Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2020, Trường tiểu học Phước Ninh khánh thành “Thư viện thân thiện”, hình thành không gian thư viện năng động, sách được bài trí phù hợp với tầm nhìn của các em học sinh, xung quanh được trang trí bằng nhiều hình vẽ sinh động, bắt mắt...
Cô Chúc cùng học sinh trong tiết học đọc sách.
“Thư viện không chỉ nơi là lưu giữ sách mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá tinh thần giúp các em học sinh có cơ hội củng cố và mở rộng tri thức”. Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Chúc- nhân viên thư viện Trường tiểu học Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, người luôn cố gắng đem sách đến cho học sinh, giúp các em hứng thú với sách và thay đổi văn hoá đọc trong môi trường giáo dục cấp tiểu học.
Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách
Cô Phạm Thị Chúc (sinh năm 1981), quê quán tại tỉnh Thái Nguyên. Năm 2009, tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hoá, chuyên ngành Thư viện - Thông tin, cô về công tác tại điểm Trường tiểu học Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
Khi bắt đầu vào nghề, cô cũng còn nhiều bỡ ngỡ và gặp khó khăn trong công việc, nhưng khi tiếp xúc với các em học sinh, cô mới nhận thấy mình đã chọn đúng nghề. Sự hồn nhiên, vô tư của trẻ con đã tạo thêm động lực giúp cô tự học hỏi, tư duy trong việc thay đổi văn hoá đọc, để cùng các giáo viên của trường nâng cao chất lượng giáo dục, tạo một môi trường vừa học vừa chơi.
Cô Phan Thị Thu Thuý- Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Ninh cho biết, cô Chúc gắn bó với công tác thư viện trường rất nhiều năm. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, cô luôn tìm nhiều giải pháp mới, có những sáng kiến đổi mới trong công tác thu hút bạn đọc, đặc biệt là nhiệt tình tham gia các phong trào, đồng hành cùng các em trong cuộc thi cấp quốc gia.
|
Cô Chúc chia sẻ, khi được phân công trực tiếp quản lý thư viện, thư viện ban đầu chỉ là căn phòng nhỏ chứa tài liệu chủ yếu là sách giáo khoa, chưa triển khai được các hoạt động do còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Đến năm 2020, Trường tiểu học Phước Ninh khánh thành “Thư viện thân thiện”, hình thành không gian thư viện năng động, sách được bài trí phù hợp với tầm nhìn của các em học sinh, xung quanh được trang trí bằng nhiều hình vẽ sinh động, bắt mắt...
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hoá đọc trong môi trường giáo dục, năm học 2019-2020, cô thực hiện sáng kiến giải pháp tổ chức hoạt động thư viện trường học định hướng mô hình “Thư viện thân thiện”. Cô Chúc ưu tiên một không gian thư viện mở, tạo cơ hội cho nhiều học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách và tích cực tham gia các hoạt động cho các em học sinh.
“Thư viện trường học không chỉ là nơi lưu giữ sách mà là phương tiện trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, là nơi diễn ra sinh hoạt văn hoá tinh thần của các em học sinh, giúp các em có cơ hội củng cố và mở rộng tri thức. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi quan niệm, cách nhìn về thư viện trường học từ đó nâng tầm quan trọng của thư viện đối với đời sống tinh thần các em”- cô Chúc cho biết.
Bên cạnh đó, cô Chúc cũng tìm nhiều biện pháp thu hút học sinh đến với thư viện, thông qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổ chức các hoạt động giảng dạy, vui chơi gắn với việc đọc sách như: thi kể chuyện sách, trò chơi dân gian, tổ chức các tiết giáo dục, định hướng thói quen và kỹ năng sử dụng thư viện cho các em học sinh...
Trò chơi dân gian “ô ăn quan” được thêm vào hoạt động của thư viện.
Nâng cao văn hoá đọc cho học sinh
Cụm Trường tiểu học Phước Ninh có 3 điểm trường, trong đó 2 mô hình thư viện gồm “Thư viện thân thiện” tại điểm trường Phước Tân và “Thư viện ước mơ” hoạt động cho điểm trường Phước An và Phước Lễ. Hiện tại, cả hai thư viện đều do cô Chúc quản lý, chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì hoạt động.
Cô Chúc đã nỗ lực, linh hoạt sắp xếp thời gian biểu phù hợp cho 3 điểm trường, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh ở vùng xa. Khi biết các em học sinh tại 2 điểm trường tại ấp Phước Lễ và Phước An còn nhiều khó khăn, không có đủ điều kiện mua sách, cô Chúc đã tổ chức ngày đọc sách, tìm nhiều nguồn sách được quyên góp để đưa đến cho các em học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thay đổi văn hoá đọc sách bằng nhiều hoạt động trải nghiệm, để các em thấy được tầm quan trọng của sách.
Cô Vũ Thị Thu Hiển- giáo viên chủ nhiệm lớp 2E, Trường tiểu học Phước Ninh, điểm Phước An cho biết, thông qua các hoạt động đọc sách, cô Chúc đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em được thoả thích đọc sách, được khám phá nhiều thể loại sách... Qua đó giúp phát triển tư duy, bổ sung thêm các kỹ năng cho các em học sinh.
Những sáng kiến của cô Chúc trong công tác thư viện trường mang lại nhiều giá trị tích cực cho môi trường giáo dục cấp tiểu học. Cô Chúc cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của nhà trường về tổ chức các hoạt động ngoài giờ trong thời gian tới, cô sẽ đưa nhiều trò chơi dân gian vào thư viện, và tăng cường hoạt động thu hút bạn đọc qua kênh thư viện online, giới thiệu nhiều tác phẩm theo từng chủ điểm đến nhiều học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các hoạt động ngoài trời tại 3 điểm trường, giúp học sinh thay đổi văn hoá đọc sách.
Bảo Thi
Năm 2024, cô Chúc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hơn 14 năm làm nhân viên thư viện Trường tiểu học Phước Ninh, cô Chúc đã có nhiều sáng kiến và thành tích trong sự nghiệp. Nhận bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh vì đã có thành tích hai năm học liên tục (2016-2017 và 2017-2018) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó, cô liên tục đạt danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến” trong 5 năm liền (2018-2023).