BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện người nữ giao liên:

Cô thợ may hai mươi năm “đi thơ” 

Cập nhật ngày: 25/05/2023 - 18:43

BTNO - Trong ngôi nhà tường khang trang rộng rãi, bên cạnh một cô thợ may trẻ, với chiếc máy may đời mới, có một cụ bà phúc hậu ngồi bên một chiếc máy may cũ kỹ. Dù tuổi cao, nhưng cụ vẫn còn gắn bó với nghề may. Bà làm không phải mưu sinh, mà chỉ phụ người con gái út của mình.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Đành.

Đây là nghề gắn bó với bà từ khi còn là thiếu nữ, ở vùng quê kháng chiến. Bà là con út trong một gia đình cơ sở cách mạng. Chiếc máy may ấy được cha mẹ mua cho từ khi bà mới 15 tuổi, lúc đi học làm thợ may.

Rồi bà ra nghề và sinh sống bằng đôi tay thợ khéo léo, đôi chân cứng cáp cùng chiếc máy may ấy. Từ ngày ấy đến nay, chiếc máy may đó vẫn luôn gắn bó với bà, dù bà dời đổi địa điểm may nhiều lần.

Hiện nay, máy may vẫn còn chạy tốt. Và cô thợ may ngày nào nay đã ngoài tám mươi vẫn còn ngồi trước máy may. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhiều người dân xã An Tịnh và người dân ở khu vực huyện lỵ Trảng Bàng chỉ biết bà là cô thợ may trẻ, may khéo, có đông khách hàng. Nhưng có ai ngờ, cô thợ may ấy là một giao liên cho “Việt cộng”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, cô thợ may ấy được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì “Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Họ tên của bà cũng được vinh danh trong Nhà truyền thống B10-B22 Giao bưu vận tỉnh Tây Ninh (đặt tại khu phố An Phú, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng).

Cô thợ may làm giao liên “đi thơ” (chuyển thư) cho cán bộ cách mạng ấy là bà Nguyễn Thị Đành (Út Đành- sinh năm 1940), hiện ngụ tại khu phố An Thành, phường An Tịnh (thị xã Trảng Bàng).

Tuổi cao, nhưng sức khoẻ còn tốt, tinh thần minh mẫn, chuyện cũ bà vẫn còn nhớ khá kỹ. Bà cho biết, trước kia, nhà cha mẹ ở ngay gia đình bà đang ở. Đây là quê hương kháng chiến, gia đình bà là cơ sở cách mạng, đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chính vì vậy, từ năm 1955, bà đã tham gia cách mạng. Bà không thoát ly gia đình, không trực tiếp cầm súng chiến đấu như các anh chị em du kích, cũng không làm cán bộ đoàn thể, hay y tá, y sĩ cứu thương… mà nhận nhiệm vụ làm giao liên mang thơ (thư) cho cán bộ cách mạng.

Do chiến tranh ác liệt, nhiều lần bà dời địa điểm may. Có lúc bà ra thị trấn Trảng Bàng, giữa vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn mở tiệm may, dưới sự theo dõi ngày đêm của cảnh sát ở huyện lỵ Trảng Bàng.

Vậy mà suốt 20 năm (từ 1955 đến ngày 30.4.1975), bà luôn hoàn thành nhiệm vụ chuyển thư. Chỗ may đồ của bà là cơ sở, nơi tiếp nhận và chuyển thư đi. Bà kể, hồi đó nhiệm vụ của bà là chuyển thư theo lệnh của cán bộ, mà không được quyền biết nội dung trong đó nói gì.

Thư thường được cuốn trong tờ giấy nhỏ, cho vào bọc ni-lông. Để tránh địch phát hiện, bà may quần làm lai lớp, có đoạn dễ tháo, mỗi lần “đi thơ” là cho thư vào lai quần. Nếu đi xe đạp thì cuốn nhỏ cho vào ghi đông xe. Trong đời làm giao liên của bà có hai lần đối mặt với hiểm nguy, nhưng đều qua khỏi.

Suốt 20 năm vừa làm thợ may vừa tham gia làm giao liên, đến nay, người thợ may Nguyễn Thị Đành đã 83 tuổi vẫn còn gắn bó với nghề may.

