Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Có một “bệnh viện tâm thần”… không hợp pháp
Thứ bảy: 12:33 ngày 17/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mỗi khi đi trên đường bắt gặp những người ngây dại, áo quần rách rưới, mình mẩy dơ bẩn, thậm chí loã lồ, vợ chồng ông Biển cảm thấy xót xa cho những số phận kém may mắn do vướng phải căn bệnh tâm thần. Từ đó vợ chồng ông Biển đã lần lượt đưa những người “điên” về nhà mình để chăm sóc.

Hằng ngày đi lại trên các nẻo đường, thấy những người mang bệnh tâm thần sống lang thang rách rưới có những hành vi, lời lẽ kỳ quặc khiến cho vợ chồng ông Cao Văn Biển (55 tuổi, ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây) hết sức thương cảm. Từ đó cả hai vợ chồng có thiện tâm này đã không ngại khó tiếp cận, tìm lời dỗ ngọt, tự nguyện đưa những người này về nhà mình tận tình chăm sóc. Tiếng lành đồn xa, vài chục gia đình có người thân bị bệnh tâm thần tìm đến gởi gắm “người điên” để nhờ chăm sóc, mong được thuyên giảm bệnh tật…

Phát tâm nhân ái giúp đời

Vợ chồng ông Biển và hồ sơ người bệnh tâm thần

Là tín đồ đạo Cao Đài. Ông Biển luôn tâm đắc chữ thiện. Từ năm 1972, ông tận tâm làm công quả tại họ đạo địa phương với trách nhiệm “đầu công” hướng dẫn nhiều người tự nguyện làm nông nghiệp công quả. Hơn 5 tháng gần đây, mỗi khi đi trên đường bắt gặp những người ngây dại, áo quần rách rưới, mình mẩy dơ bẩn, thậm chí loã lồ, vợ chồng ông Biển cảm thấy xót xa cho những số phận kém may mắn do vướng phải căn bệnh tâm thần. Từ đó vợ chồng ông Biển đã lần lượt đưa những người “điên” về nhà mình để chăm sóc.

Lo lắng về việc không đủ chỗ cho người bệnh trong căn nhà chật chội, sau đó ông Biển kiến nghị họ đạo ấp Long Hải xin được di chuyển số người bệnh tâm thần về Thánh thất Long Hải để tiếp tục làm việc nhân đạo. Thế là nhóm người mắc bệnh được đưa về phía sau Thánh thất để an dưỡng. Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Biển thật cực nhọc vì phải đối mặt với những người có tánh khí bất thường. Nhưng với sự nhẫn nại mang đầy tình thương, dùng lời lẽ ngọt dịu tiếp cận, khuyên lơn chăm sóc khá chu đáo cho người bệnh từ việc ăn uống, tắm giặt đã lần hồi làm cho nhiều người bệnh tâm thần chuyển tâm sửa tánh, biết tự vệ sinh cá nhân, hoà đồng cùng tập thể. Bà Phan Thị Hồng Phượng (vợ ông Biển) bộc bạch: “Hầu hết những người bệnh đều tánh khí dữ dằn, gia đình họ phải “bó tay” khi gần gũi, khó bề cắt tóc cạo râu, kể cả thay đổi quần áo. Nhiều người khi nhận vào đây họ giống như “người rừng”, tóc dài như con gái, râu ria nhiều năm không được cạo, móng tay dài nhọn… trông thật dơ bẩn. Vì vậy sau khi tiếp cận, thấy họ hơi “thuần” tôi và ông Biển liền cắt tóc sạch sẽ và thay quần áo mới. Vì nơi này là Thánh thất nên hầu hết quần áo người bệnh đều đồng bộ “bà ba trắng”.

Nội dung giải tán người bệnh tâm thần theo đề nghị của

chính quyền

Tận mắt chứng kiến công việc cực nhọc “quản lý” người bệnh tâm thần của vợ chồng ông Biển, chúng tôi vô cùng cảm động khi thấy những người “điên” ngày trước bây giờ có phần tỉnh táo, biết lễ phép chào khi khách hỏi han và thuộc làu những bài ca dao có nội dung đạo lý làm người. Ông Biển cho biết: “Khi tiếp nhận người bệnh về đây, tôi đề nghị gia đình họ phải nộp những loại giấy tờ của bệnh viện tâm thần kèm theo sự xác nhận của chính quyền địa phương. Công việc chuyển hoá tánh tình bệnh nhân phải dùng lời lẽ mềm mỏng, khuyên lơn để họ bình tâm dưỡng bệnh. Thấy nhiều người bớt bệnh, vợ chồng tôi và những mạnh thường quân phụ việc cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Mình làm việc thiện nên dứt khoát không nhận bất cứ khoản tiền nào của gia đình bệnh nhân. Thấy việc làm có ý nghĩa nên rất nhiều mạnh thường quân gần xa tự nguyện hỗ trợ nguồn thực phẩm: gạo, thức ăn và áo quần phục vụ bệnh nhân. Hằng ngày vợ chồng tôi túc trực “hăm bốn giờ” tại đây để theo dõi, chăm sóc từng người, cầu mong họ thay đổi tâm lý lần hồi bớt bệnh. Do tôi theo đạo Cao Đài nên hằng ngày thường xuyên cúng thời tại Thánh thất. Có nhiều người bớt bệnh cũng theo tôi vào Thánh thất để cúng thời, họ ngồi, quỳ thật trật tự như để tịnh tâm đã khiến nhiều người ngạc nhiên vui mừng”. Nhờ vào nguồn thực phẩm hỗ trợ của các mạnh thường quân dồi dào nên các bệnh nhân được ăn mỗi ngày bốn bữa chay, ban đêm còn được bồi dưỡng thêm mì gói. Hầu hết những người tâm thần đều nghe theo lời khuyên bảo của vợ chồng ông Biển. Từ đó tình cảm giữa đôi vợ chồng có lòng từ thiện và những người mắc bệnh ngày thêm khắng khít. Về khuya, khi họ an giấc vợ chồng ông Biển thay phiên canh giữ và tận tình phục vụ, hướng dẫn từng người đi vệ sinh. Chỉ trong tháng 2.2012 đã có 61 người bệnh tâm thần (14 nữ) khắp nơi được gia đình đưa đến đây nhờ chăm sóc dưỡng bệnh. Theo ông Biển cho biết phương pháp trị liệu của ông chỉ là dùng tâm lý, tình cảm với lời lẽ dịu dàng kết hợp việc chăm sóc chu đáo tận tình chứ không gì khác …”.

Chị Trần Thị Giác, 45 tuổi (ngụ Trường Đức, Trường Đông, Hoà Thành) có người em trai là Trần Văn Vững (41 tuổi) bị bệnh tâm thần 21 năm. Gia đình không thể nào cho anh Vững được thong thả vì tánh khí hung hăng, la hét phá phách, luôn không chịu mặc quần áo nên gia đình bắt buộc phải nhốt anh vào chuồng sắt. Hơn hai tháng dưỡng bệnh, bây giờ anh Vững khác hơn trước, nhớ, biết chuyện cũ và nhớ tên vanh vách người thân khi đến thăm. Anh nói “Vững không còn ở trong chuồng nữa, áo quần mới nè, ở truồng như hồi đó… mắc cỡ lắm”.

Buổi ăn chiều của người tâm thần tại Thánh thất Long Hải

Rất nhiều trường hợp người bệnh tâm thần tương tự anh Vững đã giảm bệnh, trạng thái tâm lý khá ổn khiến gia đình vui mừng khó tả, vì trong những năm dài sống chung với người thân mắc bệnh phải gánh chịu bao nỗi khổ sở mỗi khi họ lên cơn đập phá đồ đạc, gây rối, bạo lực. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Cao Văn Nhạn, 72 tuổi (ngụ xã Mỏ Công, Tân Biên) bộc bạch: “Cách nay mấy tháng con trai tôi là Nguyễn Văn Út (48 tuổi) tự nhiên bị á khẩu, tối ngày ngớ ngẩn, lúc thúc trong nhà. Tôi gởi Út cho chú Biển dưỡng bệnh cách nay hơn một tháng. Nay thấy con bập bẹ nói được, tỉnh táo, gia đình tôi không biết nói gì để cảm ơn chú Biển…”.

