Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có thuốc 'bổ óc' cho kỳ thi?
Thứ năm: 12:46 ngày 22/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong những ngày gần kỳ thi quan trọng, nhiều phụ huynh cuống cuồng chạy tìm mua thuốc bổ óc cho con vì thấy con mệt mỏi. Có các loại thuốc tác dụng 'bổ óc', tạo sự thông minh, tăng cường trí nhớ không?

Một nữ sinh ngủ gục trong giờ học thêm trước kỳ thi - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cho đến nay, người ta chưa tìm ra thuốc nào có tác dụng thần kỳ như vậy. Trước đây có loại thuốc được cho là “bổ óc” thực chất chỉ là sự kết hợp acid glutamic và vitamin B1.

Không có thuốc 
tạo sự thông minh

Gần đây, một số thuốc khác được gán ghép uống cho bổ óc, nhưng thực ra chỉ có công dụng dùng cho chứng suy nhược chức năng và không có tác động đặc hiệu nào. Chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra được trí thông minh, tạo được trí nhớ vượt bậc đối với người bình thường.

Có những loại thuốc được gọi là thuốc nootropic (thuốc cải thiện chuyển hóa của các tế bào thần kinh) không dùng “bổ não” cho người bình thường, mà dùng chữa bệnh như hỗ trợ, trị sự suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ ở người bị đột quỵ não, chấn thương sọ não, bệnh lão suy Alzheimer...

Ngay cả khi dùng các thuốc này để điều trị, người bệnh phải được bác sĩ kê đơn và dùng theo sự hướng dẫn chặt chẽ của thầy thuốc.

Còn thuốc dextroamphetamine (biệt dược Dexedrine), methylphenidate (Ritalin) là thuốc kích thích hệ thần kinh, được dùng chủ yếu trị bệnh gọi là “rối loạn tăng động kém tập trung” (ADHD). Thuốc trị ADHD chỉ để kiểm soát rối loạn rất đặc biệt, chứ không phải là “thuốc bổ óc”.

Thuốc trị ADHD nếu dùng tùy tiện thì rất nguy hiểm vì gây nghiện như nghiện ma túy, gây các tác dụng phụ nguy hiểm khác.

Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng có thể dùng thuốc bổ sung cung cấp vitamin và chất khoáng.

Thời tiết khó chịu nên ăn uống ra sao?


Học sinh trường THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, Q. Tân Phú, TP.HCM ăn xế bằng yaourt sau khi ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cần lưu ý trong chế độ ăn uống hằng ngày phải đầy đủ và cân bằng dưỡng chất. Phải đảm bảo ăn uống đủ: đạm, béo, đường - bột, vitamin và chất khoáng.

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, học tập, thi cử là một dạng lao động của trí óc, khi cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, mất hoặc thiếu ngủ thì thể chất và trí óc đều mệt mỏi. Nếu không có sự nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy.

Gần tới ngày thi, do căng thẳng, thức khuya kéo dài, ăn uống không đầy đủ, học sinh bị giảm sức đề kháng nên dễ mắc cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy do quá lo lắng, đầu óc mụ mị do học dồn, thiếu nghỉ ngơi...

Đối với học sinh, bữa ăn sáng và bữa phụ là đặc biệt quan trọng. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày, các em cần thêm 2-3 bữa ăn phụ xen giữa các bữa chính.

Bữa ăn chính cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, bún, bánh mì...), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu đỗ các loại), chất béo (dầu, mỡ, bơ), rau củ và trái cây.

Bữa ăn phụ cần thiết là ly sữa tươi, sữa chua, bánh bông lan, củ khoai lang, trái bắp, trái cây... Các loại thức ăn cần đa dạng, đổi món thường xuyên để nhận đủ các chất dinh dưỡng.

Nếu cuối buổi học thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt... có thể là bị hạ đường huyết hoặc thiếu máu do thiếu sắt. Cần ăn thành nhiều bữa cách nhau 2-3 giờ, tăng cường các thực phẩm giàu chất sắt (thịt, cá, gan, huyết...), ăn kèm với rau trái giàu vitamin C để tăng hấp thu sắt, xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng. Các loại bí, trứng, thịt bò... cũng là những thực phẩm rất bổ dưỡng.

Những bài tập thể dục đều đặn hằng ngày rất cần thiết duy trì sức khỏe tốt để học giỏi và thi đậu. Có thể tập thể dục hai lần sáng chiều, mỗi lần 15-30 phút là rất tốt.

Lưu ý phản ứng tiêu cực của cơ thể

Tiến sĩ Lê Minh Công - nguyên phó khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 - cho rằng nhiều học sinh đến ngày cận thi vẫn có tâm lý cố nhồi nhét kiến thức, học bài, ôn bài bất kể ngày đêm mà không phòng ngừa về mặt cảm xúc, nhận thức thì dễ rơi vào tình trạng phản ứng tiêu cực liên quan đến cảm xúc, tâm lý cá nhân.

Việc ôn tập dồn dập những ngày cận thi khiến học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng, hồi hộp, chán chường, suy nhược... Phần nhiều trường hợp học sinh sẽ bị thêm lo âu, sợ hãi kỳ thi gây rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống.

Nếu tình trạng này kéo dài thì thí sinh có thể bị stress trường diễn (âm ỉ kéo dài), rối loạn tâm thần. Do đó cần phải ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, uống nước đầy đủ, tránh học quá sức.

“Để có trí nhớ tốt, điều quan trọng trong những ngày cận thi là phải thư giãn, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để tâm trí thoải mái", TS Lê Minh Công nhấn mạnh.

Đối với các em đang học tập nhiều, căng thẳng, chuẩn bị thi cử nên tăng cường sữa (uống ít nhất 1 ly/ngày), thịt, trứng, cá, rau quả. Đặc biệt nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương sẽ cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động thần kinh.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục