BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông:

Có thể làm cách khác ?

Cập nhật ngày: 21/08/2015 - 12:06

Lục bình trôi về tập trung ở cầu Đức Huệ.

Theo lục bình trôi về Long An

Để tìm hiểu xem sau khi bị đẩy, đuổi trên sông Vàm Cỏ Đông, lục bình ở Tây Ninh trôi về hạ lưu ra sao, có gây khó khăn cho Long An hay không, ngày 19.8.2015, tôi thử đi một chuyến xuôi về miền hạ để khảo sát thực tế. Mùa này, bắt đầu có mưa nên lượng nước từ đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông đổ về hạ lưu ngày càng nhiều.

Hầu hết thời gian trong ngày là nước chảy xuôi, từ thượng ngồn về hạ lưu, dân gian thường gọi là nước “ròng”. Tuy nhiên, trong ngày cũng có khoảng bốn lần nước chảy ngược lại, từ hạ lưu về thượng nguồn, thường gọi là nước “lớn”.

Tiếng là nước “lớn”, nhưng dòng chảy không mạnh, thời gian không lâu, nên lục bình chỉ trôi lững thững về phía thượng nguồn một đoạn khoảng vài trăm mét, rồi đứng lại, chờ nước “ròng” trôi xuống. Lúc nước “ròng”, dòng chảy đổ về hạ lưu mạnh hơn, thời gian nước ròng cũng kéo dài hơn. Vì thế, khối lượng lục bình trôi về hạ lưu cũng nhiều hơn.

Tại bến đò Lộc Giang (xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An)- nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh và Long An. Lục bình hầu như phủ kín mặt sông. Quan sát “ngoại hình” của những giề lục bình đang trôi bồng bềnh trên mặt sông ở thời điểm buổi trưa cùng ngày, chúng tôi nhận thấy hầu hết chúng bị bầm giập “te tua”.

Điều này chứng tỏ những giề lục bình ở đây vừa bị xe xúc đất, xán cạp xô đẩy dọc hai bên bờ sông rồi trôi xuống đây. Mặc dù những giề lục bình này không nhiều đến nỗi gây tắc nghẽn giao thông như mấy tháng trước, nhưng chúng cũng cản trở đáng kể cho những tàu bè đang tham gia giao thông trên đoạn sông này.

Ở bến đò Lộc Giang có ba chiếc đò thường xuyên hoạt động đưa khách từ xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) sang xã Lộc Giang và ngược lại. Mỗi lần đò sang sông gặp lục bình cản trở, người điều khiển đò phải mở máy hết công suất, chiếc đò mới “rướn” đi được. Tương tự như thế, quan sát những chiếc tàu chở hàng hoá đang lưu thông trên sông, tôi thấy chúng cũng nhả từng cụm khói đen với tiếng máy nổ rất nặng nề mới “vẹt” lục bình nhích lên được. 

Từ bến đò Lộc Giang, tôi tiếp tục đi về phía hạ lưu thêm khoảng 15km nữa để xem tình hình ra sao. Tại cầu Đức Huệ (huyện Đức Huệ, Long An), ngoài những đám lục bình xanh tốt, còn nguyên vẹn và bám chặt bên bờ sông, có nhiều giề lục bình bầm giập khác, từ thượng nguồn, theo con nước “ròng” băng băng trôi về.

Mặc dù chúng không dày đặc như ở đoạn sông ngang bến đò Lộc Giang, nhưng những giề lục bình này cũng tạo một hiện tượng không bình thường. Một người đàn ông trạc 50 tuổi, là người dân sinh sống lâu năm gần đầu cầu Đức Huệ nói: “Mấy năm nay, lục bình cũng có nhiều trên sông này. Năm nay, chúng có vẻ nhiều hơn. Lúc nước ròng chúng trôi đi bớt còn đỡ. Lúc nước lớn, nó dội lên đầy mặt sông, nhiều lúc nó trôi vào kênh Nhà Thờ, đầy cứng, khiến xuồng ghe đi không được”.

Theo hướng người dân này chỉ, tôi đi vào kênh Nhà Thờ. Đây là đoạn kênh thẳng, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 15 mét, chiều dài khoảng 8km, trải dài trên địa bàn thị trấn Hiệp Hoà và xã Hiệp Hoà (cùng huyện Đức Hoà). Dọc hai bên bờ kênh, có những đoạn trống trải, nhưng có những đoạn dày đặc lục bình.

