Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc
Thứ tư: 09:57 ngày 28/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2023, tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình OCOP để làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Hảo Đước, huyện Châu Thành. Ảnh minh họa

Cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã như: giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá… được quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã.

Trong năm 2023, có 4/4 xã thực hiện kế hoạch đạt chuẩn NTM, gồm: Thạnh Bắc (Tân Biên), Tân Hội (Tân Châu), Bàu Năng (Dương Minh Châu) và Hảo Đước (Châu Thành), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2023 là 65/71 xã, chiếm 91,5%.

Đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 8/8 xã đã được thông qua Hội đồng thẩm định, bao gồm: Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh), Phước Chỉ (Trảng Bàng), Tân Phong (Tân Biên), Phước Ninh (Dương Minh Châu), An Bình (Châu Thành), Thanh Phước (Gò Dầu) và 2 xã biên giới Tân Hà (Tân Châu), Long Khánh (huyện Bến Cầu). Qua đó nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến cuối năm 2023 có 25/71 xã, chiếm 33,8%.

Đối với xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, năm 2023 có xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) được Hội đồng thẩm định thông qua, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 3/7 xã, chiếm 4,2%.

Hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện. Cụ thể, tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn đã được đầu tư đến cuối năm 2023 là 4.630,48km. Trong đó, hơn 787km đường trục xã, hơn 835km đường trục ấp, hơn 1.277km đường ngõ xóm, còn lại là đường nội đồng.

Theo UBND tỉnh, hệ thống đường giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.

Cùng với giao thông nông thôn, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai cấp xã, huyện, qua đó bảo đảm bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Diện tích tưới tiêu năm 2023 đạt hơn 150.270 ha, tăng 854,5 ha so với năm 2022, cấp nước công nghiệp đạt hơn 7,507 triệu mét khối, tăng 248.000 mét khối so với năm 2022….

Báo cáo của UBND tỉnh cũng đánh giá, trong năm 2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành nguồn lực chủ đạo cho xã về đích xây dựng nông thôn mới, đây là yếu tố thuận lợi cho tiến độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo của UBND tỉnh cũng đánh giá còn một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế.

Nhiều địa phương đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp.

Nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương. Việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn… Hạ tầng cấp nước sạch nông thôn của tỉnh còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các hộ dân nông thôn.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, vẫn phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường. Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, vẫn còn chậm, sản xuất nhỏ, phân tán chưa được khắc phục triệt để…

Trong năm 2024, UBND tỉnh đề ra mục tiêu chung là tiếp tục tập trung xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thực hiện đồng bộ giữa đầu tư - xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Trong đó chú trọng quan tâm đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế cho nhân dân khu vực nông thôn là vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân tộc thiểu số và xây dựng môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, văn minh, dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời quan tâm bảo vệ môi trường nông thôn, làm chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt nông thôn rõ nét theo hướng xanh - sạch - đẹp và giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự xã hội.

Thanh Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục