Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có nên xem nghiện ma tuý là một loại tội phạm?
Thứ tư: 11:45 ngày 08/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ thảm án xảy ra có liên quan đến mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý. Tại Tây Ninh, tính đến gần cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 5.000 người nghiện ma tuý. Trước tình hình đó, có nhiều ý kiến đề xuất xem xét coi người sử dụng ma tuý là tội phạm chứ không chỉ là nạn nhân.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Tháng 6.2019, trả lời chất vấn tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá, ma tuý là “tội phạm của các loại tội phạm”, bình quân cứ mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì có đến 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ thảm án xảy ra có liên quan đến mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý.

Tại một tỉnh biên giới như Tây Ninh, tính đến gần cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 5.000 người nghiện ma tuý. Trước tình hình đó, có nhiều ý kiến đề xuất xem xét coi người sử dụng ma tuý là tội phạm chứ không chỉ là nạn nhân. Vậy, có nên xem người nghiện ma tuý là tội phạm hay không? Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Báo Tây Ninh với ông Trịnh Ngọc Phương- đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người sử dụng ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào đều bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm. Ðến năm 2015, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018) không còn quy định hành vi sử dụng ma tuý là tội phạm, tức người sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Là ÐBQH, ông nhìn nhận sự thay đổi về chính sách, pháp luật này như thế nào, tại sao đã đưa vào rồi lại bỏ ra?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Trước đây, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý bị coi là tội phạm, theo điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau đó việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đã bãi bỏ tội danh này. Tuy nhiên, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính. Cụ thể, tại Khoản 1 Ðiều 21 Nghị định 167/2013/NÐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Theo Khoản 4 Ðiều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời hạn áp dụng từ 3 đến 6 tháng.

Theo Khoản 1 Ðiều 96 Luật này, người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định thì sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn áp dụng từ 12 đến 24 tháng.

Như vậy, nghiện ma tuý không bị coi là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử lý vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Tôi cho rằng sự thay đổi về chính sách, pháp luật này mang tính nhân văn. Trước đây khi thông qua vấn đề này, Quốc hội cân nhắc rất nhiều và coi người nghiện là nạn nhân chứ không phải tội nhân. Ðây là một bệnh lý đặc biệt, rất khó bỏ. Khi trong trạng thái nghiện, người nghiện không ý thức được sẽ có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do vậy cần phải chữa trị. Theo tôi được biết không chỉ Việt Nam, mà một số quốc gia trên thế giới cũng coi người nghiện là bệnh nhân, tìm cách giúp đỡ họ chữa trị. Hiện, người nghiện sẽ phải cai nghiện tại cộng đồng hoặc vào các trại cai nghiện bắt buộc và có ý kiến cho là hiệu quả chưa cao, nên áp dụng hình phạt tù để cai nghiện tốt hơn, ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội.

Phóng viên: Tình hình tội phạm liên quan đến ma tuý ở Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng đang ngày càng phức tạp, nóng bỏng. Từ chỗ mỗi vụ vận chuyển ma tuý chỉ tính bằng đơn vị rất nhỏ như gam hoặc ký, nay lên đến hàng tạ, hàng tấn. Trước thực tế đó, ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất, xem xét tái xử lý hình sự người nghiện ma tuý để tăng sự răn đe, giảm thiểu các loại tội phạm do người sử dụng ma tuý gây ra. Theo quy luật cung cầu, chừng nào còn có người sử dụng ma tuý thì chừng đó vẫn có nguồn hàng cung cấp.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng có những quan điểm trái chiều, vì số lượng người sử dụng ma tuý hiện nay rất nhiều. Trên thế giới, một số quốc gia không coi người nghiện là tội phạm… Hiện tại các hành vi liên quan đến ma tuý như mua bán, vận chuyển, sản xuất ma tuý đều bị coi là tội phạm, chỉ riêng người sử dụng là không. Vậy, theo ông, có nên cân nhắc tái “bổ sung” người nghiện vào Bộ luật Hình sự và xem đó là tội phạm hay không?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Vừa qua, một số cử tri gửi kiến nghị đến Quốc hội bày tỏ sự bức xúc về tình trạng người sử dụng ma tuý ngày càng gia tăng. Trong khi đó, việc quản lý người nghiện, người cai nghiện chưa thật sự hiệu quả, biện pháp xử lý các đối tượng mua bán ma tuý với liều lượng và số tiền ít chưa đủ tính răn đe. Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp quản lý hữu hiệu và xử lý nghiêm khắc hơn với người nhiều lần tái phạm, đồng thời không đặc xá hay giảm án cho đối tượng mua bán ma tuý.

