Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Có nên dự trữ Tamiflu trong nhà để chữa cúm?
Thứ năm: 07:41 ngày 19/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sử dụng Tamiflu cần có chỉ định bác sĩ, không nên tự ý sử dụng và không cần dự trữ thuốc trong nhà gây lãng phí.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cúm là một trong các loại virus của đường hô hấp, bao gồm cúm A và cúm B.

Người bệnh cúm B thường diễn biến nhẹ, còn cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ.

"Tuy nhiên, không phải cứ bệnh cúm là sử dụng Tamiflu để điều trị", bác sĩ nhấn mạnh. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Nếu mắc cúm thông thường, không cần dùng đến Tamiflu.

Thuốc Tamiflu được chỉ định điều trị cúm, là thuốc kê toa. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Tình trạng khan hiếm Tamiflu, theo tiến sĩ Dũng, có thể ban đầu số người dùng ít, trừ khi có dịch, hạn sử dụng ngắn, thuốc nhập khẩu bị hết hạn phải hủy... Khi có ít hàng bán ra, lại vào mùa cúm, thuốc sẽ bị tăng giá gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, không một cửa hàng nào đầy đủ hết các loại thuốc. Việc đổ xô đi mua Tamiflu dự trữ khiến "người cần không có, người có không cần".

"Đặc biệt, lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này. Đây là loại thuốc được bác sĩ kê đơn nên cũng không nên tự ý mua hay dự trữ trong nhà", tiến sĩ Dũng nói.  

Bác sĩ cho biết biểu hiện của bệnh cúm ban đầu là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ngạt mũi, ho và chảy nước mũi. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Tất cả triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một đến hai tuần. Trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị.

Trường hợp cúm nhẹ chỉ cần chữa ở nhà, có khả năng lây cho người khác ở viện hoặc lây các bệnh khác tại viện. Khi có dấu hiệu, người bệnh nên đi khám và tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. "Kể cả cúm A/H1N1 cũng là cúm mùa, không cần lo lắng quá mức", bác sĩ khuyên.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắcxin cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục