Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề án phát triển Giáo dục Mầm non ở nông thôn:
Có thể tạm dừng triển khai giai đoạn 2 ?
Thứ tư: 00:01 ngày 24/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc triển khai đề án này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, dấu hiệu lãng phí đã lộ rõ do sự thiếu đồng bộ giữa xây dựng cơ sở vật chất với đội ngũ giáo viên.

Giáo viên Trường mẫu giáo Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên cho trẻ ăn trưa.

Như tin đã đưa, ngày 17.4, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Báo Tây Ninh số ra ngày 19.4 đã thông tin về tình hình thiếu giáo viên mầm non cũng như một số vấn đề khác có liên quan.

Do khuôn khổ bài báo không cho phép nên một số thông tin, nội dung quan trọng khác chưa được nêu đầy đủ, vì thế, trong số báo này, chúng tôi cung cấp thêm thông tin để bạn đọc, dư luận xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về những khó khăn, bất cập của bậc học này trên địa bàn tỉnh.

KHÁI QUÁT ĐỀ ÁN 642

Mặc dù chủ đề của phiên giải trình hôm 17.4 bàn về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh nhưng phần lớn nội dung phiên giải trình nhằm làm rõ hiệu quả của Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 - 2020. Đề án này được Sở GD-ĐT xây dựng năm 2016. Ngày 23.4.2017, UBND tỉnh có Quyết định 642 ban hành triển khai nên mới có tên gọi Đề án 642.

Vì đã thông tin nhiều lần nên chỉ xin nhắc lại mục tiêu tổng quát của Đề án 642, là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập. Xây dựng mới trường mầm non tại các xã nông thôn có tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp thấp, các trường chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, bảo đảm quy mô và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2018, tỉnh xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó có nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm 14 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 132 phòng. Nhu cầu diện tích đất tối thiểu là 41.950m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 346 người.

Trong hai năm  2019-2020, xây tiếp 8 trường mầm non mới và mở rộng thêm 10 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 140 phòng. Nhu cầu diện tích đất tối thiểu 45.850m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 350 người. Đến năm 2020, tăng tỷ lệ trẻ mầm non tại các cơ sở GDMN công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập.

Trước khi xây dựng Đề án, Sở GD-ĐT tổ chức khảo sát thực trạng tại 40 xã nông thôn, kết quả cho thấy, nhiều xã không huy động được học sinh độ tuổi nhà trẻ. Cụ thể, trong 40 xã nông thôn này, số học sinh ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ là 435/13.632 em, đạt tỷ lệ 3,2%; số học sinh trong độ tuổi mẫu giáo 13.515/23.451 em, tỷ lệ 57,6%.

Tỷ lệ huy động ở các xã này còn thấp rất nhiều so với tỷ lệ chung của tỉnh; và đây là nguyên nhân làm cho tỷ lệ huy động trẻ mầm non - mẫu giáo ra lớp thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Theo tính toán, hiệu quả đầu tư mang lại của đề án khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ ước đạt 22,9% (3.280/14.314 em); tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo ước đạt 79,2% (19.506/24.624 em).

Sở GD-ĐT, cơ quan chủ trì xây dựng bản đề án nhận thấy, nhu cầu gửi trẻ mầm non ở các xã khá lớn, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không phát triển được loại hình tư thục. Trong toàn tỉnh hiện có 10 xã không huy động được học sinh nào trong lứa tuổi nhà trẻ và 6 xã có tỷ lệ huy động dưới 1%. Ngoài nguyên nhân điều kiện kinh tế khó khăn, còn do một số yếu tố khác.

Trong đó phải kể đến việc trường mầm non chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm để tiếp nhận trẻ. Mặt khác, áp lực thực hiện phổ cập mầm non nên nhiều xã tập trung huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp, không quan tâm nhiều đến trẻ em độ tuổi nhà trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ ra lớp thấp.

Theo số liệu thống kê, nếu chia độ tuổi trẻ mầm non theo 5 cấp độ tuổi (trẻ nhà trẻ dưới 6 tháng tuổi; trẻ nhà trẻ từ 6 - dưới 36 tháng tuổi; trẻ mẫu giáo 3 tuổi; trẻ mẫu giáo 4 tuổi; trẻ mẫu giáo 5 tuổi) so với 5 cấp độ của tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), số trường mầm non hiện chênh lệch thấp hơn tiểu học rất lớn (262 trường tiểu học/94.658 học sinh /3.308 lớp so với 127 trường mầm non/33.881/1.106 nhóm, lớp).

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án 642 là có cơ sở thực tế, dù không phải tuyệt đối.

