Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai từ năm 2016.
Bà Nha và con bò giống được hỗ trợ từ Dự án.
Ðến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ được hơn 1.000 con trâu, bò, trị giá 24 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Ðề án được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo; nguồn vốn hỗ trợ tuy không nhiều nhưng mang lại hiệu quả thiết thực vì mở ra cơ hội cho các hộ nghèo trong lúc họ gặp khó khăn về vốn và việc làm; tiếp thêm cho họ niềm tin để vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, mỗi hộ nhận được một con bò giống sinh sản, nếu con bò giống đẻ lứa đầu tiên là bê cái, hộ gia đình tiếp tục chăm sóc đến khi bê con được 12 tháng tuổi thì giao con bê cho hộ khác chăn nuôi; nếu bò giống sinh bê đực sẽ được giao cho Ban quản lý đề án đem bán. Sau đó, con bò giống và các lứa sau sẽ là tài sản riêng của gia đình.
Trong quá trình nuôi bò, các hộ gia đình còn được tập huấn, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị bệnh cho bò, phối giống cho bò... Tính từ số con giống được cấp ban đầu, đến cuối năm 2018, số trâu, bò sinh sản tăng thêm 339 con, trong đó có 21 con bê cái đã chuyển giao cho hộ nghèo, cận nghèo khác.
Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Kết quả thực hiện đề án tại nhiều địa phương đã cho thấy việc hỗ trợ trâu bò sinh sản rất phù hợp với đời sống, phương pháp sản xuất của người dân trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hạn chế tình trạng một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Gia đình bà Trần Thị Nha (ngụ ấp Trường Cửu, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) là một trong những hộ được nhận bò năm 2018. Bà Nha chia sẻ: “Từ ngày chồng mất, tôi loay hoay không biết phải làm gì để kiếm sống. Khi được hỗ trợ con bò giống, tôi vui lắm. Bản thân có thêm động lực, niềm tin để thoát nghèo. Nuôi bò phù hợp với hoàn cảnh của tôi, vì không tốn nhiều thời gian cũng như không quá khó để chăm sóc”.
Ông Phạm Ngọc Báo- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành cho biết, khi triển khai đề án, địa phương đã đi khảo sát nhiều điểm bán bò để tìm kiếm được con giống chất lượng, với giá cả tốt nhất. Trong năm 2018, trên địa bàn xã có 5 hộ được trao bò giống từ đề án này.
Ông Báo nói: “Hiệu quả lớn nhất mà đề án mang lại là tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo. Những địa phương thuộc vùng nông thôn như Trường Hoà có lợi thế về đất đai, nguồn cỏ tự nhiên nên các hộ nuôi bò không phải tốn kém quá nhiều chi phí cho việc nuôi dưỡng và phát triển đàn bò. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn quản lý một cách sâu sát, nhất là khi hộ dân thông báo sự cố về bò giống, lập tức có cán bộ xuống để xem tình hình và tìm hướng giải quyết”.
Huyện Châu Thành là địa phương có số lượng trâu bò được hỗ trợ từ đề án nhiều nhất trong toàn tỉnh. Tính từ khi bắt đầu vào tháng 11.2016 đến cuối năm 2018, toàn huyện đã trao 401 con trâu, bò sinh sản cho bà con nghèo. Trong đó, UBMTTQ Việt Nam huyện đã trao 207 con trâu, bò sinh sản. Theo ông Võ Văn Tươi- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, trong năm 2018, nhờ có Ðề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã giảm 1,74%, giảm gấp hai lần so với mục tiêu huyện đề ra (0,7%).
Ông Tươi cho biết, để thực hiện đề án thành công, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo huyện, Ban Thường trực Ðề án, người cán bộ thực hiện đề án phải hiểu được nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng hộ nghèo để có thể hỗ trợ một cách phù hợp và thiết thực nhất. MTTQ huyện thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để hỗ trợ đúng với hoàn cảnh thực tế của họ. Tránh trường hợp, nhiều hộ dân không mặn mà với việc chăn nuôi bò, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi dẫn đến việc bò sinh non, bị bệnh chết hoặc tự ý bán bò.
Ngoài ra, để bảo đảm người dân được nhận bò giống khoẻ mạnh, sinh sản tốt, MTTQ huyện đã bàn bạc, đề xuất nhiều tiêu chí chọn mua trâu, bò cao hơn tiêu chí do Ban Quản lý Ðề án tỉnh đề ra như: bò giống phải cao 1m2 trở lên (tiêu chuẩn Ðề án là 1m1); khi phối giống ba lần không đạt, hộ chăn nuôi được quyền xin đổi lại con bò tương xứng; hỗ trợ tiền phối giống 300 ngàn đồng/con; hỗ trợ tiền bấm tai bò và làm lý lịch cá thể cho bò; bảo đảm bò không bệnh trong 10 ngày kể từ ngày mua… Ðồng thời, MTTQ huyện cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chăn nuôi, chăm sóc, phối giống trâu, bò cho người dân.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tốt (sinh năm 1949) ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ bò sinh sản từ đề án. Sau hai năm chăm sóc, con bò của gia đình bà Tốt đã đẻ hai lứa. Bà Tốt đã giao con bê đực đầu tiên cho Ban quản lý, còn con bò đực thứ hai đến nay đã được vài tháng tuổi. Bà Tốt dự định sau khi bò con đủ 12 tháng tuổi sẽ bán rồi mua thêm một con bò cái sinh sản về nuôi. Bà Tốt nói: “Ðược địa phương quan tâm hỗ trợ con bò giống, chúng tôi xem đây là động lực để vươn lên thoát nghèo. Sau hai năm nuôi bò sinh sản từ đề án, gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình và có nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi bò”.
Bên cạnh những hiệu quả bước đầu, việc triển khai dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: một số địa phương còn chậm trong xét, giải ngân kinh phí hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo; hộ được hỗ trợ trâu bò sinh sản nhưng thiếu điều kiện chăn nuôi, phải xin chuyển cho hộ khác; hộ gia đình được nhận trâu, bò nhưng do mới nuôi lần đầu nên chưa có kiến thức, kinh nghiệm, để xảy ra trường hợp bò chết, bị mất, bê con ốm chết... Thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đàn trâu, bò của đề án, giúp cho những hộ gia đình khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hoà Khang - Ngọc Bích