Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ hội phát triển giao thông đường thuỷ
Chủ nhật: 16:41 ngày 29/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua khảo sát, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, giáp 3 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Dương) tại khu vực huyện Trảng Bàng có vị trí rất thuận lợi, sẽ là khu vực đầu mối kết nối các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thuỷ nội địa và đường hàng hải rất thuận lợi.

Sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua huyện Châu Thành. Ảnh: Đ.H.T

Theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24.4.2013 (điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 4360/QĐ-BGTVT ngày 10.12.2015 của Bộ GTVT), vận tải bằng đường thuỷ nội địa kết nối Tây Ninh với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có các tuyến sau:

Trên sông Vàm Cỏ Đông có tuyến Sài Gòn - Bến Kéo, từ ngã ba Kênh Tẻ đến cảng Bến Kéo dài 142,9km, đạt tiêu chuẩn cấp III. Quy hoạch trên tuyến có 6 cảng thuỷ, hiện đang khai thác 4 cảng, gồm các cảng Bến Kéo, Thanh Phước (cảng container), cảng xăng dầu LPG, cảng xi măng Fico; có 1 cảng đang được đầu tư xây dựng (cảng Thành Thành Công) và 1 cảng chưa được đầu tư.

Trên sông Sài Gòn hiện chưa có quy hoạch luồng tuyến đến tỉnh Tây Ninh, chỉ có tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc (đến huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh), dài 90km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp II. Để khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn (sau khi cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ), UBND tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận quy hoạch kéo dài tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc đến tỉnh Tây Ninh (cầu Bến Củi) và bổ sung cảng cạn ICD và cảng thuỷ nội địa khu vực huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. 

Ngoài ra, UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng bổ sung Trung tâm logistics Tây Ninh vào Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3.7.2015.

Về cảng cạn ICD, theo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11.6.2018, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được quy hoạch 2 cảng cạn, gồm: cảng cạn Thanh Phước (huyện Gò Dầu), hiện Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG đang tìm đối tác liên kết đầu tư; cảng cạn Mộc Bài (huyện Bến Cầu, trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, hiện Công ty TNHH Tân cảng Tây Ninh đang đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020).

Sông Sài Gòn có tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc, dài 90km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp II. Từ trước đến nay, do vướng tĩnh không cầu Bình Lợi trên đường sắt (chỉ có 1,5m) nên chưa khai thác được tuyến đường thuỷ nội địa này. Hiện nay, Bộ GTVT đang đầu tư cầu mới thay thế, dự kiến trong quý I.2020 sẽ hoàn thành.

Khi cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ, đây sẽ tuyến đường thuỷ nội địa chính vận chuyển hàng hoá cả vùng phía Bắc của thành phố Hồ Chí Minh và hàng hoá từ Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn Tây Ninh, Bình Phước... đến cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn và các cảng khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thể nói, cơ hội rất lớn về vận tải đường thuỷ đã được mở ra cho Tây Ninh.

Qua khảo sát, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, giáp 3 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Dương) tại khu vực huyện Trảng Bàng có vị trí rất thuận lợi, sẽ là khu vực đầu mối kết nối các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thuỷ nội địa và đường hàng hải rất thuận lợi. Khu vực này có hệ thống giao thông đường bộ kết nối rất tốt, gồm: quốc lộ 22, quốc lộ 22B, các tuyến đường tỉnh 782, 784, 787, 789... Trong giai đoạn 2021-2025, khu vực này sẽ có thêm tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đi tiệm cận với khu vực và đường Hồ Chí Minh đi ngang khu vực.

Để khai thác hết lợi thế trung chuyển các luồng hàng hoá nội địa, xuất khẩu và quá cảnh của vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Campuchia; kết nối hiệu quả các phương thức vận tải- nhất là tạo điều kiện và khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn, góp phần giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, giảm sức ép về vận tải bằng đường bộ, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh kéo dài tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc đến tỉnh Tây Ninh (cầu Bến Củi) theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 

Phương tiện đường thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông (ảnh minh hoạ).

Tây Ninh cũng đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch cụm cảng cạn ICD vào quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11.6.2018; bổ sung quy hoạch cụm cảng thuỷ nội vào Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thuỷ nội địa khu vực phía Nam đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 1108/QĐ-BGTVT ngày 26.4.2013.

ĐÌNH CHUNG

Tin cùng chuyên mục