BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tủ sách pháp luật cơ sở:

Có nên tiếp tục duy trì ? 

Cập nhật ngày: 28/11/2020 - 01:01

BTN - Việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở các xã, phường, thị trấn góp phần đưa pháp luật vào đời sống, là nơi để cán bộ và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, TSPL ở cơ sở còn nhiều bất cập, cần được khắc phục để phát huy hiệu quả tốt hơn.

Triển lãm sách lý luận chính trị và pháp luật. (Ảnh minh hoạ: Ð.H.T)

Thưa vắng người đọc

Toàn tỉnh có trên 1.050 TSPL được bố trí tại các xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... Trong năm 2019, các TSPL đã phục vụ cho khoảng 12.037 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến nghiên cứu, tham khảo.

Hiện nay, các TSPL được bố trí trong bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phòng tiếp dân, thư viện… của xã. Các địa phương thực hiện tốt việc quản lý sách pháp luật, có trang bị bàn ghế phục vụ việc đọc sách tại chỗ của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc tuyên truyền về TSPL chưa thật sự “lan toả”, vẫn còn người dân chưa biết về sự tồn tại của TSPL trên địa bàn cư trú.

Xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) bố trí TSPL tại phòng Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã với gần 100 đầu sách, loại văn bản, được sắp đặt ngay ngắn, phân thành từng loại: sách, báo, tài liệu pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật khá dễ tìm. Tuy vậy, rất ít người đến đây đọc.

“Dù UBND xã bổ sung các sách, báo, tài liệu pháp luật và thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu về TSPL nhưng do bà con ít quan tâm đến việc đọc. Mỗi năm, người sử dụng TSPL không nhiều, đối tượng mượn sách chủ yếu là cán bộ, công chức tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác chuyên môn. Do ít người đến tìm hiểu, TSPL luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài” - một lãnh đạo xã Long Vĩnh cho hay.

Xã Thái Bình (huyện Châu Thành) bố trí TSPL ở phòng thư viện tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng. Tủ sách đa dạng các đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như triết học, tâm lý học, chính trị, kinh tế, pháp luật, quân sự, giáo dục... Dù xã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu người đọc nhưng nơi đây rất vắng vẻ. “Tôi ít đọc sách ở TSPL vì tra cứu trên các thiết bị có kết nối mạng internet thuận tiện hơn, ngồi đọc sách ở đây không có không gian riêng, rất bất tiện”- một người dân cho biết.  

Theo ông Lê Cường Quốc- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã Thái Bình (huyện Châu Thành), TSPL của xã có 1.638 đầu sách, với nhiều thể loại sách khác nhau từ Hiến pháp, các bộ luật, luật chuyên ngành, các tài liệu liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân... Trong năm 2020, phòng thư viện đã tiếp 303 lượt người đến đọc, với 688 lượt tài liệu phục vụ, được bổ sung 28 đầu sách.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người đến đọc và mượn sách tại TSPL của xã có chiều hướng giảm. Tủ sách chỉ phục vụ cho một số ít học sinh, cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu tìm hiểu luật như học tập, giải quyết công việc hằng ngày hay phục vụ công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật.

Ðể công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân luôn bảo đảm, bên cạnh hoạt động của TSPL, hằng năm, địa phương đều tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức như hệ thống loa truyền thanh cơ sở, giới thiệu, lồng ghép trong các hội nghị, hội thi, buổi sinh hoạt… về các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như Bộ luật Dân sự; Luật Ðất đai; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã trong việc tuyên truyền, xây dựng tủ sách, địa điểm đọc sách cho đoàn viên, thanh niên khi có nhu cầu.

Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã Thái Bình phối hợp Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã tổ chức ngày hội đọc sách cho đoàn viên, thanh niên.

Có nên tiếp tục duy trì?

Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ nên việc tra cứu các văn bản pháp luật trên mạng rất nhanh chóng và thuận tiện.

Do đó cán bộ, công chức, viên chức và người dân phần lớn lựa chọn việc tra cứu văn bản pháp luật trên mạng chứ không chọn tra cứu tại TSPL của địa phương. Vì thế, số lượt người đến TSPL để nghiên cứu ngày một giảm, dẫn đến việc khai thác hiệu quả của TSPL chưa cao.

Bên cạnh đó, việc bổ sung đầu sách cho các TSPL tại cơ sở chưa nhiều, phong phú, chủ yếu là tập san, tin tư pháp và tài liệu pháp luật do Sở Tư pháp cấp. UBND các xã, phường, thị trấn không bố trí được kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới, đa phần đều chờ sách được cấp, nên chưa thu hút người dân thường xuyên tìm đến TSPL.

Ðồng quan điểm, lãnh đạo xã Long Vĩnh cho biết thêm, thời gian phục vụ của tủ sách là giờ hành chính, thuận tiện cho việc khai thác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, thời gian này lại chưa thuận tiện cho người dân đến khai thác. Không chỉ vậy, việc bố trí TSPL cấp xã chưa hợp lý. Trong khi đó, nhiều người dân còn có tâm lý rất ngại đến cơ quan hành chính, còn ngoài giờ làm việc, tủ sách lại không có người phục vụ.

Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho hay, trước đó, UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn xử lý TSPL theo Quyết định số 14/2019/QÐ-TTg ngày 13.3.2019. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ duy trì TSPL ở các xã biên giới; sáp nhập TSPL các xã còn lại thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của điểm Bưu điện - Văn hoá xã, Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Ðồng thời bố trí kinh phí cho hoạt động của TSPL đến hết năm 2020. Từ năm 2021, kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác sách, tài liệu pháp luật được bố trí trong kinh phí hoạt động của thiết chế văn hoá - thông tin mà TSPL được sáp nhập.

Tủ sách pháp luật tại các địa phương rất ít người dân đến đọc.

Ðối với TSPL tại cấp xã và các cơ quan, đơn vị không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Ðiều 1, Quyết định 14/2019/QÐ-TTg thì do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét quyết định tiếp tục duy trì. Nếu còn phát huy hiệu quả và cần thiết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định việc tiếp tục duy trì và cho kiểm kê, lưu trữ, quản lý các đầu sách, tài liệu theo quy định của pháp luật.

Nếu tiếp tục duy trì thì chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí cho hoạt động của TSPL đến hết năm 2020. Từ năm 2021, thực hiện xã hội hoá việc quản lý, khai thác TSPL theo hướng tự quản cộng đồng; bố trí kinh phí cho các xã biên giới xây dựng, quản lý, khai thác TSPL theo quy định tại Ðiều 4, Quyết định 14/2019/QÐ-TTg.

Nếu không tiếp tục duy trì TSPL, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo tổ chức lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị theo quy định về quản lý tài sản công và hoàn thành trước ngày 31.12.2020; bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước cho hoạt động của TSPL đến hết năm 2020, đồng thời chỉ đạo lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, có giá trị để số hoá, cập nhật trên dữ liệu thành phần của TSPL điện tử quốc gia theo phạm vi thẩm quyền quản lý.

Thiên  Di