BẤT CẬP NẢY SINH

Tại phiên giải trình hôm 19.4, ông Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT đánh giá hiệu quả, tiến độ của Đề án 642: “Trước khi triển khai đề án, trên địa bàn xã đã có trường mầm non, sao còn xây thêm? Có quy chuẩn thống nhất nào trong xây dựng phòng học không, vì hiện cấu trúc, thiết kế của các phòng học trong đề án không giống nhau?”.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT cho biết, việc thực hiện đề án, công tác phối hợp với các ngành, địa phương như thế nào khiến đề án hỗ trợ giáo dục mầm non xảy ra nhiều bất cập, cụ thể là đầu tư không đồng bộ giữa con người với cơ sở vật chất. Liên quan kinh phí, bà Hạnh cho rằng cần xem xét, cân đối lại nguồn kinh phí chi trả cho số giáo viên mầm non hợp đồng. Đối với vấn đề biên chế, bà Hạnh đề nghị nói rõ việc tại sao biên chế còn nhưng lại không tuyển dụng, để sinh viên mầm non mới tốt nghiệp bỏ đi nơi khác?

Bà Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đánh giá, việc triển khai Đề án không đồng bộ về nhiều phương diện, cơ sở vật chất, tài chính và con người. “Sở GD-ĐT nói khảo sát chặt chẽ nhưng tôi đã đi thực tế và khẳng định, đề án không được khảo sát chặt chẽ”- bà Điệp nói. Bà chứng minh, tại huyện Châu Thành, địa điểm xây trường trong đề án đã thay đổi nhiều hơn một lần.

Tại xã Thành Long, nhiều phòng học trong đề án không được sử dụng. “Khi nào mới lấp đầy phòng học?”- bà Phan Thị Điệp nêu. Tại huyện Dương Minh Châu, trường mới không có nơi làm việc cho ban giám hiệu. Về trang thiết bị dạy học, tại sao có chỗ sử dụng bàn ghế cũ, chỗ sử dụng ngân sách, lại có chỗ do Sở GD-ĐT hỗ trợ.

“Sở GD-ĐT cần đánh giá tổng thể hiệu quả của đề án, tính đến thời điểm này” - ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đề nghị.

Ông Võ Văn Sớm, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh nhận xét, Sở GD-ĐT đánh giá chưa sát thực tế về hiệu quả của Đề án 642, “trách nhiệm của Sở như thế nào, không thấy nói. Nếu có những bất cập, Sở GD-ĐT cần chủ động, cần thiết thì phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách, không nên kiến nghị chung chung”, ông Sớm nói.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo Luật Đầu tư công, việc dừng một đề án khá phức tạp.

Bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD-ĐT giải trình: Đề án 642 đã khảo sát chặt chẽ, thống kê cụ thể số học sinh trong độ tuổi chưa ra lớp. Từ khi triển khai đến nay, Đề án 642 đã được điều chỉnh nhiều lần do liên quan xây dựng nông thôn mới. Về kinh phí xây dựng, mỗi phòng học hết 400 triệu đồng.

Đối với việc tuyển dụng chính thức thay cho hợp đồng giáo viên, lãnh đạo Sở cho biết, hiện chưa có cơ sở để thực hiện. Sắp tới đây, khi sơ kết đề án, nếu tình hình khó khăn, hiệu quả thấp, Sở GD-ĐT sẽ xem xét trình UBND tỉnh tạm dừng triển khai giai đoạn 2 để các địa phương sử dụng phần cơ sở vật chất đã xây dựng.

Theo bà Mai Thị Lệ, mục tiêu lớn nhất khi xây dựng đề án là đầu tư cho giáo dục mầm non. Trước khi trình UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã làm việc rất nhiều lần với lãnh đạo các huyện. “Xuất phát điểm của giáo dục mầm non ở Tây Ninh rất thấp”- bà Lệ bình luận, và đây chính là cơ sở để xây dựng đề án nhằm thu hút trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Những thông tin nêu trên cho thấy, việc xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 - 2020 là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tuy vậy, việc triển khai đề án này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, dấu hiệu lãng phí đã lộ rõ do sự thiếu đồng bộ giữa xây dựng cơ sở vật chất với đội ngũ giáo viên.

Nói công bằng, mặc dù là cơ quan chủ trì xây dựng và chịu trách nhiệm chính về sự thành công hay thất bại của đề án; nhưng sẽ không công bằng nếu cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về ngành Giáo dục. Bậc học mầm non nói chung, giáo viên mầm non nói riêng là một câu chuyện dài.

Đ.V.T

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 129,2 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn năm 2017-2018 xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó có nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm cho 14 trường với kinh phí là 66,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2019-2020 cũng xây dựng 8 trường mầm non mới và mở rộng thêm cho 10 trường với kinh phí 62,4 tỷ đồng. Nếu đề án được thực hiện thành công thì có thêm gần 10 ngàn trẻ em được đến trường.
Báo Tây Ninh
Tin liên quan