Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sáng 5.1, khoảng 200 con diều khổng lồ tung bay trên bầu trời Tây Ninh. Loại hình nghệ thuật này có thể trở thành sản phẩm du lịch mới, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói ở tỉnh ta.
Có 13 đội, nhóm, CLB diều của 6 tỉnh, thành trong khu vực tham gia ngày hội thả diều.
Ngày hội diều khí động học quy mô lớn
Từ sáng sớm, trên bãi đất trống gần cầu K13, thuộc địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, những hội viên của Nhóm diều Tây Ninh đã bắt tay vào việc chuẩn bị sân bãi để tổ chức Ngày hội diều khí động học với quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Tây Ninh. Hàng cờ phướn biểu tượng của Tây Ninh Kite Team được cắm dọc theo lối đi.
Ngoài ra còn có bãi đỗ xe ô tô, bãi giữ xe mô tô; nơi bán thức ăn, nước giải khát để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Xung quanh khu vực ăn uống có cắm cờ phướn tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và được bố trí sẵn nhiều bao nylon để đựng rác thải sinh hoạt. Trước lối vào khu đất trống có lực lượng Cảnh sát giao thông túc trực để phòng ngừa ùn tắc giao thông. Bên trong bãi diều còn có lực lượng chức năng khác để giữ gìn an ninh trật tự.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, các đội, nhóm, câu lạc bộ diều của 6 tỉnh, thành trong khu vực đến bãi đất trống này bắt đầu thả diều. Mỗi nhóm có khoảng 5-7 người, lấy diều bày ra mặt đất. Một vài người thanh niên khoẻ mạnh dùng búa đóng cọc sắt to xuống mặt đất để dùng làm nơi neo dây diều.
Vài người khác dùng máy bơm hơi thổi không khí vào thân diều cho phình to lên. Số người còn lại cột diều vào sợi dây thừng chuyên dụng, dài cả trăm mét. Khi thân diều đã căng phồng, các thanh niên xúm lại, nắm dây kéo ngược hướng gió để diều bay lên.
Cứ thế, từ vài con diều ban đầu, sau đến vài chục con diều xuất hiện trên bầu trời Tây Ninh. Đến trưa, ước tính có khoảng 200 con diều to lớn của 13 đội, nhóm, câu lạc bộ diều lần lượt đến thả tại bãi đất trống này. Diều khí động học có nhiều hình dạng màu sắc, kích thước khác nhau, như hình cá mập, cá đuối, cá chép, gấu trúc, các loài thú trong phim hoạt hình…
Về kích thước, có những con diều nhỏ chỉ dài, rộng khoảng một mét, nhưng cũng có nhiều con diều to lớn, dài hàng chục mét, và đều có màu sắc sặc sỡ trông rất bắt mắt. Có những con diều to bay độc lập trên một dây; cũng có trường hợp nhiều con diều nhỏ “đính kèm” vào cùng một dây với diều lớn, tạo thành một chuỗi dây diều khá lạ mắt.
Theo những người đam mê bộ môn thể thao này, diều khí động học có hai kiểu khác nhau, gồm diều bay trên không trung và diều mặt đất. Diều bay trên không mượn sức gió để bay lên, từ vài chục mét đến vài trăm mét, như diều cá mập, cá đuối, cá chép, gấu trúc.
Trong khi đó, diều mặt đất chỉ bay là đà hoặc lăn tròn trên mặt đất, như diều hình quả bóng đá, bong bóng. Tại ngày hội, khán giả còn được xem biểu diễn diều sáo- loại diều này có kích thước nhỏ, đuôi dài, người chơi có thể điều khiển diều bay lượn, nhào lộn, xoay vòng trên không trung và lúc nào cũng phát ra âm thanh réo rắt, vui tai. Ngoài ra, còn có lều bạt mang hình cánh diều. Khi gió mạnh, vải lều tung bay phấp phới, nhìn từ xa giống như một chú bướm khổng lồ đang đậu trên mặt đất.
Chuẩn bị bơm hơi cho diều mặt đất.
Tiềm năng du lịch
Nói về cơ duyên đến với môn thể thao giải trí này, anh Huỳnh Hải- Trưởng Nhóm diều Tây Ninh nhớ lại, những năm trước, khi còn là sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh, nhờ lợi thế có thân hình cao to, khoẻ khoắn, anh đi phụ việc kéo dây diều khí động học cho một câu lạc bộ ở TP. Hồ Chí Minh. Dần dần, anh yêu thích bộ môn này.
