Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cờ vua Việt Nam lại loay hoay câu chuyện kinh nghiệm - kinh phí
Thứ năm: 19:20 ngày 27/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam đang chào đón thế hệ kỳ thủ tài năng mới, nhưng tất cả phải đối mặt với bài toán muôn thuở để hướng đến đỉnh cao.

Tại giải trẻ châu Á tháng 4/2019, đội tuyển cờ vua trẻ Việt Nam đoạt ba HC vàng, bốn HC bạc và hai HC đồng - thành tích cao nhất trong các đoàn dự giải. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu châu Á về thành tích cá nhân trong lịch sử giải. Ngay cả ở đầu những năm 2000, khi Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn liên tục đoạt HC vàng trẻ châu lục và thế giới, Việt Nam vẫn đứng sau cường quốc cờ vua Ấn Độ. Ở giải năm 2019, Ấn Độ chỉ đứng thứ ba với hai HC vàng, bốn HC bạc và hai HC đồng, sau Uzbekistan với ba HC vàng và một HC bạc.

Không chỉ lên đỉnh châu lục, cờ vua trẻ Việt Nam còn khẳng định vị thế số một ở khu vực. Với 31 HC vàng, 9 HC bạc và 19 HC đồng, cờ vua Việt Nam đạt thành tích cao hơn tất cả các đoàn khác cộng lại, ở giải cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng 2019. Kỳ thủ Việt Nam thậm chí chiếm cả ba vị trí cao ở tám nhóm tuổi, trong đó có U16 nam và nữ.

Anh Khôi là một trong những tài năng trẻ của cờ vua Việt Nam.

Thành tựu thời gian qua cho thấy sự phát triển của cờ vua Việt Nam, cả về chất và lượng. Trần Minh Thắng, Nguyễn Anh Khôi hay Nguyễn Lê Cẩm Hiền đều từng vô địch trẻ thế giới, như Quang Liêm và Trường Sơn ngày trước. Qua mỗi giải trẻ, lại có thêm nhiều kỳ thủ năng khiếu bước ra ánh sáng.

Tống Thái Hoàng Ân đoạt HC vàng U8 nữ châu Á 2019, khi mới bảy tuổi. Cô bé là con gái của Đại kiện tướng nữ (WGM) Nguyễn Thị Thanh An. "Hoàng Ân có trí nhớ và khả năng tính nhẩm tốt", Thanh An nói. "Nhiều khi chỉ cần ra đề và bài mẫu là cô bé có thể giải được các bài tương tự. Hoàng Ân có ý chí cao nên có thể tạo ra kết quả bất ngờ. Cô bé có thể sinh ra là để chơi cờ".

Hoàng Ân đang có Elo 1.208, đứng thứ 90 trong top 100 kỳ thủ nữ Việt Nam. Trong nhóm này, có tới 71 kỳ thủ nữ ở tuổi 20 trở xuống. Còn ở top 100 kỳ thủ mạnh của Việt Nam, có 33 kỳ thủ chưa vượt quá 20 tuổi. Họ đều đủ tiềm năng để đưa cờ vua Việt Nam lên tầm mới.

Hoàng Ân là một trong nhiều kỳ thủ có năng khiếu mang về thành công cho cờ vua Việt Nam ở đấu trường khu vực và châu lục năm 2019. 

Nhưng, các kỳ thủ trẻ ở Việt Nam đều phải đối mặt ba thách thức lớn, đó là kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, thời gian tập luyện và kinh phí. Ấn Độ đang được coi là vườn ươm thần đồng cờ vua. Họ sở hữu top ba kỳ thủ U14 có Elo cao trên thế giới, đó là Gukesh, Praggnanandhaa và Sadhwani. Một kỳ thủ trẻ của họ thường chơi hơn 100 ván tính Elo mỗi năm. Praggnanandhaa chơi 174 ván khi mới bảy tuổi. Điều đó có nghĩa cậu bé tham dự khoảng 20 giải tính Elo mỗi năm. Trong khi đó, một kỳ thủ của đội tuyển trẻ Việt Nam cũng chỉ dự khoảng bảy giải mỗi năm.

Các kỳ thủ trẻ Việt Nam chỉ có thể học cờ trung bình một đến hai tiếng mỗi ngày. "Hiếm có phụ huynh nào ở Việt Nam hy sinh cho con học cờ ba đến bốn tiếng mỗi ngày, vì kỳ thủ nào cũng phải học văn hóa trước. Ở Ấn Độ, học sinh tan học lúc 15h30, và chúng có thể học cờ bốn tiếng rồi mới ăn tối và làm bài tập trên lớp. Với các kỳ thủ nhí, nếu không có khối lượng tập luyện thì đừng đòi hỏi chất lượng", Thanh An chia sẻ.

Khi các kỳ thủ trẻ lớn hơn một chút, họ lại đối mặt với bài toán kinh phí. Những kỳ thủ như Minh Thắng, Anh Khôi hay Bạch Ngọc Thùy Dương đều cần tham dự những giải cờ mở rộng ở nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm và tăng kỳ lực. Ở đó, họ phải tự xoay kinh phí tham dự. Ở Việt Nam, ngoài giải cờ vua quốc tế HDBank diễn ra thường niên, không còn giải mở nào xứng tầm. Từ khi ra đời năm 2011, giải đấu thậm chí trở thành bệ phóng cho nhiều tài năng trẻ.

Năm 2018, Minh Thắng đứng thứ 11 và giành chuẩn Đại kiện tướng thứ hai. Anh đạt chỉ số thi đấu (rp) 2.615, trong đó có chiến thắng trước Đại kiện tướng Lôi Đĩnh Tiệp - kỳ thủ nữ hàng đầu thế giới. Cùng năm đó, Thùy Dương trở thành kỳ thủ nữ của Việt Nam có thành tích tốt nhất giải, với 4,5 điểm. Kỳ thủ 16 tuổi đứng trên cả Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng hay Thanh An. Anh Khôi cũng ba lần vào top 20 tại giải, dù chỉ thuộc lứa U16.

Nhưng, một giải mở là chưa đủ cho các kỳ thủ trẻ của Việt Nam có cơ hội cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Trong khi những kỳ thủ đồng trang lứa của Ấn Độ có thể đánh 10 đến 20 giải mỗi năm. Để thăng tiến, kỳ thủ trẻ phải tự xoay kinh phí dự các giải mở ở nước ngoài. Để tìm được một nhà tài trợ như trường hợp của Anh Khôi không đơn giản.

HDBank là giải cờ vua quốc tế lớn nhất hàng năm do Việt Nam tổ chức, thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE). Giải do Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) phối hợp cùng Liên đoàn cờ Việt Nam, với sự ủy nhiệm của Tổng cục Thể dục Thể thao.

Sau 9 mùa, giải đã có hơn 1.400 lượt kỳ thủ đến từ 36 quốc gia của năm châu lục tham gia.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục