Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ quan quản lý rừng tăng cường công tác bảo vệ động thực vật hoang dã, quý hiếm
Thứ sáu: 00:42 ngày 24/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chi cục Kiểm lâm vừa có báo cáo về tình hình hoạt động nuôi, trồng, khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục Cites và động vật rừng thông thường.

Mèo rừng bị dính bẫy đang được nuôi dưỡng tại khu cứu hộ động vật hoang dã.

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 143 cơ sở gây nuôi động vật rừng với mục đích thương mại. Trong đó, có 95 cơ sở gây nuôi động vật rừng thuộc nhóm IB, IIB như cá sấu, cầy vòi hương, nai, rắn ráo trâu, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, trăn đất, kỳ đà hoa, rùa núi vàng, rùa răng, rùa đất lớn, rùa hộp lưng đen, rùa câm; 48 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường như dúi mốc lớn, công Ấn Độ, nhím, rắn sọc dưa, chim trĩ, heo rừng.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm cũng đã cấp 123 mã số chứng nhận trại nuôi động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB. Hiện có 48 cơ sở nuôi loài động vật hoang dã thông thường thực hiện mở sổ ghi chép theo dõi đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có 11 trại gây nuôi cá sấu. Các cơ sở này đã làm thủ tục chuyển cơ quan thẩm quyền Cites đề nghị cấp mã số trại nuôi (hiện tại chưa được cấp).

Việc nhập, xuất động thực vật ra khỏi cơ sở gây nuôi nêu trên đều được cơ quan Kiểm lâm đến kiểm tra, hướng dẫn chủ cơ sở ghi chép sổ theo dõi nhập, xuất đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật rừng theo kế hoạch được phê duyệt, kể cả kiểm tra đột xuất khi có tin báo.

Đối với công tác quản lý khai thác động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động thực vật hoang dã thuộc phụ lục Cites, Chi cục đã chỉ đạo thành lập tổ liên ngành phối hợp với các đơn vị trực thuộc và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ săn bắt động vật rừng, khai thác thực vật rừng trái phép.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, ngành chức năng rất quyết liệt trong thực hiện công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia đã phối hợp với Kiểm lâm, Biên phòng, Dân quân thường xuyên tuần tra truy quét trên địa bàn, nhất là khu vực vành đai biên giới và tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông.

Năm 2021, tổng cộng có 3.204 đợt tuần tra, phát hiện và tháo gỡ 1.236 cần bẫy các loại, xử lý 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tăng 3 vụ so với cùng kỳ (năm 2020 là 6 vụ).

Vườn quốc gia đã tiếp nhận từ người dân, Hạt Kiểm lâm Tân Biên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tái thả về tự nhiên 49 cá thể các loại là khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, cá sấu nước ngọt, rắn ráo thường, rắn sọc dưa, diều trắng, kỳ đà vân, rắn hổ mang chúa, culi nhỏ, chim cổ rắn, đại bàng steppe, đại bàng ưng.

Nhân viên Phòng bảo vệ rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát kiểm tra các bẫy thú rừng thu giữ được.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng, Dân quân thực hiện 1.208 đợt tuần tra, với 3.024 lượt người tham gia. Quá trình kiểm tra đã phát hiện 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn Vườn quốc gia quản lý, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia đã phát hiện và tháo gỡ 464 cần bẫy các loại; tiếp nhận 104 cá thể, tổ chức cứu hộ tại khu cứu hộ động vật hoang dã của Vườn và tái thả về môi trường tự nhiên. Bản Quản lý Vườn quốc gia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra truy quét việc bẫy bắt động vật rừng, nhất là tại các khu vực vành đai biên giới. Trong quá trình thực hiện đã áp dụng rộng rãi phần mềm Locus Map nhằm nâng cao năng lực tuần tra bảo vệ rừng.

Được biết, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đang quan tâm triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp.

Năm 2020, Vườn quốc gia đã thành lập một khu cứu hộ động vật hoang dã, đang nuôi dưỡng hơn 13 loài động vật hoang dã với hàng trăm cá thể. Khu cứu hộ này có thể tuyên truyền cho người dân, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống tự nhiên, giống loài hoang dã, chấp hành các quy định của pháp luật liên quan.

Quốc Sơn - Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục