nhân tạo đã họp và thống nhất chia tiền 7 suất trực (1.050.000 đồng) theo tỷ lệ, bác sĩ 260.000 đồng/người; điều dưỡng 155.000 đồng/người; hành chính 80.000 đồng/người và hộ lý 80.000 đồng/người. Tỷ lệ chia tiền theo trình độ chuyên môn và chức năng nhiệm vụ trong quá trình chạy thận theo biên bản cuộc họp Khoa Hồi sức tích cực - chống độc ngày 25.9.2013. Tuy nhiên sau đó, có tăng thêm 2 máy nên tiền bồi dưỡng cho một kíp trực là 1.200.000 đồng- tương đương 8 suất trực 24/24.

Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh cho rằng, hộ lý Huỳnh Thị Lan về nhận nhiệm vụ tại Ðơn nguyên thận nhân tạo từ ngày 28.11.2013 đến nay, tức bà Lan về công tác tại thận nhân tạo sau khi khoa đã họp xét phân chia tiền bồi dưỡng. Khoa cũng đã tiến hành giải thích phân chia tiền bồi dưỡng cho bà Lan được rõ.

Trong thời gian này, ngoài tiền lương được hưởng, bà Lan còn được một điều dưỡng hành chính phát cho mỗi tháng từ 900.000 đồng đến 1.550.000 đồng tuỳ theo số ngày bà tham gia với kíp chạy thận, theo mức phân chia của khoa với mức 80.000 x số buổi làm việc cho kíp chạy thận. Do đó, tuỳ theo từng tháng bà Lan có thể làm việc từ 11 đến 15 ngày. Thực tế bà Lan chỉ đứng tên cho suất trực chứ bà không phải trực 24/24. Ngày nào vào kíp chạy thận, bà Lan chỉ làm từ 7 giờ đến 21 giờ.

Kể từ ngày 24.6.2016, bệnh viện thực hiện chi trả tiền trực qua thẻ ATM, bà Lan được biết số tiền là 1.950.000 đồng chứ không phải là 900.000 đồng/tháng. Trong thực tế, bà Lan thực lãnh từ 900.000 đồng đến 1.550.000 đồng chứ không phải chỉ có 900.000 đồng (trích thư trả lời của Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Ban Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh và Khoa Hồi sức tích cực- chống độc đã nhiều lần giải thích cho bà Lan hiểu như thế nào là tiền trực và tiền bồi dưỡng cho kíp chạy thận theo cách phân chia của khoa, nhưng bà Lan không đồng tình, trong khi các cá nhân trong kíp chạy thận đều thống nhất sự phân chia trên.

SẼ XEM XÉT GIẢI QUYẾT LẠI

Nhận được thư trả lời của Ban Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh về đơn khiếu nại, bà Lan không đồng ý với nội dung thư trả lời và tiếp tục có đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho bà.

Về vấn đề khiếu nại của bà Lan, bác sĩ Nguyễn Ngọc Mun, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết, do bà Lan không đồng tình với trả lời của Ban Giám đốc Bệnh viện và có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, nên Ban Giám đốc Bệnh viện sẽ tiến hành làm việc với bà để xem xét giải quyết lại những vấn đề mà bà khiếu nại nhằm bảo đảm quyền lợi cho bà Lan.

Có ý kiến cho rằng, không thể nói là bà Lan chỉ đứng tên lãnh tiền trong suất trực, sau đó chia lại theo biên bản họp của khoa. Bởi lẽ pháp luật lao động đã quy định rõ tiền làm thêm giờ được tính như thế nào, đối tượng được hưởng tiền làm thêm giờ...

Mặt khác, kể từ tháng 6.2016, khi bệnh viện thực hiện chi trả tiền trực qua thẻ ATM, số tiền làm thêm của bà Lan tăng lên và trả đúng theo suất trực, sao Khoa Hồi sức tích cực- chống độc không thu hồi lại để phân chia theo tỷ lệ được ghi tại biên bản cuộc họp của khoa? Nếu bà Lan khi về khoa nhận nhiệm vụ, đã được giải thích rõ và đồng ý theo cách phân chia của khoa, thì bà đã không khiếu nại khi phát hiện số tiền thực lãnh thấp hơn nhiều so với số tiền mà bà được hưởng theo quy định. Ðây là những vấn đề rất cần được làm rõ để bảo đảm quyền lợi cho hộ lý Huỳnh Thị Lan, một người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

TẤN HƯNG