Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thỉnh thoảng, tôi lại phóng xe máy ra thăm vườn chim ở nhà ông Hà Huyền Mộng. Hoặc là theo đường xuống quán Cây Sung, Ðồng Quê qua một hẻm nhỏ trên đường 30.4 quãng gần Trường THCS Trần Hưng Ðạo mà dân phố Tây Ninh quen gọi Trường Nam.
Cũng có thể theo con đường ven rạch từ cầu Thái Hoà trên đường Trưng Nữ Vương đi xuống. Ðấy chính là con đường mà báo Tây Ninh đã đưa tin về nguy cơ lở đất ở mé rạch đoạn đầu đường hồi giữa tháng 5.2018. Thành phố đã khắc phục ngay, để giờ đây tôi lại bon xe máy theo đường ven rạch mà đi, cho mát mắt giữa những ngày còn nắng chang chang.
Tháng 5, đến vườn chim thì chim đã vắng. Gặp ông chủ vườn, ông bảo những loài cò di trú đã bay đi. Nay chỉ còn lại độ ngàn con, gồm các loại chim cò bản địa như chim cồng cộc. Ông nhắc lại:- Cứ đến cuối tháng 3 âm lịch thì chúng đi, đến đầu tháng 8 mới bay về.
Nhắc đến cồng cộc, mới nhớ ra đấy là loài chim mà người dân miền Bắc gọi là chim cốc. Thành ngữ dân gian có câu “Cốc mò cò xơi”. Chỉ một lần đến vườn chim, tôi mới được tận mắt nhìn cảnh tượng theo đúng nghĩa đen của câu thành ngữ.
Là trong vườn chim có một cái ao cho cây tràm nước mọc. Chim cốc cứ lặn ngụp, luồn dưới rễ cây bắt cá dưới ao. Cốc vừa ngoi lên với con cá kẹp ngang mỏ thì gặp cò ta rình sẵn. Thế là cò ngang nhiên đớp con cá ngay trên mỏ con chim cốc vừa mới mắt nhắm mắt mở từ dưới nước ngoi lên.
Mà tên cò này, vừa cao lớn vừa có bộ lông trắng bốp sang trọng. Cướp xong cá, hắn lững thững bỏ đi với những bước chân oai vệ; cốc ta chỉ còn biết ngậm ngùi, nghỉ một chút rồi lặn tiếp tìm con mồi khác.
Ðến vườn chim tháng 5 này, tôi cũng biết thêm vài chuyện mới. Như chuyện loài cu đất, mà ta rất hay gặp trên các phố của TP. Tây Ninh. Chúng cũng tụ hội nơi đây vào lúc muộn chiều. Rồi ngày sau lại tản mác bay vào phố kiếm ăn từ sáng sớm. Những cặp chim cu đất hiền lành. Tôi từng thấy chúng nhẩn nha nhặt hạt cơm rơi ở quán cây Me góc ngã tư Nguyễn Thái Học và Lê Lợi.
Thương nhất là đôi chim cu ở góc ngã tư Võ Thị Sáu và Nguyễn Trãi. Bữa ấy, anh chị chủ quầy thịt bò, bê thui mải mê băm, xắt thì đôi chim cu lẻn vào tận gầm bàn, chắc là nhặt vụn thịt rơi. Thấy lạ, tôi đến gần mới thấy một con chim đã bị què chân, cứ lò cò từng bước nhảy. Vừa đưa bàn tay tới gần chim, một con chim cu khác từ đâu bay vút lại, giang đôi cánh xoè lên như che chở con kia. Thế rồi cả đôi chim ấy cùng bay lên và đậu xuống cách một khoảng không xa. Thật là ngưỡng mộ cái tình thuỷ chung, bảo bọc lẫn nhau của loài cu đất.
Còn chuyện này mới là chuyện ly kỳ đây, nhất là với các bạn học sinh vừa được nghỉ hè. Nhớ kỳ nghỉ hè năm trước, từng có một nhóm học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Ðại Nghĩa tìm đến địa điểm này để xem chim cò.
Nay các bạn chắc đã đi học xa, nhưng nếu trở về thì cũng nên biết thêm một địa điểm tuyệt vời khác, ngoài cái gò có vài cây ổi nơi các bạn đứng chờ chim và cò bay về trong ánh hoàng hôn. Ðịa điểm ấy cũng chỉ cách gò cây ổi có vài chục mét, trước khi ta đi tới vườn chim. Ðấy là một đầm sen. Mà nếu phóng xe nhanh, nhìn thoáng qua sẽ tưởng một bầy cò trắng nào đến đậu.
Bỏ xe ngoài đường, lội qua rừng tràm sẽ đến một bãi cỏ xanh có bóng mát của rừng tràm đổ xuống. Giờ, trước mắt đã là luênh loang từng vệt hồng và trắng hoa sen. Ôi! Lẫn vào giữa cỏ và rau muống mà sen vẫn vươn lên kiêu hãnh xiết bao. Những bông đã nở tung như một bàn tay kiều diễm trắng muốt vẫy chào.
Những búp sen vẫn giữ một màu hồng e ấp. Không giống loại sen ở Thanh Ðiền, bên đường quốc lộ 22 đâu, thưa bạn! Ngoài ấy, búp sen nhỏ và có màu hồng tím. Búp sen nơi đây vừa lớn, vừa có màu môi con gái ửng hồng.
Tôi đã gặp người chủ đầm sen. Bác cho hay đấy là đất ruộng nhà mình, còn sen là do tự mọc, không phải bác trồng. Ấy thế mà ai cũng nghĩ đấy là hồ sen của quán cà phê mới mở trong một hẻm bên đường 30.4. Chính là ngôi quán có mái nhà rông, cao vút màu tim tím. Thấy bảo họ đầu tư tới mấy tỷ đồng. Tôi đã vào quán ấy để thấy quán cũng thật đẹp với những chiếc cầu cong và hòn Trống Mái giả sơn nhắc cảnh Hạ Long.
Nhưng quả thật, chẳng có cảnh quan nào át được vẻ đẹp hoang sơ mộng mị của đầm sen ngay bên cạnh. Vì thế, các bàn đặt sát lan can gần với đầm sen luôn có người ngồi với điện thoại giơ lên chụp ảnh.
Ðầm là của người nông dân nghèo bên kia con hẻm xuống vườn chim. Quán là của một người chủ nào đó bên hẻm con đường lớn nhất phố Tây Ninh. Dẫu biết đấy chỉ là sự tình cờ may mắn; nhưng câu chuyện này có phần hơi giống chuyện “cốc mò cò xơi” của vườn chim.
NGUYỄN