Ðể trả lời vấn đề này, theo tôi được biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an báo cáo và có giải pháp hữu hiệu. Bộ Công an cho hay, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong công tác phòng, chống ma tuý nói chung và công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai nghiện nói riêng. Ðồng thời, cơ quan chức năng áp dụng nhiều chính sách, hình thức xử lý đối với người nghiện như điều trị thay thế bằng methadone, quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn…

Tuy nhiên, hiện nay, xuất hiện nhiều loại ma tuý mới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện hiệu quả. Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tác hại của ma tuý tổng hợp, cho rằng ma tuý tổng hợp không gây nghiện, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng số người sử dụng loại ma tuý này. Ngoài ra, việc người nghiện được coi là người bệnh, được quản lý và áp dụng các hình thức cai nghiện khác nhau, trong đó phần lớn quản lý, cai nghiện tại cộng đồng, không thể cách ly người nghiện sau cai (hoặc sau khi đã bị xử lý hành chính) ra khỏi môi trường còn ma tuý... cũng là một vấn đề.

Bộ Công an khẳng định trong tất cả loại tội phạm, tội phạm về ma tuý phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất nhưng mức xử phạt với nhóm tội phạm này nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào tội danh, hành vi, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định.

Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, ngoài việc áp dụng luật và các văn bản dưới luật, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSÐT tội phạm về ma tuý rà soát, sớm phát hiện, phân loại, quản lý khi phát sinh người nghiện, đặc biệt là người nghiện sử dụng các chất ma tuý dạng mới. Ðối với số người nghiện, lực lượng Công an đã có hồ sơ quản lý sẽ tăng cường các biện pháp, theo dõi, quản lý các đối tượng này, nếu có dấu hiệu của tội phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng xử lý tội phạm về ma tuý hiện nay được quy định tại Chương XX của BLHS năm 2015 (gồm 13 điều từ Ðiều 247 đến Ðiều 259) tất cả đều được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống các tội phạm về ma tuý trong tình hình mới. Trong đó có 9/13 tội danh có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình; 3/13 tội danh có hình phạt cao nhất 10-15 năm tù giam, chỉ có một tội danh có hình phạt cao nhất đến bảy năm tù.

Qua những nỗ lực của Bộ Công an, tôi cho rằng đối với tội phạm về ma tuý, các lực lượng chức năng đã áp dụng rất nhiều hình phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Số bị cáo phạm tội về ma tuý bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc loại bỏ tội phạm này ra khỏi Bộ luật Hình sự có thể được xem như sự mở cửa cho hành vi sử dụng chất ma tuý, bởi người nghiện sẽ nhận thức rằng dù họ có nghiện hút, xã hội vẫn chăm lo và đưa họ đi cai nghiện bằng ngân sách của Nhà nước.

Ðồng thời nếu bỏ tội danh này sẽ không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, mặc dù quan điểm nhìn nhận người nghiện là bệnh nhân cũng có tính nhân văn, tuy nhiên trước những hiểm hoạ mà người nghiện đang gây ra thì có lẽ phải tội phạm hoá trở lại hành vi này...

“Trong tình hình đặc biệt thì phải có biện pháp đặc biệt”-  với tình trạng tội phạm liên quan đến ma tuý như hiện nay, tôi đồng thuận với ý kiến của Bộ trưởng Tô Lâm là đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tội phạm ma tuý, trong đó có việc cân nhắc khôi phục lại Ðiều 199 trong BLHS năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma tuý. “Tội phạm muốn tiêu thụ ma tuý thì phải tăng người nghiện, vì vậy công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hoá việc sử dụng ma tuý là điều cần thiết”. Dù sao đi nữa cũng cần phải đặt lợi ích của cộng đồng, của số đông lên hàng đầu.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân tỉnh khoá IX, một số liệu liên quan đến ma tuý được công bố như sau: “Tính đến ngày 9.9.2019, người nghiện ma tuý có hồ sơ quan lý trên địa bàn tỉnh là 5.039 người, 80% trong số đó là thanh, thiếu niên; có 200 người cai nghiện tại gia đình, 657 người đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu”. Theo đánh giá của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hiệu quả cai nghiện ở gia đình, cộng đồng đạt kết quả thấp, có nhiều trường hợp “con nghiện” bỏ giữa chừng… Ông nhìn nhận như thế nào về các con số và đánh giá như vừa nêu?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Theo tôi những nhận định trên là hoàn toàn chính xác. Không chỉ riêng ở Tây Ninh mà nhìn chung cả nước hiện nay ma tuý đã xâm nhập hết tất cả phường xã, khu dân cư từ thành thị cho đến nông thôn. Mặc dù hơn hai mươi năm qua, chúng ta đã đấu tranh quyết liệt và thu được nhiều kết quả nhưng thực tế tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn; tuyến mua bán vận chuyển rộng hơn.

Người sử dụng trái phép và nghiện ma tuý gia tăng về số lượng, lạm dụng nhiều loại ma tuý và ma tuý tổng hợp dần chiếm tỷ lệ tuyệt đối, gây lây lan tệ nạn nhanh hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn. Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng nhiều chất gây nghiện, ma tuý tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc tiếp tục diễn ra, khá phức tạp, khó kiểm soát và gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Nhìn vào số liệu trên của tỉnh, kết hợp với số liệu chung của cả nước, thì tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nghiện ma tuý chiếm khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Ðây là vấn đề đáng báo động.

Vậy vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân nằm ở đâu? Tôi cho rằng, Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về quy trình cai nghiện, điều trị nghiện ma tuý, chế độ cai nghiện, các can thiệp cần thiết đối với người nghiện ma tuý. Từ đó dẫn đến tình trạng ngoài quy định Luật Phòng, chống ma tuý còn một hệ thống văn bản dưới luật quy định về vấn đề cai nghiện, phục hồi và hoà nhập cộng đồng khiến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý, cai nghiện ma tuý trở nên cồng kềnh, phức tạp, nhiều quy định không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của một số luật được Quốc hội thông qua sau thời điểm Luật Phòng, chống ma tuý có hiệu lực, như Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định về biện pháp quản lý sau cai nghiện bắt buộc tại cơ sở quản lý trong Luật Phòng, chống ma tuý hiện nay cũng không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cần được bãi bỏ.

Các loại ma tuý mới liên tục xuất hiện, trong đó nhiều loại mạnh, cực độc, gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng và là nguyên nhân của nhiều loại vi phạm pháp luật. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 600 loại ma tuý tổng hợp, hiện diện ở Việt Nam chúng ta trên 550 loại. Trong khi đó, các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ, nghiệp vụ của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm của ta chưa ngang tầm với yêu cầu.

Ðề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ đã thực hiện cách đây nhiều năm. Ðường hướng đổi mới rất tổng thể, trong đó mục tiêu là giảm dần cai nghiện bắt buộc xuống còn 6% vào năm 2020. Ðề án tuy được đánh giá cao nhưng gần như hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Những đổi mới của đề án này còn hình thức, cơ học, nội dung và phương thức thực hiện chưa tốt, chưa tạo được mô hình tiêu biểu để nhân rộng.

Nhiều địa phương cũng chưa quan tâm, bố trí kinh phí được duyệt để nâng cấp sửa chữa các cơ sở cai nghiện. Vì vậy theo tôi cần đưa Ðiều 199 BLHS năm 1999 vào sử dụng lại. Vì hiện nay nhiều thanh niên sử dụng ma tuý, nếu kéo dài trình trạng này, chuyện đi vào học đường là lẽ đương nhiên, lúc đó không còn kiểm soát được.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh