BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có trước, có sau, lòng nhau mới toại

Cập nhật ngày: 19/11/2018 - 08:01

BTN - Ông nói sao nghe… không hợp lý gì hết. Đoạn đường có làm cống bị hư hỏng do việc thi công mới phải “hoàn nguyên”, chứ còn đoạn phía trên, cũng như đoạn phía dưới hai đầu hệ thống cống mắc gì phải sửa?

-Bây giờ đã là thời điểm cuối tháng 11, mùa mưa gần hết rồi, coi như cái cống thoát lớn nhứt huyện mình đã được kiểm chứng hiệu ích thực sự của nó rồi hả ông?

-Ừ, tuy rằng đoạn đường cống chỉ ngắn thôi, chưa đầy một cây số, mà nhờ thiết kế “điểm trúng huyệt” nên chẳng những “giải khổ” cho bà con khu vực dân cư phía Đông xã mình và phía Tây thị trấn huyện, mà còn chấm dứt cảnh “đường hoá thành sông” sau mỗi cơn mưa lớn ở con đường trục chính nối thành phố Tây Ninh với khu vực chợ Long Hoa nổi tiếng của huyện, của tỉnh.

Đúng là công trình thoát nước này tuy không lớn mà hiệu quả rất thiết thực, mà người dân địa phương cũng như khách vãng lai đi đường đều công nhận. Nhứt là mấy anh phóng viên báo tỉnh không còn phải nửa đêm xách máy đi quay cảnh bà con sống cạnh hai con đường cặp hai bên con suối phải khổ sở kê kích đồ đạc trong nhà chống ngập úng…

-Nhưng mà, tôi thấy chung quanh công trình này cũng còn có điều hơi bị bức xúc đó ông!

-Chuyện gì thế? Mới vừa ngợi khen đó thì lại băn khoăn, bức xúc là sao?

-Tôi thấy chung quanh chuyện đường cống thoát còn có chút xíu vấn đề khiến bà con chưa thực sự thoải mái. Đó là chuyện “giải quyết hậu quả” của việc thi công hệ thống cống thoát…

-Hệ thống cống làm “coi được” quá, có gì mà phải gọi là “giải quyết hậu quả” nghe nặng nề quá vậy?

-Thì… khi thi công đặt các ống cống khổng lồ “pi 1.500 ly” cặp theo con đường không lớn, ắt các phương tiện cơ đã “cày nát” con đường liên xã chỉ rộng có mười mét bề ngang. Gần cả năm nay, bà con sống hai bên đường đã phải “trân mình chịu trận” việc đi lại khó khăn để mong sớm được thoát cảnh ngập úng…

-Nhưng mà tôi thấy đơn vị thi công cũng đang san lấp, trải nhựa lại mặt đường, chứ có phải là “bỏ vãi” ra đó, mặc cho bà con tiếp tụng chịu đựng nữa đâu?!     

-Ừ, thì đúng là đơn vị thi công đã và đang thực hiện việc phục hồi hiện trạng con đường như trước khi thi công, và bà con cũng thấy việc “hoàn nguyên” đoạn đường có hệ thống cống thoát chạy cặp một bên là… “coi cũng được”, nhưng…

-Vậy là cũng tốt rồi, còn nhưng nhị gì nữa ông?

-Nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình sống ở đoạn trên con đường ấy, tức là đoạn phía trên đầu cống vẫn tiếp tục phải chịu khổ vì đường hư hỏng đó ông ạ.

-Ông nói sao nghe… không hợp lý gì hết. Đoạn đường có làm cống bị hư hỏng do việc thi công mới phải “hoàn nguyên”, chứ còn đoạn phía trên, cũng như đoạn phía dưới hai đầu hệ thống cống mắc gì phải sửa?

-Ông nói như vậy mới là “không có trước, có sau” đó! Hỏi ông vậy chớ khi thi công hệ thống cống thoát ấy, các phương tiện cơ giới thi công, cũng như các xe tải nặng chở vật liệu, thiết bị tới làm cống họ phải đi đường nào? Nếu các loại xe máy không chạy qua đoạn đầu, đoạn cuối hệ thống cống thì họ đi đường nào? Như vậy đâu phải chỉ có đoạn thi công cống thoát mới bị hư đường.

Đằng này, hồi còn thi công xe máy vô ra tấp nập liên tục gần cả năm trời chẳng lẽ đoạn đầu đường đó không hư. Vậy mà nay người ta chỉ “hoàn nguyên” đoạn đường có lắp đặt hệ thống cống thoát, còn đoạn đường dẫn vào công trường làm cống ấy thì hư hỏng mặc kệ nó sao?

-Ờ há, dù cho cống thì ngắn, đường thì dài, nhưng đoạn có đặt cống hay là không đều bị xe máy băm nát như nhau, nay không “hoàn nguyên” cả con đường thì cũng dễ gây bức xúc cho bà con đó chớ.

-Ông công nhận “hệ luỵ” như vậy, thì làm ơn kêu lên giúp bà con một tiếng đi, may ra… còn kịp khắc phục.

BÀN DÂN