Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống trạm trực canh cảnh báo sóng thần kéo dài từ vùng biển Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu.
|
Sóng thần ở Nhật Bản tháng 3-2011. Ảnh minh hoa, Internet. |
Trong một tình huống giả định, nếu có một trận động đất mạnh 9 độ richter ở ngoài biển Đông thì khoảng sau hai tiếng đồng hồ vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có thể có sóng thần cao 10m, còn vùng biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có sóng thần cao từ 2-4m. Với hệ thống 532 trạm cảnh báo sẽ được xây dựng, Việt Nam sẽ biết trước điều này để di tản người dân.
Trong số 532 trạm dọc ven biển, cửa sông tại 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 36 trạm loại 1 được xây dựng mới hoàn toàn để tiết kiệm tài chính, còn những trạm loại 2, 3 còn lại sẽ được đặt chung với các trạm thu phát sóng di động, hoặc tại trụ sở các đài truyền hình.
Theo quyết định 2195/QĐ-BNNPTNT này, tỉnh có số trạm nhiều nhất là Thừa Thiên-Huế với 85 trạm, trong khi tỉnh có nhiều trận động đất nhất trong thời gian qua là Quảng Nam lại có số trạm ít nhất với 21 trạm.
Tổng kinh phí xây dựng hệ thống này là hơn 293 tỉ đồng, trong đó, tiền ngân sách là gần 95%, còn lại là từ nguồn xã hội hóa.
Hiện việc giám sát những vấn đề liên quan đến động đất, cảnh báo sóng thần do Viện Vật lý địa cầu đảm trách.
Trong quyết định này, Viện Vật lý địa cầu vẫn sẽ là trung tâm thu thập thông tin và phát đi những cảnh báo đầu tiên đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, đài truyền thanh, đài truyền hình 13 tỉnh/thành ven biển để thông báo kịp thời cho người dân.
Ngoài việc cảnh báo sóng thần, hệ thống này sẽ kiêm luôn việc cảnh báo các loại thiên tai khác ở vùng ven biển, cửa sông.
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn