Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam.
- Chào nhà báo, bữa nay tôi ôm một mối “lăn tăn” chờ gặp ông từ sáng sớm để nhờ ông giải toả giùm cái đây!
- Chuyện gì mà ông phải “ôm một mối” coi bộ quan trọng dữ vậy?
- Là thế này, cuối tuần rồi tôi có đọc được tin Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 4 ở Thủ đô Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc hội nghị, ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao “kỳ vọng hội nghị lần này lấy trọng tâm là Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”…
- À, vậy là ông “lăn tăn” cái chỗ một cuộc hội nghị Việt kiều trên thế giới được ví von như hội nghị lịch sử lấy ý kiến các vị bô lão để quyết định “nên hoà hay nên chiến” khi quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lăng nước ta ở thời đại nhà Trần đó chớ gì?
-Đúng vậy, hồi xưa khi phải đối mặt với đội quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất từng chinh phạt từ châu Á sang châu Âu, các vua Trần ta mới mở hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến nhân dân như thế, chứ còn bây giờ là thời bình, đất nước ta đang trong giai đoạn cất cánh vươn lên, trong khi cái hội nghị ấy thì tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài… sự kiện ấy có đúng tầm vóc với Hội nghị Diên Hồng trong lịch sử đất nước ta không?
-Theo Bàn Dân nghĩ, sở dĩ có sự ví von như thế là do chương trình và tính chất của hội nghị. Đó là việc lần đầu tiên trong một cuộc họp mặt Việt kiều khắp thế giới có tổ chức Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, nhằm huy động “chất xám” của trí thức và chuyên gia, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chính vì ý nghĩa của yêu cầu huy động trí tuệ người dân “hiến kế xây dựng đất nước” có tính chất của một “Hội nghị Diên Hồng” nên người chủ trì hội nghị mới có sự ví von như thế. Bàn Dân nói như thế ông đã hết “lăn tăn” chưa?!
-Thật ra tôi cũng biết sự kiện hội nghị người Việt ở nước ngoài năm nay có mở diễn đàn lấy ý kiến trí thức, chuyên gia Việt kiều có tính chất rất đặc biệt, nhưng tôi đặt vấn đề với ông như vậy chẳng qua là vì muốn tham khảo ý kiến ông, xem ông có đồng cảm với tôi hay không vậy thôi!
-Vâng, Bàn Dân hiểu ý ông rồi. Vừa rồi Bàn Dân cũng có đọc bài tường thuật cuộc họp báo sau hội nghị ấy. Theo đó, bà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, từ 20 năm trước, khi Đảng ta có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, cho đến nay công tác người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều kết quả rất khả quan. Kiều bào đã tham gia đóng góp rất tích cực vào các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh.
Cụ thể là, trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nổi bật hơn. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Kiều hối năm 2023 đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Tổng lượng kiều hối từ năm 1993 đến 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng thời kỳ. Đặc biệt, từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống…
-Vâng, tôi cũng biết được con số về nguồn lực không nhỏ ấy. Riêng về điều tôi ấn tượng trong hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài kỳ này là những thông tin về ông Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn, nhà đầu tư, chủ siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng “vang bóng một thời” ở Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh mình hồi trước đó…
-Thông tin gì về nhà đầu tư Việt kiều ấy mà ông ấn tượng vậy?
-Đó là chuyện ông ấy kể với các nhà báo về nguyên do ông ấy tìm về Tổ quốc hồi 40 năm về trước, khi ông được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Hà Nội. Cố Thủ tướng yêu cầu ông tìm cách mở đường bay đầu tiên từ Việt Nam ra nước ngoài, cụ thể là nước Philippines, không phải là nước xã hội chủ nghĩa, trong khi lúc bấy giờ nước ta còn bị bao vây cấm vận rất gắt gao. Ông ấy cho biết, chính cuộc gặp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã làm thay đổi cuộc đời ông, một Việt kiều mới 33 tuổi, cho đến ngày nay đã trở thành một nhà đầu tư hàng đầu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Còn tại hội nghị vừa qua, ông cũng đã phát biểu rất hay, mà tôi tâm đắc nhất là câu ông nói: “Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam”.
Bàn Dân