Bà Nguyễn Thị Cẩn 73 tuổi, mẹ của bệnh nhân Trần Văn Cá (43 tuổi) mừng rơi nước mắt khi nhiều lần đến thăm con tâm sự: “Bốn năm trở lại đây, Cá đột nhiên phát bệnh thường xuyên la hét, quậy phá làm gia đình khốn khổ nên phải xiềng chân Cá lại. Nay thấy con đổi tánh hiền từ, nhận biết người thân, tôi mừng nhiều lắm…”.

Cuộc chia tay... nhiều nước mắt

Việc nuôi dưỡng số đông người bệnh tâm thần tại Thánh thất Long Hải do ông Biển quản lý được đa số gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần cảm kích trước sự hy sinh tự nguyện của vợ chồng ông Biển. Thế nhưng những ngày đầu tháng 3. 2012, công việc từ thiện hoạn dưỡng người bệnh tâm thần tại Thánh thất Long Hải phải dừng lại và tiến hành giải tán số người bệnh, trả họ về gia đình. Lý do, vợ chồng ông Biển nhận được thông báo của chính quyền địa phương cho biết là hoạt động từ thiện tự phát của vợ chồng ông Biển là chưa đầy đủ thủ tục hợp pháp. Về phía vợ chồng ông Biển không cách nào khác là phải tuân thủ theo đề nghị của chính quyền, đành thông báo đến gia đình bệnh nhân nhận lại người thân về nhà tự quản lý.

Anh Hải nhận cha là ông Trương Văn Bé về nhà

Ngày 8.3 chúng tôi gặp gỡ nhiều gia đình đến nhận người bệnh tâm thần với tâm trạng không vui vì rất sợ cảnh khi trở về nhà họ sẽ tiếp tục tái bệnh. Anh Trương Hữu Thiện (25 tuổi, ngụ Trường Đức, Trường Đông, Hoà Thành) lo lắng: “Ba tôi là Trương Văn Bé, 49 tuổi, đã 13 năm bị bệnh, ba thường run rẩy, ngồi một chỗ, không tiếp xúc với ai, thường nói nhảm, không chịu tắm giặt, râu tóc để dài. Nghe bác tư Biển trị được bệnh, gia đình con đưa ba đến đây được hai tháng. Cả nhà vui mừng khi thấy ba tỉnh táo lại, nói năng bình thường, tánh tình hiền từ. Nay đưa về nhà không biết sau này ba con ra sao, nếu ba con được tiếp tục dưỡng bệnh tại đây thì gia đình con ngàn lời cảm ơn…”. Trước khi chia tay về nhà, theo đề nghị của ông Biển, ông Bé đã cất tiếng hát bài vọng cổ “Chiếc nón bài thơ” làn hơi luyến láy khá hay. Chia tay những người bệnh tâm thần, ông Biển rơm rớm nước mắt “Họ sống với chúng tôi trong nhiều tháng khiến tình cảm ngày càng thân thiện. Nay chia tay buồn lắm, mong gia đình bệnh nhân tận tình lo lắng cho họ để căn bệnh sớm thuyên giảm bớt, đi nổi khổ của gia đình và xã hội”.

Giải pháp nào để người tâm thần có nơi “hợp thức hoá” để chữa bệnh

Theo ông Biển, trong những ngày tới gần 20 người tâm thần còn lại sẽ được đưa về gia đình. Ông cũng biết rõ là công việc của mình tự nguyện làm là không đúng quy định của pháp luật, nên không thể duy trì mãi được. Lo lắng nhất của ông Biển là số người sống lang thang cơ nhỡ, vô gia cư sẽ không biết sống nương tựa vào đâu. Nếu họ trở về cuộc sống đường phố sẽ có nguy cơ tái bệnh và gây ảnh hưởng xấu cho bộ mặt xã hội. Thiết nghĩ ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho người mắc bệnh tâm thần có nơi điều trị, an dưỡng. Ý kiến này cũng là sự mong muốn của thân nhân bệnh nhân, không biết đến khi nào tỉnh nhà sẽ có hướng giải quyết việc tập trung điều trị cho người tâm thần?!

Gia Minh

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục