BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một thời như thế

Cập nhật ngày: 01/12/2009 - 01:51

Tặng Kỷ niệm chương cho các thanh niên sinh ra trong chiến tranh.

Hôm ấy 28.11, trong buổi họp mặt truyền thống Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam diễn ra tại khu di tích Ban an ninh Miền (trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên) có nhiều người nay đã lớn tuổi nhưng khi trở lại chiến trường xưa, cái chất trẻ trong mỗi người gần như còn nguyên vẹn. Với họ những năm kháng chiến gian lao mà anh dũng là những hồi ức không thể nào quên. Và các bạn trẻ Tây Ninh đã được nghe những câu chuyện cảm động và thú vị...

Bà Trần Xuân Mai, một người từng ở trong căn cứ kháng chiến hàng chục năm bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà đã lên đường tòng quân. Vào quân ngũ,  bà công tác ở Ban dân y miền Nam (C34 cũ). Tại chiến trường, người con gái tuổi đôi mươi ấy có một mối tình rất đẹp và lãng mạn với một thầy thuốc trẻ. Nguyên nhân của mối tình ấy đơn giản: cô gái bị bệnh, nhiều y bác sĩ chữa không khỏi, đến khi có anh bác sĩ vừa trẻ vừa xinh trai đến chữa bệnh cho, có lẽ do  thầy thuốc “mát tay” nên một thời gian ngắn sau cô khỏi bệnh! Hai người tiến đến hôn nhân. Hồi ấy, sinh con trong rừng thật sự là một thử thách lớn. Nhưng nếu chờ đến ngày giải phòng thì muộn quá. Những đứa con của bà Mai lần lượt chào đời trong điều kiện chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt. Những đứa bé cất tiếng khóc  chào đời trong rừng nay đã trưởng thành. Với bà, đó cũng là hạnh phúc lớn.

Theo yêu cầu của đông đảo đoàn viên thanh niên có mặt hôm ấy, cựu chiến binh Trần Văn Ham cũng vui vẻ kể…:

Ông quê ở Sóc Trăng. Sau 1954, ông tập kết ra miền Bắc rồi đem lòng yêu một cô gái xứ Thanh. Chính quyền xã đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai anh chị. Yêu nhau mấy núi cũng leo. Cô gái xứ Thanh tạm biệt gia đình lên đường cùng chồng để tiếp tục cuộc trường chinh vạn dặm của cả dân tộc. Giải phóng, sau hàng chục năm lấy nhau, lần đầu tiên ông đưa vợ về Sóc Trăng để “ra mắt” họ hàng nội ngoại khi tóc của hai người đã nhiều sợi đổi màu. Vợ chồng ông sinh được hai người con trong chiến tranh. Một trong hai người là anh Trần Khánh Lâm, hiện là Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán chuẩn Việt TP.HCM.  Có mặt tại buổi họp mặt, anh Lâm nói: không ai muốn mình phải chào đời trong cảnh bom rơi đạn nổ. Nhưng do điều kiện lịch sử, thế hệ các anh đã phải ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt gian khó. Để đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ cũng như sự chăm lo của Nhà nước, anh đã phải cố gắng học thật giỏi để phục vụ đất nước.

Bà Nguyễn Hồng Thu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cũng nghẹn ngào kể lại: Ngày ấy bà công tác ở Bệnh viện Trung ương Cục miền Nam.  Năm 1972, bà sinh người con đầu lòng ở đây. Gian khổ thì không thể nào nói hết được. Là bác sĩ, không biết bao nhiêu lần người mẹ trẻ ấy đã phải nhờ đồng đội trông con, còn mình thì xuống chiến hào tham gia cứu thương. Bà nhớ lại: “Hồi đó, trong ba lô hành quân của tôi lúc nào cũng mang theo những hộp sữa bò đã… quá đát”. Bà đã phải nuôi con nhỏ bằng những hộp sữa ngả màu ấy. May mà không xảy ra sự cố gì. Hiện nay, con bà đã là Thượng uý ở một đơn vị lực lượng vũ trang.

Đông đảo đại biểu về tham dự họp mặt.

Trong buổi họp mặt, có một thanh niên người Tây Ninh được mời lên phát biểu cảm tưởng. Anh nói rằng, ký ức chiến tranh trong anh không nhiều, vì sau khi mẹ sinh anh được một năm thì đất nước giải phóng, song sự gian khó thì anh cũng được nếm đủ. Nhưng chính nhờ trải qua những khó khăn như vậy mà anh có động lực để học tập và vươn lên. Người đó là anh Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh đồng thời là một trong những đại biểu Quốc hội trẻ nhất!

 Bên cạnh những mối tình đơm bông kết trái giữa chiến hào lửa đạn năm xưa, còn có những bài hát, vần thơ vọng vang cao vút. Nhà báo Đinh Phong nhắc đến những tác phẩm mà ông cùng nhiều chiến sĩ - nghệ sĩ khác đã cho ra đời trong những tháng ngày gian khổ để phục vụ chiến sĩ. Có lúc đơn vị bộ đội chỉ yêu cầu được nghe một bài hát hoặc một bài thơ trước giờ xung trận. Còn gì lãng mạn hơn thế! Sẽ là lạc quan tếu nếu nói rằng, những người tham gia kháng chiến không sợ chết. Nhưng như một nhà thơ đã lý giải: Chúng tôi đi không tiếc tuổi xuân/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc / Nhưng ai cũng tiếc thì còn chi Tổ quốc?

Có một thời, họ đã sống như thế!

DƯƠNG VIỆT ĐÔNG