Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành:

Có mương, vẫn lo thiếu nước 

Cập nhật ngày: 17/12/2022 - 06:00

BTN - Qua trao đổi với ông Huỳnh Văn Cho vào ngày 15.12, ông cho biết hiện nước kênh đã về nhưng ông vẫn chưa lấy được nước. Trong khi, vườn nhãn của ông đang ra bông kết trái và rất cần có nước để tưới.

Ông Cho tại vị trí đoạn mương bị ách tắc khoảng 10m.

Cách nay khoảng 3 năm, 51 hộ dân có đất nông nghiệp giáp với một con đường đất rộng 4m cùng nhau họp bàn, thống nhất mỗi bên bỏ ra hơn 2m đất để mở rộng con đường, việc này có chính quyền địa phương chứng kiến. Trong đó, kết hợp đào mương cặp hai bên để lấy đất đắp lên đường, tận dụng mương dẫn nước tưới cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một hộ dân chưa đào mương thông suốt, gây khó khăn trong việc dẫn nước tưới, phát sinh tranh chấp.

Hộ ông Huỳnh Văn Cho có đất trồng cây nhãn tại địa bàn ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Vừa qua, cử tri có phản ánh hộ ông Cho đào một đoạn mương dẫn nước trên đường giao thông, gây hư hỏng mặt đường, không bảo đảm an toàn giao thông.

UBND xã đã mời ông Cho lên làm việc. Sau đó, ông Cho khắc phục lấp mương, đồng thời gửi đơn đến Báo Tây Ninh trình bày sở dĩ ông làm như vậy là do mương dẫn nước tưới bị ách tắc, trong khi vườn nhãn của ông đang ra bông kết trái và rất cần phải tưới nước.

Cụ thể, ông Cho phản ánh, vẫn còn hai vị trí đất của hộ ông Ngô Thành Mỹ giáp đường giao thông chưa được đào mương để khơi thông dòng chảy. Trong khi, hộ ông Cho có đất nông nghiệp liền tuyến mương phía sau đó đã đào mương theo sự thống nhất của 51 hộ dân nêu trên. Việc ông Mỹ chưa đào mương thông suốt như vậy đã gây tắc đường nước tưới đối với đất của ông Cho.

Qua quan sát thực tế vào ngày 12.12, tại vị trí đất của ông Mỹ và ông Cho, tính luôn phạm vi mương đào cặp hai bên đường thì công trình đường giao thông này chỉ rộng khoảng 8m (trong biên bản 51 hộ dân họp và thống nhất đường rộng 10m). Ông Cho giải thích, do trong quá trình vận động người dân hiến đất mở rộng đường chia làm 2 đợt, đợt đầu ngang qua khu vực đất của ông chỉ đề xuất đường rộng 8m, đợt vận động sau đó hướng cuối đường mới nâng lên thành đường rộng 10m.

Theo ý kiến của ông Cho, vấn đề không phải là đường rộng 8m hay 10m, ông sẵn sàng nới rộng phạm vi đường thành 10m đoạn qua đất của ông. Tuy nhiên, việc đào mương cặp hai bên đường là phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất để tất cả người dân có thể tận dụng mương lấy nước tưới cây nông nghiệp. Ông Cho không đồng ý với việc người đã chấp hành đào mương, người thì có đào nhưng vẫn giữ lại vài đoạn gây ách tắc.

Ông Cho chỉ rõ hai vị trí đất của ông Mỹ giáp đường giao thông nhưng chưa được đào mương. Vị trí thứ nhất nằm ở một khúc cua đường, tại đây có đoạn đất dài khoảng 10m chắn ngang mương hiện trạng, trong khi đất của ông Cho phía sau đó. Vị trí thứ hai về hướng đầu con mương dẫn nước tưới, chỗ đoạn mương dẫn nước từ kênh xuống.

Tại đây cũng đang có một đoạn đất dày khoảng 2m chắn ngang lòng mương hướng rẽ về vị trí thứ nhất. Với hiện trạng như vậy, nếu ông Cho muốn lấy nước theo mương cặp với đất của ông Mỹ cũng bị ách tắc ngay từ đầu nguồn.

