Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một lớp học cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển

Cập nhật ngày: 24/03/2016 - 03:38

Dạy chữ cho các cháu.

Khi chưa đến lớp, các cháu thường không kiểm soát được hành vi, cũng không tự chủ sinh hoạt, có cháu rất ngờ nghệch, không nói được rõ lời. Bằng lớp học đặc biệt ấy, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh mong muốn giúp những đứa trẻ không may tìm lại bản năng của mình.

Theo cô Trần Thị Tuyết Tâm- Giám đốc Trung tâm thì để mở được lớp học dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển và duy trì nó cho đến hôm nay cũng phải trải qua khá nhiều khó khăn. Từ năm 2011, theo yêu cầu của một số phụ huynh có con em bị bệnh tự kỷ, chậm phát triển, Trung tâm có nhận nuôi dạy 8 cháu thuộc đối tượng này (ngoài việc nuôi dạy trẻ khiếm thị). Gia đình các cháu đa số thuộc diện khó khăn, vì vậy việc chăm sóc các cháu thực sự là vấn đề nan giải vì nó đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức, thời gian. Cho nên, có một nơi tin cậy để có thể yên tâm gửi con em mình vào đó là điều mong muốn thiết tha đối với các bậc cha mẹ.

Tháng 3.2015, thông qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH), Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đã tài trợ kinh phí cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh mở hẳn một lớp học trong thời gian 4,5 tháng, với 20 cháu ở độ tuổi từ 6 đến 12 được nhận vào. Các cháu theo học dưới hình thức bán trú, nội trú và được miễn phí hoàn toàn. Nhận thấy con em mình sau thời gian theo học đã có nhiều tiến bộ thấy rõ, nên số đông phụ huynh đã yêu cầu Trung tâm giữ lại lớp học.

Được sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh, Trung tâm đã duy trì lớp học dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển cho đến hôm nay. Để dạy lớp học đặc biệt này, đội ngũ nhân viên của Trung tâm ngoài công tác chuyên môn nuôi dạy trẻ khiếm thị hằng ngày, còn được tập huấn về chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Lớp học ra đời trong tình cảnh vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu cơ sở vật chất, đó là điều khó khăn thật sự. Buổi đầu mới nhận dạy lớp học đặc biệt này, cán bộ nhân viên Trung tâm cũng thật vất vả. “Các cháu tự kỷ, chậm phát triển không kiểm soát được hành vi của mình, sinh hoạt khó khăn và khó tạo ra sự tương tác giữa cô và trò. Việc các cô phải thức cùng các cháu, không có giờ nghỉ trưa là việc thường xuyên diễn ra. Những tháng đầu, Trung tâm còn phải ngăn rào, đóng cổng đề phòng việc các cháu vượt ra bên ngoài và gặp nguy hiểm”- cô Tâm cho biết.

Bằng tấm lòng dành cho các em nhỏ có số phận không may với suy nghĩ mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng” và sự đồng cảm với các bậc cha mẹ: “mọi người dẫu giàu hay nghèo đều muốn con, cháu mình được đến trường”, các cô giáo nuôi dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Đến nay, tình trạng của các cháu học sinh trong lớp đã được cải thiện, đem lại niềm vui cho rất nhiều người.

Cô Cao Thị Thu Thanh- người phụ trách chuyên môn dạy dỗ các em chia sẻ kinh nghiệm về công việc của mình: đối với các cháu thuộc đối tượng này, không thể dạy kiểu tập trung mà phải dạy từng cháu một, ra từng giáo án riêng để dạy, phải cố gắng tập cho các cháu biết chú ý và nghe lời. Sau khi các cháu có tiến bộ thì mới dạy tập trung. Cô bày tỏ niềm vui: “Khi mới vào trường, đa số các em chỉ làm theo ý mình. Nhưng bây giờ thì đã biết lắng nghe, khả năng nói cũng tiến bộ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng sự tiến bộ của các em chính là niềm động viên giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng làm tốt công việc của mình. Niềm vui rất lớn khi chúng tôi thấy các em mỗi ngày một vui tươi và lanh lợi hơn so với trước đây”.

Tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh có 7 nhân viên phụ trách việc dạy, chăm sóc trẻ khiếm thị và cả trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Công việc chồng thêm công việc nhưng vì thương các cháu, các cô đã không ngại khó. Cô Cù Thị Nhi Lê- bảo mẫu đang làm nhiệm vụ chăm sóc việc sinh hoạt, ăn uống của các cháu cho biết: “Nhiều cháu không tự sinh hoạt được nên chúng tôi phải kiên trì tập luyện cho các cháu, giúp các cháu quen dần để có thể tự sinh hoạt được như hôm nay”. Với tâm ý của một người mẹ có con nhỏ, cô Lê đặt hết tình cảm của mình vào việc chăm các cháu. Cô nói: “Ở cạnh các cháu càng lâu thì càng thương các cháu nhiều hơn. Thấy các cháu tiến bộ mỗi ngày tôi cảm thấy vui, giống như chúng chính là con của mình vậy”.

Nhờ sự tận tâm của các cô ở Trung tâm, hiện nay các cháu tự kỷ, chậm phát triển đã biết lắng nghe, có thể đếm số, đọc, viết chữ, có khả năng tham gia vận động tập thể tự sinh hoạt cá nhân cũng tốt hơn. Theo giám đốc Trung tâm, lớp học cũng được sự quan tâm hỗ trợ từ VNAH về chuyên môn như thường xuyên có bác sĩ, chuyên gia đến hỗ trợ trị liệu cho các cháu và tập huấn cho các cô.

Chuyên gia nước ngoài trong đợt trị liệu hoạt động cho cháu tại trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Tiến (ngụ Phước Bình A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu)- bà ngoại của 2 đứa cháu sinh đôi 8 tuổi đang theo lớp học trên cho biết, bà vui mừng “còn hơn trúng số độc đắc” khi thấy cháu mình nay đã có nhiều chuyển biến, nhận biết được nhiều thứ. Bà tươi cười kể rằng: “Các cháu tôi tiến bộ hơn trước nhiều lắm, giảm được nỗi lo cho gia đình. Trước đây, gia đình phải chăm các cháu rất mệt mỏi, không có buổi trưa và buổi tối nào yên ổn”. Nay cả hai đứa cháu của bà Tiến không còn quậy phá nữa mà đã biết ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Vì vậy, dù có phải vượt quãng đường xa đưa rước các cháu đi học nhưng hai vợ chồng bà không hề e ngại.

Tuy hiệu quả của lớp học dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển đã nhìn thấy rõ nhưng trước mắt, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị không có ý định phát triển thêm. Điều đó cũng do điều kiện còn nhiều khó khăn. Tại đây, hiện chỉ chú trọng đạt được mục tiêu dạy cho các cháu có khả năng nhận biết để có thể hoà nhập với cộng đồng. Trên thực tế, nhu cầu ngoài xã hội về việc gửi con em vào lớp học dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển là không nhỏ, song với điều kiện hiện tại, Trung tâm không thể đáp ứng nhiều hơn. Trung tâm cũng đã có tờ trình gửi Sở LĐ-TB&XH đề nghị trợ cấp cho các cháu để giảm gánh nặng chi phí cho lớp học cũng như cho gia đình.

VI XUÂN