Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op thì phải đáp ứng các tiêu chí như: tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng và vệ sinh thực phẩm, giấy tờ thủ tục, mẫu mã...
Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo Saigon Co.op tham quan sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương
Vừa qua, Saigon Co.op đã ký kết hợp tác về tiêu thụ 45 sản phẩm của Tây Ninh bao gồm: rau rừng, gạo, bánh tráng, muối ớt, muối tiêu, muối tôm, mắm trái điều, hạt điều, bánh pía, tinh dầu tràm, rượu gạo truyền thống Bà Đen, cùi bưởi sấy, trà bưởi, rượu bưởi, dế sấy, dưa lưới, mãng cầu, xoài, các loại trà, yến hũ và rượu, sâm bố chính, nhang… Đây là dịp để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giao thương, tiếp cận kệ hàng của siêu thị và mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, xây dựng mạng lưới thương mại bền vững trong tương lai.
Cơ hội quảng bá sản phẩm
Saigon Co.op là hệ thống siêu thị hiện đại thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của Saigon Co.op dựa trên các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và vệ sinh thực phẩm, khẩu vị phù hợp với xu hướng tiêu dùng.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh- Giám đốc Công ty CP Bà Đen Farm (xã Tân Bình, TP. Tây Ninh) cho biết, công ty trồng và chế biến các sản phẩm như: Trà túi lọc sâm Bố Chính, bột sâm Bố Chính, rượu sâm Tiến vua. Doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op thì phải đáp ứng các tiêu chí như: tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng và vệ sinh thực phẩm, giấy tờ thủ tục, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, giám sát, kế hoạch kiểm tra định kỳ...
Sản phẩm của công ty đạt OCOP 3 sao được UNBD tỉnh công nhận; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực năm 2022, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để sản phẩm vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Bà Hạnh cho biết thêm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty CP Bà Đen Farm, đây là cơ hội cũng như tiềm năng phát triển các sản phẩm của công ty. Việc trở thành nhà cung ứng cho Saigon Co.op giúp công ty nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu cũng như phát triển phong phú thêm sản phẩm.
Ông Trần Minh Cang- Giám đốc Công ty TNHH TMC Cow (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết, công ty có trang trại chăn nuôi bò và chế biến bò viên. Việc Saigon Co.op ký kết cung ứng sản phẩm là cơ hội tốt cho sản phẩm của công ty, công ty sẽ đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng về bò tơ Tây Ninh.
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng quy mô sản xuất, cần có sự đồng hành, tạo điều kiện quảng bá các thương hiệu đặc sản của tỉnh; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các chương trình kết nối các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hoá, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bảo đảm.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tăng quy mô sản xuất, bảo đảm hợp tác bền vững
Ông Nguyễn Anh Đức- Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, tỉnh Tây Ninh có số lượng siêu thị Co.op nhiều nhất trong các tỉnh, thành cả nước, các siêu thị Saigon Co.op tại Tây Ninh đóng góp doanh số cho Saigon Co.op chiếm tỷ trọng 30%. Tuy nhiên, việc cung cấp hàng hoá của các doanh nghiệp Tây Ninh cho hệ thống Saigon Co.op lại rất khiêm tốn, với giá trị cung ứng khoảng 50 tỷ đồng năm 2022, khoảng chênh lệch tỷ lệ này cho thấy Tây Ninh nhập siêu nhiều hơn xuất siêu.
Theo ông Đức, việc chênh lệch tỷ lệ này do các doanh nghiệp sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất tương đối nhỏ lẻ, việc cung ứng rộng rãi ra các hệ thống trong cả nước của Saigon Co.op gặp nhiều khó khăn. Trong buổi ký kết cung ứng sản phẩm Tây Ninh, Saigon Co.op có đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Saigon Co.op sẽ làm trung gian tập hợp các sản phẩm của doanh nghiệp quy mô nhỏ, bảo đảm đủ tiêu chuẩn của Saigon Co.op.
Đồng thời, Saigon Co.op có những ưu đãi cho các doanh nghiệp cũng như hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng hợp tác với các doanh nghiệp và hợp tác xã tại địa phương để có sự hỗ trợ thiết thực hơn trong việc cung ứng sản phẩm bền vững.
Tại Tây Ninh, Saigon Co.op xác định những sản phẩm OCOP rất có giá trị truyền thống, đặc biệt là những sản phẩm như: bánh tráng, muối tôm, mãng cầu, dưa lưới, mật ong hữu cơ, đông trùng hạ thảo… cần được nhân rộng về mặt quy mô, để bảo đảm cung ứng cho toàn bộ hệ thống Saigon Co.op.
Ông Đức nhấn mạnh, buổi ký kết lần này không phải là thoả thuận sơ bộ, mà là hợp tác kinh doanh chính thức với các điều khoản, có sự cam kết và trách nhiệm của các bên để bảo đảm quá trình hợp tác được diễn ra thực sự có hiệu quả, tăng quy mô theo sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Tây Ninh phải nâng cao chất lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, cũng như đáp ứng những mô hình kinh doanh mới liên quan đến thương mại điện tử, những mô hình kinh doanh hiện đại.
Góp phần phát triển kinh tế vùng
Tại buổi ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Saigon Co.op, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngày 2.6 vừa qua, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thành công diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao” với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quan tâm tham gia của Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp vừa qua, các doanh nghiệp đến từ châu Âu cảm thấy “tiếc nuối” vì biết và đến Tây Ninh quá chậm, tất cả đều có chung đánh giá: tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Tây Ninh nói chung, vào nông nghiệp ở Tây Ninh nói riêng là rất lớn và hiệu quả cao, bởi Tây Ninh có đất đai bằng phẳng, ít bị tác động bởi thiên tai bão lũ; có sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, đặc biệt còn có hồ Dầu Tiếng- công trình thuỷ lợi lớn nhất Đông Nam Á với quy mô 27.000 ha, dung tích chứa trên 1,5 tỷ mét khối nước, với trên 2.000km tuyến kênh phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Dương Văn Thắng cho rằng, việc Saigon Co.op ký kết với Tây Ninh lần này hết sức quan trọng nhằm tăng cường sự hợp tác, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, giữa người sản xuất với nhà phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị.
Tháng 3.2023, TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi lễ ký kết hợp tác với các tỉnh Đông Nam bộ, xác định 7 nội dung hợp tác bao phủ toàn diện các hoạt động về kinh tế, xã hội cũng như xây dựng cơ chế hợp tác của các địa phương. Với vai trò là đầu tàu phát triển của vùng Đông Nam bộ và cả nước, TP. Hồ Chí Minh còn đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các địa phương trong vùng. Thông qua hợp tác này, các địa phương sẽ triển khai các công việc cụ thể để thực hiện hợp tác, phát huy tiềm năng của địa phương trong vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, Tây Ninh phối hợp với Saigon Co.op triển khai nội dung liên kết phát triển thương mại, ký kết cung ứng sản phẩm tạo cơ sở pháp lý cũng như cam kết thúc đẩy các hoạt động liên kết một cách chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp Tây Ninh trong việc tiếp cận thị trường và thực hiện các cam kết trong liên kết vùng. Các sản phẩm của địa phương- đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Nhi Trần