Ngoài ra, ông Cho còn chỉ cho chúng tôi thấy đoạn đất cặp đường dài khoảng 30m của ông Mỹ vẫn chưa được đào mương. Đoạn đất này gần chỗ mương dẫn nước từ kênh xuống giáp đường, ngược về hướng đi Cầu Sắt. Ông Cho trình bày, ngay từ khi tổ chức họp dân đã thống nhất cùng nhau hiến đất làm đường, đào mương dẫn nước tưới, ông Cho đã đồng thuận theo ý kiến tập thể. Thế nhưng, phía ông Mỹ chỗ đào, chỗ không, gây ảnh hưởng đến việc ông Cho lấy nước thì ông không đồng ý, kiến nghị chính quyền giải quyết.

Liên quan đến vấn đề ông Cho trình bày như trên, ông Trần Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Đông cho biết, tại đoạn đất dài khoảng 10m của hộ ông Mỹ giáp đường nhưng vẫn chưa được đào mương, việc này UBND xã cũng đã vận động ông Mỹ thông mương, để ông Cho lấy nước tưới vườn nhãn rộng hơn 1.000m2 phía sau đó.

Ông Mỹ cũng đã đồng ý, nhưng tại thời điểm vận động, nước kênh chưa xả về, ông Mỹ có ý kiến tạm thời để cho ông có lối ra vào đất, khi nào nước kênh xả về thì ông sẽ đào mương nhưng cần phải xem xét đến chi phí lắp đặt cống. Vì ông Mỹ đã bỏ đất đào mương, ông Cho cần lấy nước tưới, lối vào đất của ông Mỹ cũng cần phải giữ, nên UBND xã sẽ mời hai bên lên làm việc để thống nhất nội dung này.

Đối với vị trí đất khoảng 30m của ông Mỹ giáp đường vẫn chưa được đào mương, ông Trần Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND cho biết, đoạn đất này khi mở rộng đường vẫn chưa đào làm mương là do tại đó có đường nhánh hình thành từ lâu để người dân làm lối đi chung lên các kênh cấp 2, cấp 3 lấy nước.

Từ khi thực hiện mở rộng đường đến nay, không có hộ dân nào ý kiến liên quan đến đoạn đất này. Gần đây, ông Cho chỉ kiến nghị giải quyết đoạn mương bị tắc khoảng 10m, sau đó chưa rõ vì lý do gì mà ông Cho phát sinh thắc mắc thêm đoạn 30m.

Ông Hoàng còn cho hay, thực tế, đoạn đất khoảng 30m đó có đào mương hay không cũng không ảnh hưởng đến việc lấy nước của ông Cho phía bên kia đường. Vì mương dẫn nước từ kênh xuống đã có cống luồn qua đường thông với mương giáp đất của ông Cho. Hơn nữa, nếu đào đoạn đất khoảng 30m để làm mương là phải đặt cống để giữ đường nhánh cho người dân lên kênh lấy nước (trong đó có ông Cho), việc này tốn thêm nhiều chi phí nên vẫn để vậy cho đến nay.

Như vậy, theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND xã, giữa ông Cho và ông Mỹ cần có sự thống nhất trong việc đặt cống khi đào mương tại vị trí đang bị tắc khoảng 10m. Riêng đối với đoạn đất khoảng 30m chưa được đào thành mương là vì những lý do như ông Hoàng vừa nêu trên. Ông Hoàng còn cho biết thêm, cả tuyến đường giao thông đang đề cập có chiều dài khoảng 4km, bắt đầu từ khu vực Rừng lịch sử đến Cầu Sắt. Đường này đã được UBND xã Trường Đông đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, sẽ nâng cấp lên thành đường nhựa.

Qua trao đổi với ông Huỳnh Văn Cho vào ngày 15.12, ông cho biết hiện nước kênh đã về nhưng ông vẫn chưa lấy được nước. Trong khi, vườn nhãn của ông đang ra bông kết trái và rất cần có nước để tưới.

Quốc Sơn