Đó là vào năm 1965, khoảng 4 giờ chiều, trong khi bà đang ngồi may, thì bị cảnh sát ở chi khu Trảng Bàng ập vào bắt đưa về chi khu tạm giữ một đêm. Sáng sớm hôm sau, chúng đưa ra một mâm đồ nghề tra tấn và hỏi bà chọn cái nào.

Chúng chỉ doạ, nhưng chưa tra tấn, vì khi bắt bà, chúng không có chứng cứ gì. Đồng thời lúc đó gia đình bà chạy lo lót cho chúng 15.000 đồng (tương đương 15 chỉ vàng 24), vì vậy chúng thả bà ra. Lần thứ hai, bà nhận nhiệm vụ chuyển thư vào Căn cứ Bàu Mây (thuộc địa bàn xã An Tịnh- nay là phường An Tịnh). Buổi trưa, đường vào căn cứ vắng vẻ. Bà một mình, đội nón lá đạp xe từ ngã ba Cây Khế (thuộc khu phố An Phú, phường An Tịnh) hướng vào Bàu Mây.

Khi đến gần Bàu Mây, thì một chiếc máy bay trực thăng (loại cá rô) rà xuống thấp cỡ tầm ngọn tre, bà nhìn thấy rất rõ những người lính cầm súng trên máy bay. Thấy vậy, bà bình tĩnh giở nón lá trên đầu ra và treo vào ghi đông xe, để đầu trần cho chúng nhìn bà, mà ung dung đạp xe đi. Bọn lính trên máy bay thấy bà không có gì khả nghi, nên cho máy bay cất cánh lên cao bay đi.

Thế là bà hoàn thành nhiệm vụ chuyển thư an toàn đến nơi nhận. Hồi đó, bà cùng một lúc nhận chuyển thư cho 3 đơn vị, một thuộc xã An Tịnh, một thuộc thị trấn Trảng Bàng và Đoàn 22 (đơn vị bộ đội). Ngoài việc chuyển thư, bà còn nhiều lần tham gia làm dân công tải đạn từ ấp An Thành, An Phú vào Căn cứ Bàu Mây.

Có lần trên đường tải đạn, khi gần đến căn cứ thì bị pháo địch bắn vào. Bà và nhhững người tham gia tải đạn kịp thời ẩn nấp, nên chỉ có một người bị thương nhẹ. Là thợ may, bà cũng từng tham gia may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (cờ nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng chính giữa) và băng-rôn khẩu hiệu khi lực lượng cách mạng cần đến.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà lập gia đình với anh bộ đội là người cùng địa phương và sinh sống bằng nghề thợ may. Về chuyện đời tư của bà, bà cũng vui vẻ kể lại đôi nét.

Vào năm 1965, có anh thanh niên người cùng ấp, tên Huỳnh Duy Hội (sinh năm 1936) đang đi bộ đội đến nhà xin phép cha mẹ bà cho cưới bà. Lúc này, chiến tranh còn ác liệt, chưa biết đến khi nào chấm dứt, nên cô thợ may Út Đành từ chối khéo anh bộ đội Duy Hội.

Thế là anh bộ đội người địa phương ấy lại tiếp tục lên đường tham gia kháng chiến. Đúng 10 năm sau, trong lúc cả nước đang nô nức đón mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), anh bộ đội Duy Hội xin phép đơn vị về quê cưới vợ.

Người mà anh bộ đội Duy Hội xin cưới, không ai khác chính là cô thợ may làm giao liên Út Đành. Đầu năm 1976 (18 tháng Chạp, năm Ất Mão), trong khi cả nước đang nô nức đón mừng Tết Nguyên đán Bính Thìn, tết đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng, anh bộ đội Huỳnh Duy Hội (còn có tên Huỳnh Nam Phương- Tám Phương) và cô thợ may Nguyễn Thị Đành chính thức thành đôi vợ chồng. Từ đó đến nay, ông bà sống rất hạnh phúc. Ông bà có 4 người con, trong đó người con gái út nối nghiệp mẹ làm nghề thợ may.

Duy Huân - Thu Trang