(BTN)- Có lẽ khá lâu rồi,
những người dân sống hai bên trục đường chính của xã Bàu Năng, Dương Minh Châu
không còn thấy một người đàn ông trung niên dong dỏng cao, đẩy chiếc xe bán bánh
mì, sáng chiều mấy bận đi trên đường. Người tinh ý hỏi mua bánh mì, thường thấy
trên chiếc xe bày bề bộn những bánh mì, thịt heo, nước tương, ớt… còn có vài tập
thơ đang đọc dang dở hoặc quyển tập học trò, trong đó ghi chi chít những bài
thơ. Có khi cao hứng, người bán bánh mì còn đọc “khuyến mãi” cho khách vài câu
thơ vừa mới sáng tác hay một vài câu ca cổ mà anh đang nghiền ngẫm. Rất nhiều
người vui tính đặt cho anh biệt hiệu “nhà thơ bán bánh mì”!
Nhà thơ bán bánh mì ấy tên
thật là Nguyễn Đình Thuận, sinh năm 1942 tại Ba Tri (Bến Tre) bút danh Phương
Đình. Anh làm thơ từ những năm 70 của thế kỷ trước, năm 1973 anh xuất bản tập
thơ đầu tay “Bên cầu tương tư” được nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà cổ vũ và động
viên trên mục “Lều thơ” báo Điện Tín.
 |
Nhà thơ Phương Đình
(trái) và tác giả |
Thơ Phương Đình giàu chất tự
sự, lời lẽ chơn chất mộc mạc, thuộc tuýp người yêu chuyện dân dã, đồng quê, ví
như những bài: Tô cháo cóc, Tập cưỡi trâu… Phương Đình còn “đắm chìm” trong
những cuộc tình duyên có vẻ… lỗi thời đối với lớp trẻ ngày nay, song cũng không
kém phần đằm thắm và sôi nổi: “Em là con gái Trà Cao/ Học trường xứ Trảng yêu
sao thế này/ Thướt tha tà áo tung bay/ Che nghiêng vành nón ngày ngày trường xa”
(Con gái Trà Cao), hay như “Đêm ngủ Trà Cao, gối đầu Đức Huệ…” để mà thương mà
nhớ cái thời hoa niên: “Sáng hồng trên chuyến đò qua/ Đánh rơi hương tóc la đà
sương mai/ Lặng thầm tôi nhặt hương bay/ Ép vào trang vở lòng say dạt dào”. Để
rồi khi lăn lộn trong trường đời dâu bể, có lúc người thơ đã nhận ra rằng: “Tình
yêu đội nón qua cầu/ Lối xưa còn đó lá sầu rụng rơi” và: “Bao năm đẹp lắm chuyện
tình/ Vì đâu tan vỡ tim mình vỡ tan? /Tôi nghèo chẳng có bạc vàng/ Đành xa mất
cánh hoa nàng tôi yêu” (Thung lũng tình). Cái cảnh nghèo “chẳng có bạc vàng”
thường ám vào thơ Phương Đình, cho dù là những câu thơ anh dành cho những người
thương yêu nhất: “Nhớ ngày cưới mẹ cho bông một chỉ/ Nay còn đâu đã cầm bán lâu
rồi/ Thương làm sao… người vợ hiền cam phận/ Con đông nghèo, đong nước mắt đầy
vơi” (Lời cho vợ hiền).
Bước vào cái tuổi “Xưa nay
hiếm”, Phương Đình vẫn còn “yêu” chị Hằng Nga lắm lắm, khi anh tưởng mình đang
“lần lối tìm trăng”: “Đêm buồn theo lối mây trôi/ Hỏi thăm đường đến nhà trời
tìm em/ Cửa mây chín lớp buông rèm/ Ngăn người trần tục qua thềm thiên cung”
(Tìm em), và người thơ đã cảm nhận: “Trăng nằm sóng soãi dưới cầu/ Vóc ngà lồ lộ
lộng bầu trời xanh/ Cất cao giọng hát dỗ dành/ Ta ru trăng ngủ yên lành trăng
ơi” (Tương tư trăng), cũng bởi cái từ tượng hình “sóng soãi” làm người ta liên
tưởng đến câu thơ của Hàn Mặc Tử “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu”, rồi um
sùm là Phương Đình đạo thơ, khiến anh chán nản hụt hẫng một thời gian dài. Thực
ra, đấy chỉ là “sự ảnh hưởng” hoặc “mượn từ” vốn có trong văn chương. Các nhà
thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên… cũng đã nói nhiều về hiện tượng này. Mà xem
chừng tai nạn cũng có cái hay! Phương Đình quay trở lại với việc sáng tác các
bài ca cổ. Những bài ca cổ của anh cũng thường được trình bày trên Đài tiếng nói
Nhân dân TP. Hồ Chí Minh qua các giọng ca của Châu Thanh, Cẩm Tiên…Vốn liếng về
ca cổ của anh hiện cũng đã hơn trăm bài.
Một mảng sáng tác khác, rất
được Phương Đình chăm chút là thơ Đường. Đây là những câu thơ do anh viết ra:
“Quán chiếu đường tu hồi hướng thiện/ Trở về cửa đạo ngự sen hồng/ Ngồi thiền
tiếp điển duyên khai hoá/ Hầu độ chúng sanh đến đại đồng”. Cũng như những người
đàn ông mê bóng đá, Phương Đình đã: “Say mê như trái tim này/ Yêu em chung thuỷ
tháng ngày tiếng yêu/ Trên sân quả bóng lăn đều/ Vẫn còn mãi mãi lăn đều trên
sân” (Quả bóng còn lăn).
Gần 10 năm nay, Phương Đình
đã có một chỗ làm cố định, đỡ phải vất vả rong ruổi trên đường. Anh phụ việc tại
phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm và vẫn âm thầm theo đuổi nghiệp thơ. Nhắc
chuyện cũ, anh lại nói nhớ chiếc xe bán bánh mì da diết…
TRẦN HOÀNG VY