Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Khi đưa vào sử dụng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng (nay là Dầu Tiếng - Phước Hoà) được UBND tỉnh Tây Ninh giao cho 46 ha đất toạ lạc tại ấp B2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu làm kho dự trữ vật liệu, sử dụng vào việc bồi đắp công trình hồ Dầu Tiếng khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc quản lý diện tích này rất lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng có nhiều người bao chiếm, sử dụng không đúng mục đích.

Công nhân trồng chanh dây, phía trước là cao su người dân bao chiếm đất trồng đã nhiều năm.
Khi được giao 46 ha đất làm kho dự trữ vật liệu, Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng (Cty DT-PH) tiến hành trồng cây dầu. Năm 1996, Cty có chủ trương cho CBCNV trong Cty mượn đất này để tăng gia, cải thiện đời sống.
Trong đó, ông Vũ Đình Sáu- một cán bộ thuộc Cty cùng một người dân làm hợp đồng thuê 13,5 ha để trồng mì, giá thuê Cty quy định là 1.000.000 đồng/ha/năm. Còn lại diện tích 32,5 ha do gần 30 người khác bao chiếm, canh tác đủ các loại cây trồng, kể cả cây lâu năm; đồng thời cũng có một số người đã sang nhượng diện tích bao chiếm.
Năm 2006, do cần đất để bồi đắp công trình, Cty DT-PH thu hồi 13,5 ha do ông Vũ Đình Sáu đang trồng mì, còn 32,5 ha do những người khác bao chiếm thì không thể thu hồi được. Năm 2010, Cty đem 30 ha đất trong tổng số 46 ha đất trên “góp vốn” với Cty CP Đầu tư và Phát triển Dầu Tiếng H.S.T (H.S.T) trồng rau sạch với thời gian hợp đồng là 5 năm, có thể kéo dài thêm 5 năm tiếp theo.
Trong hợp đồng có ghi: “Hai bên hợp tác kinh doanh trên cơ sở khai thác các nguồn lực của hai bên mà không hình thành một pháp nhân mới cũng như không có việc chuyển quyền sở hữu và sử dụng đất”. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 8,5 ha đất thu hồi của ông Vũ Đình Sáu giao cho Cty H.S.T, số diện tích còn lại đã bị người dân bao chiếm, không thể thu hồi được.
Sau khi ký kết hợp đồng, Cty cổ phần H.S.T đã kêu gọi 5 đối tác tiến hành thành lập Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ sinh học Việt Nam (VOA.AGRI) với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Việc thành lập Công ty VOA.AGRI là trái với điều khoản quy định trong hợp đồng giữa Cty DT-PH và Cty CP H.S.T.
Cuối năm 2012, Công ty VOA.AGRI tiến hành xây dựng trang trại chăn nuôi gà trên đất này, sau đó xảy ra sự cố điện giật chết một người lao động. Cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện việc xây dựng trang trại nuôi gà trên đất “kho dự trữ vật liệu” chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nên đình chỉ hoạt động.
Ngoài ra, Cty VOA.AGRI còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để trồng rau sạch, nhưng không có giấy phép nên cũng ngưng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Bích Diệp- Chủ tịch HĐQT Cty VOA.AGRI nhiều lần đến đề nghị Cty DT-PH lập lại hợp đồng với Cty VOA.AGRI để có thể tiến hành xây dựng tiếp trang trại, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hứa là “sẽ giải quyết”.
Chung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Dũng- Giám đốc Cty DT-PH cho biết: “Cty không biết đơn vị nào khác ngoài đối tác là Cty H.S.T mà Cty DT-PH đã ký kết hợp đồng trồng rau sạch.
Theo thoả thuận, Cty H.S.T mỗi năm phải trả cho Cty DT-PH 10% lợi nhuận, nếu lợi nhuận thấp thì trả theo giá thuê đất do UBND tỉnh Tây Ninh quy định. Tuy nhiên, đã gần 4 năm hoạt động, sắp hết thời hạn hợp đồng nhưng Cty H.S.T chưa hề chi trả cho Cty DT-PH đồng nào”.
Hiện tại, trên khu đất “kho dự trữ vật liệu” còn khu nhà lưới trồng rau sạch đang bỏ hoang, khu trại nuôi gà xây dựng dở dang, gần đó có vài luống rau muống, ớt, đậu đũa… loe hoe.
Từ thực trạng này, ông Vũ Đình Sáu và nhiều người dân chung quanh thắc mắc: Vì sao đất UBND tỉnh giao làm “kho dự trữ vật liệu” mà Cty DT-PH lại đem hợp đồng với một doanh nghiệp trồng rau sạch mà không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý?
NGUYỄN TRẦN VĂN