Khi ra trường, trở về Tây Ninh công tác, anh nhận thấy loại hình nghệ thuật này có thể phát triển ở Tây Ninh và có nhiều khả năng trở thành sản phẩm du lịch cho tỉnh nhà nên rủ bạn bè đầu tư mua một vài con diều loại này về thả trên đồng.
Rồi từ năm 2022, Tây Ninh Kite Team được thành lập, do anh Hải làm Nhóm trưởng. Nhóm có 12 thành viên, với hơn 30 con diều khí động học với đa dạng kích thước, màu sắc, hình dạng. Hai năm qua, Nhóm diều Tây Ninh thường xuyên biểu diễn ở quảng trường - đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Tây Ninh (phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh), bãi đất trống gần cầu K13, bờ hồ Dầu Tiếng…
“Những nơi biểu diễn diều khổng lồ đều được đông đảo người dân quan tâm, đến xem. Nhiều năm qua, Tây Ninh Kite Team tham gia nhiều sự kiện diều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Đà Nẵng”- anh Hải cho hay.
Bộ môn thả diều có thể trở thành sản phẩm du lịch mới cho Tây Ninh.
Nhóm trưởng nhóm diều Tây Ninh cho biết thêm, việc tổ chức ngày hội lần này ở Tây Ninh nhằm tạo không khi vui tươi, mừng năm mới, mừng Đảng mừng Xuân Ất Tỵ- 2025. Thông qua hoạt động này, nhóm diều Tây Ninh còn gửi thông điệp kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường và Tây Ninh- mảnh đất tình người.
Tây Ninh Kite Team dự kiến, sau Tết cổ truyền 2025, sẽ tiếp tục tổ chức ngày hội thả diều với quy mô lớn tương tự, cũng tại địa điểm gần cầu K13. Bởi, anh Hải nhận thấy: “Điều kiện khí hậu, sân bãi ở Tây Ninh rất phù hợp để phát triển diều khí động học. Ở tỉnh ta có nhiều bạn đam mê bộ môn này. Vì vậy, tôi mong muốn thành lập CLB diều Tây Ninh để quy tụ những người cùng sở thích, phục vụ các sự kiện của tỉnh nếu có nhu cầu và góp phần quảng bá du lịch”.
Ông Đô Phô (dân tộc Chăm, tên thường gọi là Hùng)- ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh, có hơn 25 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật thả diều, đã hai lần đến Tây Ninh tham gia hoạt động thả diều khí động học, nhận xét: “Khu đất này quá đẹp để chơi diều. Nếu nơi đây mở sân diều cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận đến chơi môn thể thao lành mạnh này thì quá hay”. Ông Hùng còn góp ý về công tác tổ chức, nên treo nhiều băng-rôn, biển quảng cáo phía trước lối vào sân bãi để nhiều người biết, đến xem thả diều nhiều hơn.
Du khách nước ngoài thích thú với sự kiện biểu diễn diều khí động học ở Tây Ninh.
Ông Đới Hưng- Chủ nhiệm CLB diều Quê Hương, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)- người có nhiều năm tổ chức và tham gia sự kiện biểu diễn diều khí động học ở nhiều tỉnh, thành trong nước, không khỏi bất ngờ khi thấy bãi thả diều này có diện tích rộng, thoáng, nhiều gió và có phong cảnh núi Bà Đen quá đẹp.
Chủ nhiệm CLB diều Quê Hương nói: “Khách du lịch đến Tây Ninh có thể đứng trên núi Bà nhìn xuống xem thả diều. Khách đến đây chơi cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh núi Bà”. Theo ông Hưng, phát triển được bộ môn thả diều này sẽ rất tốt cho du lịch Tây Ninh.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiện nay, sản phẩm du lịch của tỉnh ta chưa nhiều nên chưa đủ sức giữ chân du khách ở lại Tây Ninh dài ngày. Nếu loại hình nghệ thuật này được quan tâm, phát triển, có thể trở thành sản phẩm du lịch mới, góp phần đẩy mạnh “ngành công nghiệp không khói” ở tỉnh ta.
Đại Dương