Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khai thác đất san lấp:
Có hay không việc thất thoát khoáng sản ?
Thứ hai: 00:03 ngày 19/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng 6.2020, Báo Tây Ninh có bài “‘Nóng’ tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”, phản ánh một số cá nhân, dù không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn cố tình khai thác khoáng sản. Bài viết này còn đề cập đến việc vài doanh nghiệp có giấy phép, vì lợi nhuận mà bất chấp, khai thác quá trữ lượng, diện tích, độ sâu…

Một số mỏ đất đang được khai thác.

Xử lý hình sự mới ðủ sức răn đe

Như Báo Tây Ninh đã thông tin, ngày 4.4.2020, qua công tác nắm địa bàn, Công an huyện Châu Thành phát hiện một vụ khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội. Ông Nguyễn Văn Nới, ngụ xã Biên Giới có hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại thửa đất có diện tích khoảng 2 ha do ông Nới sở hữu. Tại thời điểm kiểm tra, thửa đất trên đã bị khai thác trái phép với diện tích khoảng 1 ha, độ sâu khoảng 0,5m, khối lượng đất ước tính khoảng 5.000m3.

Công an huyện lập biên bản tạm giữ 1 xe máy cuốc và 1 ô tô tải là tang vật vi phạm để tiếp tục điều tra làm rõ. Quá trình điều tra, Công an huyện nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm nên đã chuyển vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Báo Tây Ninh đang chờ kết quả xử lý của các ngành chức năng để thông tin đến bạn đọc.

Dù cơ quan chức năng đã có những động thái quyết liệt với hành vi “móc trộm đất” hay khai thác  đất san lấp vượt diện tích và độ sâu theo giấy phép, nhưng do lợi nhuận quá lớn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân bất chấp pháp luật để khai thác.

Gần đây nhất, ngày 5.3, các cơ quan có thẩm quyền huyện Tân Châu bắt quả tang vụ “móc trộm đất” tại khu đất bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng trên địa bàn xã Tân Hưng. Tại thời điểm đó, lực lượng chức năng phát hiện có một xe Kobe và 2 xe ben chở đất.

Qua làm việc với Công an huyện, các tài xế xe ben và Kobe khai được đối tượng T.Q.H ngụ xã Suối Dây thuê móc đất trái phép chở đi bán. Khu đất bị móc trộm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không có giấy phép khai thác. Qua đo đạc ban đầu, cơ quan chức năng xác định khối lượng đất bị “trộm” là 144,5m3. Hiện vụ việc được Công an huyện Tân Châu điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện trường vụ “móc trộm đất” tại khu đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu bị cơ quan có thẩm quyền bắt quả tang vào tháng 3.2021.

Ðiều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên đưa ra mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong đó, có căn cứ vào mức tiền thu lợi bất chính từ việc vi phạm. Do đó, đối với các vụ vi phạm về khai thác khoáng sản đất san lấp như vượt độ sâu, vượt diện tích… nên chăng các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục xử lý hình sự nếu có đủ căn cứ, nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.

Bởi lẽ, tài nguyên không phải là vô tận, việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác phải cân nhắc đến các yếu tố phát triển bền vững để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí đối với cơ quan chức năng để tránh thất thoát ngân sách.

Phải quyết liệt chấn chỉnh

Một cá nhân có thâm niên hành nghề khai thác đất san lấp nay đã giải nghệ chia sẻ, nếu khai thác đất san lấp đúng theo giấy phép khai thác, doanh nghiệp vẫn có lãi nhưng không nhiều. Do lợi nhuận, một vài cá nhân, doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật, khai thác vượt độ sâu, quá diện tích theo giấy phép… tình trạng này đến nay vẫn chưa chấm dứt vì thực tế, doanh nghiệp, cá nhân chỉ xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả chứ ít có vụ nào khởi tố hình sự.

Hiện nay, giá đất san lấp, đất làm gạch trên thị trường dao động khoảng từ 80.000 đến 100.000 đồng/m3, việc vi phạm quy định về độ sâu khai thác, diện tích mang lại một khoản lợi nhuận lớn mà không phải đóng thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vi phạm ít khi nào làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định vì sợ bị phát hiện. Có nghĩa, họ khai thác xong là bỏ luôn mỏ đất.

Một mỏ khai thác đất tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng đã hết hạn nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa theo quy định.

Ðiểm i khoản 2 Ðiều 55 Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh cấp khoảng 90 giấy phép, ngoài một số mỏ đất còn trong thời hạn khai thác, một số mỏ đang lập thủ tục đóng cửa, có hơn 10 mỏ dù giấy phép đã hết hạn nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định pháp luật, nằm rải rác trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, các huyện Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu và Tân Châu. Ðây là điều mà các cơ quan chức năng nên lưu ý, vì sao các doanh nghiệp này không chấp hành việc đóng cửa mỏ theo quy định.

Có ý kiến cho rằng, việc khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật về độ sâu, diện tích về bản chất có những điểm tương đồng với hành vi “móc trộm đất” vì đã lấy đi tài nguyên mà không tốn bất cứ một chi phí nào.

Do đó, nên chăng, tỉnh cần tổng rà soát việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trong tỉnh để kịp thời xử lý, tránh thất thoát khoáng sản và ngân sách Nhà nước, như đã quyết liệt chấn chỉnh hoạt động khai thác cát thời gian qua.

Báo Tây Ninh tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền để tìm hiểu về trách nhiệm của các cơ quan này trong việc quản lý hoạt động khai thác đất san lấp, trách nhiệm của đơn vị đo đạc trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ khai thác đất san lấp để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Nhóm phóng viên kinh tế

Theo quy định tại  Ðiều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:

1.  Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh