Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng quý thứ năm liên tiếp - chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ qua. Số liệu công bố mới đây cho thấy, GDP Nhật Bản quý I/2017 đã đạt 2,2% theo tốc độ tăng trưởng năm, tăng 0,5% so với kỳ vọng. Tổng GDP danh nghĩa năm 2016 so với năm 2015 tăng trưởng ở mức cao kỷ lục của 27 năm qua.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp đã chạm mức cao chưa từng có. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,8%, thấp nhất từ năm 1994. Chỉ số chứng khoán Nikkei tăng 0,4% trong năm 2016, năm thứ 5 tăng liên tiếp và cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ cuối những năm 1980 đến nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Abenomics phát huy tác dụng
Từ khủng hoảng kinh tế thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản gần như sụp đổ, mất phương hướng, tăng trưởng nhùng nhằng ở mức thấp, vòng luẩn quẩn giảm phát trói chân. Nhưng đến hôm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã có thể tuyên bố tìm thấy hướng đi đúng đắn cho nền kinh tế.
Chính sách cải tổ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi ông Abe lên nắm quyền được cho là đã góp phần quan trọng làm nên kết quả này. Thông qua việc mua lại một lượng lớn trái phiếu Chính phủ, BOJ đã bơm thanh khoản liên tục trong suốt bốn năm qua, giúp duy trì mức tỷ giá hợp lý và làm giảm lãi suất cho vay. Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ còn do chi tiêu tiêu dùng được cải thiện và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Tuy nhiên, chính sách của Thủ tướng Abe khó có thể thành công nếu không được tung ra đúng thời điểm. Năm 2012, khi ông Abe được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, cũng là lúc hàng loạt cơn khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu đến giai đoạn kết thúc.
Có thể kể đến bong bóng kinh tế thập niên 1990, khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990, cú sốc nợ xấu đầu những năm 2000, khủng hoảng tài chính năm 2008. Thêm “cú sốc mang tên Donald Trump” đã khiến đồng Yên giảm giá gần 10% kể từ tháng 11/2016, giúp các chỉ số chứng khoán Nhật Bản tránh được một năm giảm điểm và giúp ích cho chính sách cải tổ kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics).
Chuyên gia quản lý quỹ tại Arcus Investment Ltd - Peter Tasker nhận định, kinh tế Nhật không thể tăng trưởng 4% như mục tiêu đề ra, nhưng sẽ tăng trưởng tốt hơn so với suốt hai thập niên vừa qua và sẽ tiếp tục thành công hơn nữa.
Abenomics đã thực sự vực dậy nền kinh tế. Nếu ba mũi tên của Abenomics 1.0 (12/2012) là: thúc đẩy gói kích thích tài chính quy mô lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu, ba mũi tên tiếp theo của Abenomics 2.0 (9/2015) là: xây dựng nền kinh tế mạnh để tạo dựng niềm hy vọng; hỗ trợ tăng tỷ lệ sinh để nuôi dưỡng ước mơ và đảm bảo một xã hội bình yên.
Hiệu quả của Abenomics 1.0 dù chưa được như mong đợi, nhưng cũng đã đạt được một số thành quả, giúp ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong chiến lược mới, thêm một nội dung mà ông Abe nỗ lực thực hiện là xây dựng “một xã hội phát triển của 100 triệu dân”, cụ thể hoá việc tăng tỷ lệ sinh, tạo ra chính sách mới nhằm cởi bỏ nút thắt về dân số. Mục tiêu này được cho là không chỉ giúp giải tỏa tâm lý, tinh thần cho người dân Nhật, mà còn là bước chuẩn bị cho tương lai lâu dài.
Tất nhiên, không phải mọi “mũi tên” của ông Abe đều trúng đích. Năm 2014, quyết định tăng thuế tiêu dùng ngay lập tức đẩy nền kinh tế “mong manh” lúc đó rơi trở lại suy thoái. Tuy nhiên, mục tiêu tăng GDP lên 5.200 tỷ USD (khoảng 600.000 tỷ Yên) vào năm 2020 được nhiều nhà quan sát nhận xét “không hề viển vông”.
“Cô lễ tân” robot Aiko Chihira hướng dẫn khách tại một cửa hàng ở Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)
Biến điểm yếu thành tiềm năng
Cùng với Abenomics 2.0, những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã ráo riết đưa ra nhiều biện pháp giúp cải cách thị trường lao động, như cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho nữ giới để tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm, siết chặt các quy định buộc các công ty phải có trách nhiệm hơn với cổ đông… Ngay sau đó, cổ tức cho cổ đông tăng mạnh, tỷ lệ mua lại cổ phiếu cao kỷ lục, các tập đoàn lớn trở lại mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại không thể tránh được cuộc khủng hoảng tồi tệ về nhân khẩu học. Số lượng lao động nhập cư không tăng mạnh, bởi người Nhật vẫn chưa thể dễ dãi hơn trong việc đón nhận thêm lao động nước ngoài. Thay vào đó, “cuộc cách mạng robot” của Thủ tướng Abe đang là hy vọng lớn có thể giúp Nhật Bản bù đắp lượng lao động thiếu hụt. Sở hữu những công ty sản xuất robot lớn nhất thế giới, công nghệ “sản xuất con người” dự kiến sẽ giúp Nhật Bản thay thế khoảng 5,7 triệu việc làm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2031.
Thời gian gần đây, ngành du lịch Nhật Bản tăng trưởng mạnh khiến chính quyền của Thủ tướng Abe phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng khách du lịch năm 2016 lên 24 triệu. Trong khi trước đó, mục tiêu mà nước này đặt ra cho năm đăng cai Olympic 2020 chỉ là 20 triệu du khách. Sự phát triển của ngành du lịch ngay lập tức kéo theo một loạt các ngành khác, cùng nhiều loại hình dịch vụ đua nhau phát triển, hàng loạt khách sạn được xây mới...
Thậm chí, với tỉ lệ sinh giảm mạnh, chẳng ai nghĩ Nhật Bản là nơi phù hợp để đầu tư công viên giải trí. Thế nhưng, công viên Legoland được xây dựng trên một khu công nghiệp cũ vừa khai trương hồi tháng Tư, vẫn thường xuyên đông nghịt, dù giá vé cao hơn cả Disneyland. CEO của Legoland - Nick Varney còn tuyên bố, Nhật Bản là một trong ba thị trường tăng trưởng doanh thu nhanh nhất thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Ngành du lịch bắt đầu được kỳ vọng sớm trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản.
Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ tiếp tục tại vị đến cuối năm 2018 và cũng có thể là năm 2021, nếu đảng Dân chủ tự do của ông tiếp tục chiến thắng và theo đuổi các biện pháp cải cách. Theo khảo sát của hãng tin Kyodo mới đây, khoảng 65% người dân Nhật cho rằng chính sách Abenomics đã và đang mang lại hiệu quả nhất định và tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế.
Nguồn Baoquocte