Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thế là thị trấn Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng) đã có một khu trung tâm văn hoá, sau khoảng 20 năm thai nghén, hình thành- một trung tâm thênh thang trải ra hai bên con đường Xuyên Á nối cửa khẩu Mộc Bài về thành phố Hồ Chí Minh. Thật là xây một bên mà được cả hai bên.

|
Một góc trưng bày.
Phần mới xây ở phía Tây đường gồm có khu nhà liên kế, công viên 30.4 và Co.opMart Trảng Bàng. Giữa công viên nổi bật màu ngói đỏ tươi, màu sơn vôi vàng của nhà truyền thống. Còn ở phía Đông? Là ngôi Phước Lưu cổ tự đã ra đời ít nhất là từ năm 1840- trải phong sương hơn 170 năm và cả mấy cuộc chiến tranh nên mái ngói, tường vôi nhuốm đen màu rêu mốc.
Gần đấy, đối diện Co.opMart là Trường THPT Nguyễn Trãi- nguyên là một ngôi trường lâu đời có từ trước 1975 với cái tên dân gọi là “Trường cao cẳng”. Cổng ở mặt đường nhưng các khối nhà lớp học lại sâu hút ở bên trong, nên không biết ngôi nhà “cao cẳng” xưa có còn không? Gần cổng vẫn còn một cây phi lao cổ thụ thân cỡ hai người ôm, bên trên tách ra thành 7- 8 thân cây xù xì, bám đầy dây tầm gửi.
Cây phi lao ấy theo lời ông Đổng Ngọc Lập- Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, người từng là hiệu trưởng của trường thì nó được trồng vào năm 1968.
Vậy là đã đủ mặt “anh tài” rồi nhé- cả kim lẫn cổ. Mà đều ở dạng văn hoá vật thể cả! Chỉ có thể hơi “lấn cấn” về sự xuất hiện của cái anh Co.opMart kia! Nhưng giữa thời ẩm thực và văn hoá tiêu dùng lên ngôi, thì cái chợ cũng xứng để coi là một bộ phận của văn hoá thời đương đại chăng? Giá như có thêm một nhà hát, hoặc một sân khấu ngoài trời để các đoàn nghệ thuật về biểu diễn cho bà con ta xem thì hẳn sẽ hoàn chỉnh hơn về dáng hình của một khu trung tâm văn hoá.
Giờ thì công viên 30.4 đã trở thành một không gian đầy bóng mát, dù hàng cây dầu xưa cao vút trước mặt chùa Phước Lưu đã không còn. Cây mới còn thấp nhưng tán rộng, tha hồ cho các bậc phụ huynh dẫn con em vào chơi, hóng mát.
Dưới bóng râm, trên bãi cỏ hoặc lấp ló sau những lùm bụi kia là những tượng thú như thật, đắp bằng xi măng cốt sắt vẽ sơn. Đấy là ngựa phi, là mấy chú hươu cao cổ đang ngơ ngác ngắm nhìn nòng pháo xe tăng. Kia là đôi chúa sơn lâm nằm thanh thản trên cỏ. Công viên có bể nước phun và những con đường lát đá.
Rồi những sân gạch lát, đủ chỗ cho trẻ em rủ nhau chơi bóng nhựa. Bóng dáng chiến tranh năm xưa vẫn còn đây, ngay trước và bên trong ngôi nhà truyền thống huyện. Đấy là một chiếc xe tăng và một xe bọc thép của quân đội Mỹ đã bị quân dân Trảng Bàng bắn hạ- chứng tích của một thời Trảng Bàng anh dũng chống xâm lăng.
Để biết cụ thể rõ hơn từng chiến công, từng con người dũng cảm của quê hương vùng “tam giác sát” này, xin hãy bước vào bên trong nhà truyền thống. Ngôi nhà cấu trúc giản dị thôi và không lớn nhưng khi bước vào bên trong, ta sẽ có một cảm giác khá bất ngờ. Là ở cách thức trưng bày từng vị trí rất thoáng và thu hút. Từng mảng lại có các điểm nhấn khiến người ta phải chú ý xem.
Từ công viên 30.4, nhìn qua bên kia đường có thể nhìn thấy khối kiến trúc chùa Phước Lưu ở sát mặt đường. Tường mặt tiền sầm sậm rêu phong, mái ngói cũ thẫm đen, chỉ ánh lên một vài vệt đỏ do ngói mới phải thay sau này. Có một vấn đề đang được đặt ra xung quanh vị trí của ngôi chùa này. Về phía giáo hội, từng có phương án di dời chùa vào bên trong, tạo khoảng cách ly an toàn với con đường đang ngày một trở nên đông đúc, ồn ào, khói bụi. Thế nhưng về phía ngành chức năng, cái lý là ngôi chùa đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá rồi thì không được thay đổi. Chưa biết phải làm sao!
Vào chùa. Bên trong vẫn là một không gian nghệ thuật rậm dày và cổ kính. Dưới ánh nến mờ tỏ, khắp nơi ánh lên các sắc độ vàng son của hoành phi, liễn đối. Kia là bao lam chạm khắc tinh xảo về các câu chuyện Phật giáo và dân gian.
Chỗ là kệ giá, bàn ghế cổ, ván ngựa và long lanh những chân đèn, bát nhang, gốm cổ hoặc đồng sáng chói. Trở ra với vườn chùa mát rượi vườn kiểng, bóng cây; ta vẫn còn gặp ở một góc sân hai ngôi mộ của hai bà có công khai sơn tạo tự từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Mộ xây nhỏ bé, bia đá đẽo tạc sơ sài.
Một tấm khắc năm 1884, tấm kia 1909. Tên thật hai bà là Nguyễn Thị Trinh và Trần Thị Nên nhưng dân gian truyền tụng cứ gọi bà Đồng, không rõ là tên tục của vị nào? Đến năm 1900, nhà sư Trừng Lực từ núi Bà về đây tu hành, xây lại chùa như hiện nay và đặt tên là Phước Lưu. Vòng ra mé sau, hiện còn thấy vài chục viên đá tán kệ chân cột được đẽo tạc hết sức cầu kỳ còn dư lại từ đầu thế kỷ trước.
Lại phóng tầm mắt qua cổng chùa sang khu trung tâm văn hoá. Bên trái là những tấm tường treo nhiều quảng cáo của Co.opMart. Bên kia thấp thoáng mái ngói đỏ tươi của nhà truyền thống giữa xanh rờn cây cỏ công viên. Sực nhớ cây bên ấy hiện chỉ gồm nhiều cây thấp tán rộng, nên lại thấy hơi tiếc hàng cây dầu cổ thụ cùng tuổi chùa Phước Lưu đã từng kiêu hãnh vươn lên dưới trời xanh, suốt cả trăm năm rủ bóng mát cho hàng mộ tháp. Giờ thì chúng chỉ còn trong ký ức những người cao tuổi.
TRẦN VŨ