BAOTAYNINH.VN trên Google News

Coi chừng bánh tráng “si-đa”

Cập nhật ngày: 15/11/2009 - 04:11

Nhiều năm gần đây, trên thị trường xuất hiện loại hàng quà thường gọi là bánh tráng “si-đa”, được khá nhiều người tiêu dùng nhất là các chị em phụ nữ ưa thích. Tuy nhiên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với món ăn chơi “khoái khẩu” này có nhiều điều đáng ngại.

Đủ kiểu “chế biến”

Nhìn chung trên thị trường hiện nay, có hai loại bánh tráng “si-đa”. Loại thứ nhất, từ bánh tráng nguyên vẹn cắt ra thành từng miếng nhỏ, cho vào bịch ni-lông, kèm với một số gia vị như muối tôm, đậu phộng rang đâm nhuyễn, dầu màu, dầu thực vật... Các gia vị này được cho vào một bịch ni-lông nhỏ hơn, hơ lửa cho bít miệng bịch ni-lông lại, rồi cho vào chung với bánh tráng hoặc trộn hẳn vào bánh tráng để tạo màu sắc cho đẹp mắt. Khi ăn, tuỳ theo khẩu vị, người tiêu dùng thường hay cho thêm vào nước chanh, nước tắc. Giá bán ra từ 1.000 - 2.000 đồng/bịch.

  Bỏ gia vị vào bịch ni lông rồi hơ lửa                             Làm bánh tráng “si-đa” như thế này.

Loại thứ hai là bánh tráng vụn được làm từ phần rìa của bánh tráng xuất khẩu (sau khi đã cắt lấy phần nguyên vẹn). Người sản xuất mua loại bánh tráng vụn đem về cho vào bịch ni-lông, thêm vào ít gia vị rồi bán. Vì là bánh vụn nên giá cũng có phần rẻ hơn, chỉ từ 500 - 1.000 đồng/bịch.

Thời gian gần đây, loại bánh vụn còn được chế biến theo kiểu khác, gọi là bánh tráng xào, thường được bán dạo khắp nơi. Khi có người mua, người bán dừng lại, lấy bánh tráng ra, cho thêm gia vị vào rồi để lên một cái chảo đặt trên bếp gaz xào lên cho nóng, bán với giá 5.000 đồng/bịch.

Thấy mới ớn!

Về cách chế biến các loại bánh tráng trên thì mỗi người làm một kiểu. Ở khu phố 3, phường 2, Thị xã có một hộ gia đình chuyên làm bánh tráng “si-đa” từ bánh nguyên hẳn hoi. Thay vì đem bánh phơi sương cho mềm, thì “nhà sản xuất” này làm mềm bằng cách ủ vào đệm ướt. Ông đem một số tấm đệm (loại đệm làm bằng lát, thường dùng để phơi lúa) phun nước cho ướt, sau đó trải một lớp đệm lên đi-văng, rồi trải lên mặt đệm một lớp bánh tráng, xong phủ lên lớp bánh tráng ấy một tấm đệm khác, rồi lại trải lên đệm một lớp bánh tráng khác v.v... Cứ như thế, bánh tráng được ủ sắp lớp qua đêm cho mềm, dẻo. Sáng hôm sau chỉ cần giở đệm ra, lấy bánh tráng cắt nhỏ thành từng miếng, cho vào bịch là bán ra thị trường. Không biết chủ hộ ấy làm bánh tráng “si-đa” từ bao giờ, chỉ biết bây giờ, những tấm đệm ủ bánh đã… rách bươm và đen trũi.

Ở ấp Bình Nguyên, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng có khá nhiều gia đình làm nghề gia công bánh tráng “si-đa”. Khi chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Gái, 36 tuổi, thấy chị đang ngồi cho gia vị, dầu màu và bánh tráng “si-đa” vào bịch ni-lông. Chị Gái cho biết: “Tôi làm gia công cho người khác. Mỗi ngày kiếm được vài ba chục ngàn đồng. Bánh này được bán về TP.HCM”. Điều khiến chúng tôi chú ý là các nguyên vật liệu đều bày ra trên một tấm ni-lông trải trên mặt đất, đầy bụi bặm. Người làm không mang bao tay, không mang khẩu trang, cứ vô tư bốc bánh, xịt dầu màu vào bịch ni-lông rồi lấy dây thun cột lại. Bánh đựng trong bọc ni-lông, dĩ nhiên là không hề có tên, địa chỉ nhà sản xuất, càng không có thành phần, chất lượng, cách bảo quản, thời hạn sử dụng.

Chưa thể kiểm tra

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề ATVSTP của bánh tráng “si-đa”, chị Trương Ánh Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Tây Ninh cho biết: Các loại bánh như thế thuộc loại bao gói định dạng, chế biến thô sơ, nên không thuộc diện bắt buộc phải công bố sản phẩm. Nhưng người sản xuất phải làm thủ tục đăng ký đủ điều kiện chế biến và đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, hiện nay, ở tỉnh ta mới chỉ có vài cơ sở đăng ký thủ tục này. Còn lại, đại đa số sản xuất nhỏ lẻ tại gia đình nên chưa có ai đăng ký. Các loại bánh tráng “si-đa” không chỉ bán trong tỉnh mà còn bán ra thị trường các tỉnh, thành bạn với số lượng khá lớn. Hiện nay, một số tỉnh như Long An, TP.HCM đang lo ngại về những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này đang bán tràn lan trên thị trường của họ.

Ở tỉnh ta, Chi cục ATVSTP mới thành lập, chưa đủ điều kiện kinh phí, nhân lực để kiểm tra các nơi sản xuất bánh tráng “si-đa”, nên hiện nay vấn đề này hầu như đang bị buông lỏng. Ở các huyện, thị chỉ mới kết hợp trong các đợt kiểm tra ATVSTP trên địa bàn để lồng ghép nhắc nhở đối với việc sản xuất bánh tráng “si-đa”. Tuy nhiên, trước sự phát triển ngày càng nhiều của loại thực phẩn này, sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cấp trên cho tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất bánh tráng “si-đa” trong tỉnh. 

Bánh tráng “si-đa” ra thị trường.

Về góc độ ATVSTP, chị Ánh Loan khuyên: “Theo quy định chung, những sản phẩm không có nhãn mác, thời hạn sử dụng như thế là không được phép bán ra thị trường. Thời hạn sử dụng của loại thực phẩm này cũng chỉ cho phép trong 24 giờ. Nhưng hiện nay trên thực tế, nhiều loại bánh tráng “si-đa” mềm ướt hoặc cho dầu màu, dầu thực vật vào rất dễ gây ẩm mốc, ăn vào sẽ bị tiêu chảy. Tốt nhất, người tiêu dùng không nên sử dụng các loại sản phẩm này”. 

ĐẠi Dương