Lục bình trong đoạn kênh này có hai loại. Một loại xanh tươi, nguyên vẹn đang cộng sinh với những giề cỏ ven bờ. Loại còn lại bị gãy, giập, ngả nghiêng, đang trôi bồng bềnh theo dòng nước lớn ròng trong kênh. Thỉnh thoảng, trên kênh Nhà Thờ cũng có một vài xuồng ghe đi lại. Quan sát một chiếc ghe chở gạch tham gia giao thông, tôi thấy người điều khiển phương tiện phải khéo léo lèo lái mới “né” được những đám lục bình.

Đoạn kênh tại cầu Nhà Thờ, chiều ngang hẹp hơn và lục bình trôi nổi trên mặt kênh cũng nhiều hơn. Vào thời điểm tôi có mặt tại đây, không có xuồng ghe nào đi lại trên đoạn kênh này. Nếu có phương tiện giao thông đường thuỷ lưu thông thì e rằng cũng khó mà nhúc nhích được.

Trao đổi qua điện thoại về vấn đề lục bình trên địa bàn huyện Đức Hoà, ông Nguyễn Đắc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những năm gần đây, lục bình xuất hiện đầy trên sông Vàm Cỏ Đông, gây khó khăn cho tàu, xuồng đi lại.

Hai năm nay, tỉnh Long An có chiến dịch vớt lục bình. Mỗi năm, huyện Đức Hoà chi kinh phí 100 triệu đồng để vớt lục bình”. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Khánh biết được Tây Ninh đang xử lý bằng cách tháo dỡ cọc, chà và đẩy, đuổi lục bình đang bị tấp, bị giữ ven hai bên bờ sông ra giữa dòng để lục bình trôi về hướng hạ nguồn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hoà nói: “Phải vớt, chứ còn đẩy từ thượng nguồn, lục bình sẽ trôi xuống hạ lưu, rồi trôi vào đầy cả kênh, rạch nhỏ, càng gây khó khăn hơn”.

Ông Hồ Chí Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà), cho biết thêm: “Hiện nay, ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, đoạn khỏi huyện Bến Lức (tỉnh Long An) mới bắt đầu có nước mặn. Tức là từ xã Lộc Giang, lục bình phải sống trôi nổi bồng bềnh trên mặt sông thêm một đoạn dài khoảng 50km nữa mới “đụng” nước mặn và mới bắt đầu bị héo úa.

Thời gian trôi trên đoạn đường 50km này cũng kéo dài, vì lục bình cứ bềnh bồng theo con nước lớn, ròng. Từ lúc héo úa đến lúc chúng chết rụi, chìm xuống đáy sông mất một khoảng thời gian khá lâu”. Điều đó có nghĩa là vô tình ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông phải “gánh” thêm một khối lượng lục bình không nhỏ từ Tây Ninh đẩy xuống. 

Có thể áp dụng những giải pháp khác?

Trước tình trạng lục bình sinh sôi chật kín trên sông Vàm Cỏ Đông, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xử lý bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông”. Tại Hội thảo này đã có 19 tham luận của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đề xuất phương án xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Đại diện Công ty TNHH VMC Tây Ninh đề xuất giải pháp xử lý lục bình bằng cách trục vớt lên, lấy rễ làm phân bón hữu cơ, thân làm vật liệu xây không nung và lấy lá làm phân hữu cơ vi sinh hoặc thức ăn gia súc. Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu (GRE) trình bày giải pháp biến lục bình thành phân hữu cơ dạng rắn và lỏng, làm chất đốt, chất hút ẩm, thức ăn gia súc, phân bón và bioga.

Đại diện công ty này khẳng định: “Giải pháp này có tính hiện đại hoá cao và đồng bộ, tiết kiệm được thời gian, giải quyết một phần phân bón cho đồng ruộng, thức ăn cho chăn nuôi, tái tạo năng lượng và cải thiện môi trường”.

Trường đại học Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp xử lý bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông để ủ phân vi sinh. Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam thì cho rằng bèo lục bình là tiềm năng sinh khí Metan to lớn, có thể sản xuất được khí sinh học, điện v.v...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cùng Thạc sĩ Phạm Mai Duy Thông thuộc Trung tâm Công nghệ môi trường có ý tưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Ông Sỹ trình bày, nghề đan lục bình làm đồ mỹ nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long có đầu ra ổn định, nhưng thiếu nguyên liệu. Tây Ninh nên tổ chức cho người dân đi cắt bèo lục bình bán cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở miền Tây.

Ông Sỹ hiến kế: “Để lục bình đạt tiêu chuẩn đan lát, cần sử dụng hệ thống dây, cọc khoanh nuôi lục bình hai bên bờ sông. Phương pháp này còn có tác dụng giảm bớt xói mòn hai bên bờ sông và tạo luồng cho tàu bè đi lại dễ dàng”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TP. HCM, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đễn lục bình xâm lấn trên sông Vàm Cỏ Đông và các hệ thống kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là do các nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, mía đường thải ra sông, suối.

Các chất thải này làm gia tăng hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng trong nước, tạo điều kiện cho rong, tảo và lục bình phát triển. Để giải quyết được vấn đề này một cách triệt để, quan trọng nhất là cần phải tập trung xử lý và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Ông trình bày một số phương pháp xử lý nước thải, như xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình bằng công nghệ Fast, xử lý nước thải chăn nuôi heo bằng phương pháp bioga, xử lý nước thải tinh bột khoai mì, nước thải cao su và đề xuất quản lý nghiêm các kênh, rạch.

Các tiến sĩ Lê Khắc Hoàng, Đặng Thiên Ân và Nguyễn Thị Hồng Loan thuộc bộ môn Bảo vệ thực vật- Khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xử lý bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông bằng biện pháp dùng bọ cánh cứng N. bruchi và N. eichhoniae.

Cả hai loài côn trùng này đã được Thái Lan nhập từ Florida (Mỹ), nhân nuôi và phóng thích vào môi trường tự nhiên để kiểm soát cây lục bình từ 20 năm trước. “Từ các kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới về việc sử dụng các loài thiên địch để phòng trừ lục bình cho thấy, đây là giải pháp có tiềm năng góp sức cho công tác phòng trừ và kiểm soát lục bình.

Biện pháp này có tính hiệu quả lâu dài về kỹ thuật cũng như kinh tế và giảm thiểu tối đa tác động môi trường so với các biện pháp hoá học”, đại diện nhóm tác giả này kết luận.

Lục bình trôi nổi đầy mặt kênh Nhà Thờ, đoạn tại cầu Nhà Thờ, thuộc khu vực II, thị trấn Hiệp Hoà, huyện Đức Hoà, Long An.

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe trình bày nhiều tham luận khác của Trường đại học Cần Thơ về xử lý bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, như “Kinh nghiệm sử dụng bèo lục bình trong khai thác năng lượng và cải tạo nước ao nuôi thuỷ sản”, “Sử dụng bèo lục bình sản xuất khí sinh học”, “Năng suất và hiệu quả kinh tế của thỏ thịt khi sử dụng lục bình tươi trong khẩu phần” v.v... Mỗi tham luận đều là một công trình nghiên cứu khoa học đầy tâm huyết đối với cây lục bình.

Thay lời kết

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xử lý lục bình tỉnh Tây Ninh đã được ban hành, các huyện có tiếp giáp với Vàm Cỏ Đông như Châu Thành, Hoà Thành, Trảng Bàng sẽ đồng loạt ra quân tháo dỡ cọc, chà và đẩy, đuổi lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Như vậy, sắp tới, lục bình sẽ còn tiếp tục trôi về Long An nhiều gấp mấy lần hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở GT-VT Tây Ninh, Phó Ban chỉ đạo xử lý lục bình của tỉnh cho biết: “Việc xử lý lục bình bằng cách đẩy đuổi ra sông chỉ là giải pháp tình thế, làm thí điểm thử một năm, sau đó sẽ rút kinh nghiệm. Cách làm này chưa có trao đổi với tỉnh Long An, vì lục bình trôi về hạ lưu, gặp nước lợ nó sẽ tự chết”.

ĐẠI DƯƠNG