Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Có một miền Biên Giới không xa
Thứ hai: 10:48 ngày 02/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vâng! Đấy là xã mang tên Biên Giới của huyện Châu Thành.

Thì vẫn là miền biên giới nhưng không còn là một danh từ chung nữa. Không xa, vì con đường từ thị trấn Châu Thành qua cầu Bến Sỏi đi lên đã là mặt bê tông nhựa. Không quá 30 cây số là đã tới cầu qua rạch Nàng Dinh (hoặc Nàng Ginh). Qua cầu kể như đã đến xã Biên Giới, trên địa bàn xã có cả đồn Biên phòng 839 làm nhiệm vụ.

Phà qua bến Băng Dung.

Con đường đến kể trên, tạm gọi là “đi xuôi” cho những ai thích phượt khám phá. Tôi còn một lối “đi ngược”. Hơi gian nan một tý nhưng lại thích mê tơi. Lối đi ngược ấy là theo quốc lộ 22B, tới ngã ba Vịnh rẽ về đường 788 mà lên, qua Hảo Đước và cầu sông Vịnh.

Tới Phước Vinh lại hỏi đường về bến Băng Dung. Cái bến sông này tuyệt đẹp, cả trong mùa cạn và mùa nước lớn. Mùa cạn thong dong cây cối đôi bờ nghiêng mình soi bóng nước. Mùa nước lớn thì chẳng còn biết đâu là bờ bến, bởi bên kia là ấp Rạch Tre của xã Biên Giới đã như chìm vào nước lũ mênh mông.

Kênh Biên Giới.

Miếu thờ trên gò Tháp.

Qua sông trên một con phà sắt tự đóng của một bác nông dân đã có thâm niên 30 năm lái phà, qua xóm nhỏ đầu bến chỉ độ mươi nóc nhà là đã tới những cánh đồng mênh mông của ấp Rạch Tre. Con đường nửa đất nửa cỏ dẫn ta vào giữa ấp, nơi đã có một dòng kênh nước chảy miệt mài, gọi là kênh Biên Giới. Một bờ kênh mới được đắp cao lên để kiêm nhiệm vụ đê bao ngăn lũ. Vậy mà mưa lũ hồi cuối năm 2018 đã cuốn phăng đi một đoạn đê bao.

Nhà Sala của xóm Khmer.

Đê này còn là đường dẫn ta vào ấp Bến Cầu. Dọc đường, cửa nhà thưa thoáng ẩn dưới những rặng tràm vút cao, tươi tốt. Thỉnh thoảng lại có một chiếc cầu cong bằng thép cho người dân qua lại đôi bờ. Kênh rộng và thẳng băng, tha hồ cho vỏ lãi chạy băng băng. Nơi thì nuôi vịt, chỗ thì lưới cá. Ngoài vỏ lãi, còn có loại như chiếc phà vuông, bằng sắt hàn vững chắc. Để người ta có thể chở máy nông nghiệp tới cánh đồng.

Phải qua ấp Bến Cầu mới về được trung tâm xã. Vẫn còn đường đất đỏ lôm nhôm, nhưng êm mịn dễ đi. Ấp Bến Cầu có một xóm đồng bào Khmer cư trú đã lâu đời. Ấp nghèo chưa xây lại được chùa. Nhưng từ vài năm nay dân xóm đã dựng được ngôi sala trên nền cũ của khu đất chùa thuở trước. Sala có 3 gian, 5 nhịp đàng hoàng, với ba mái nhọn lợp tôn giả ngói đỏ au hình 3 ngọn tháp. Xóm có nhiều cụm cây thốt nốt già nua lừng lừng cao trên những mái nhà, phần nhiều đã xây tường và lợp tôn, có vách tường còn chưa tô đỏ chót. Dưới bóng cây, là những bầy trâu bò thong thả nhai rơm.

Nhà mới xây trên Xóm Mới.

Ngoài xóm cũ thì còn có một xóm mới cách khoảng hơn cây số. Cũng thốt nốt, cũng xoài xanh óng ả. Nhưng xóm Mới có thêm những ngôi nhà sàn gỗ kiểu Khmer với hai, ba nóc ngói đã lên cao.

Ra đến trung tâm xã là gặp con đường bê tông nhựa rồi đây. Một góc ngã tư trung tâm là chợ. Có nhà lồng hẳn hoi, nhưng hàng hóa cứ tràn ra cả phía trước, dưới những mái tôn tạm bợ, xập xùi. Có cả nhiều người Khmer từ cửa khẩu Tà Nông về mua bán nên rất đông vui. Trước chợ còn có cả bãi xe khách và trạm chờ xe bus. Thật ngạc nhiên là ngôi trường THCS Biên Giới lại thật đẹp, với nhiều tòa ngang dãy dọc, hai tầng mái ngói đỏ au, với cả một nhà thi đấu thể thao. Mát rượi sân trường với cây cao và thảm cỏ.

Chợ xã Biên Giới.

Ấp Bến Cầu còn một địa danh xa xưa nữa là gò Tháp. Cây mì tốt xanh nay trải khắp mặt gò. Kề bên con đường đất đỏ đi qua, có một ngôi miếu nhỏ dưới bóng bồ đề rợp mát như một dấu mốc về đến tháp xưa đã mất. Truy tìm vài sử liệu, mới biết vào thời Pháp thuộc, Biên Giới là làng Đây Xoài- Praha Miệt thuộc tổng Khăn Xuyên, được nhà cầm quyền lập ra vào năm 1877. Năm 1909, một nhà khảo cổ học người Pháp đã tới đây và ghi chép lại.

Theo đó, ngôi tháp cổ ở xóm Leach-veng, được gọi là Đền Thiêng, năm ấy vẫn còn “mặt tường Bắc và một phần tường hướng Tây… mà tổng thể là một sự giống kỳ lạ với những mặt nhìn nghiêng của những cái cổ điển nhất của nghệ thuật Java nguyên thủy…” (Tạp chí của Trường nghiên cứu Viễn Đông thuộc Pháp, số 9 năm 1909).

Trường học xã Biên Giới.

Rạch Nàng Dinh.

Đường về thị trấn Châu Thành.

Thật là kỳ diệu! Trên những vùng quê khốc liệt nhất trong vài cuộc chiến tranh này, đất đai vẫn ôm giữ những kỷ vật của ngàn năm trước. Một mảnh của ký ức vàng son ấy mới được tìm thấy gần đây tại Gò Tháp- Bến Cầu, Biên Giới. Đấy là một bức phù điêu đá tuyệt đẹp in hình các vị thần và tiên nữ cưỡi trên lưng thần rắn Na-ga. Phù điêu đã gãy làm đôi, nhưng một đầu trụ đá còn nguyên vẹn. Những di vật ấy đã được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Vậy nên Biên Giới tưởng rằng xa, mà lại rất gần.

N.Q.V

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục