BAOTAYNINH.VN trên Google News

Coi chừng đỉa chui vào mũi khi tắm suối 

Cập nhật ngày: 18/06/2017 - 20:40

Ngày hè, nhiều gia đình đưa con đi du lịch, tắm suối. Có cháu về nhà sau đó khạc ra máu tươi, khó thở. Các bác sĩ phát hiện đỉa sống ký sinh trong người bé.

Khi tắm suối cần cẩn trọng để tránh đỉa chui vào mũi - Ảnh: TRẦN MAI

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị đỉa chui vào mũi khi tắm suối. Khi ký sinh trong mũi người, đỉa sẽ là một sát thủ giấu mình, tấn công cơ thể con người gây ra nhiều biến chứng.

Đỉa “định cư” ở mũi, thanh quản

Mới đầu mùa hè, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã phải can thiệp cấp cứu và nội soi cho sáu người bị đỉa chui vào mũi, sống ký sinh cả tháng trời.

Cháu N.H.T. (12 tuổi) được gia đình cho đi du lịch rừng Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) và được tắm suối. Hai tuần sau, em T. nuốt bị vướng, khạc ra máu tươi, khó thở. Sau đó các triệu chứng nặng dần.

Qua khám, các bác sĩ phát hiện một con đỉa sống ký sinh trong thanh quản của cháu T. “Con đỉa suối khi gắp ra vẫn còn sống, dài khoảng 12cm. Thấy mà rùng mình”- cha em T. kể.

Trường hợp khác là anh Nguyễn Văn H., sau khi cùng người thân đi du lịch “giải nhiệt” ở suối Đá Giăng (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) về nhà được hai tuần, anh H. phát hiện có những dấu hiệu bất thường trong khoang mũi. Đi khám tư, bác sĩ cho uống thuốc viêm xoang.

Sau một thời gian, cơn khó chịu trong mũi ngày một gia tăng, xuất hiện tình trạng chảy máu mũi. Lo lắng, anh đến bệnh viện khám lại, anh được các bác sĩ phát hiện dị vật trong mũi.

“Khi nội soi phát hiện con đỉa. Tôi rất bất ngờ bởi chẳng biết nó đã chui vào mũi tôi từ lúc nào vì tôi chỉ tắm suối một lúc rồi lên, không thấy điều gì bất thường”, anh H. kể.

Tại TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng cũng từng nội soi thanh quản, gắp ra một con đỉa sống dài khoảng 3cm từ anh P.A.X. (30 tuổi) cách đây không lâu. Trước đó anh X. có đi tắm suối, có thể bị đỉa chui vào trong lúc tắm.

Bác sĩ Đinh Tất Thắng, khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết trung bình mỗi mùa hè bệnh viện này điều trị từ 7-10 trường hợp đỉa sống ký sinh trong cơ thể. Có năm lên đến 30-40 trường hợp. Phần lớn ca bệnh đỉa suối bám, sống được ở bộ phận của hệ hô hấp.

Dễ nhầm viêm xoang

Tại Bệnh viện Đồng Nai, BS Nguyễn Đăng Lộng (khoa tai mũi họng) cho biết đã điều trị cho nhiều trường hợp bị vắt, đỉa chui vào mũi.

Biểu hiện thường thấy của người bệnh là cảm giác nhột trong lỗ mũi, xì mũi, nghẹt mũi, đa số bị một bên. Các triệu chứng này dễ nhầm với viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Nếu không nội soi rất khó phát hiện đỉa trong mũi.

Theo BS Lộng, môi trường mũi ẩm ướt nên đỉa sống tốt. Đa số người bệnh bị đỉa chui vô mũi thường là tiếp xúc với môi trường sông nước hoặc uống nước sông, ao hồ, nơi đỉa sinh sống.

Các bác sĩ cho biết đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi và do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản.

Khi đỉa hút máu sẽ tiết ra chất làm máu không đông, có thể gây chảy máu xuống đường khí quản làm người bệnh khó thở, suy hô hấp, tử vong. Chưa kể, khi con đỉa hút đầy máu có thể làm hẹp đường thở, gây tử vong.


Con vắt được các bác sĩ gắp ra từ mũi bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Thấy hiện tượng lạ, đến ngay bác sĩ

Các bác sĩ khuyên đối với những trường hợp bị ho ra máu kéo dài, điều trị nội khoa không thuyên giảm nên đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được nội soi, chẩn đoán.

“Nhiều người bị đỉa sống ký sinh trong mũi nhưng không biết do đỉa. Nhưng sau thời gian sống ký sinh đỉa sẽ lớn dần, dài ra gây chèn ép đường thở.

Triệu chứng thời gian đầu thường không rõ ràng, khó phát hiện nên nhiều người chủ quan. Đến khi có biến chứng cũng là thời điểm đỉa phát triển lớn, gây nguy hại cho sức khỏe” - BS Đinh Tất Thắng cho biết.

Bác sĩ Thắng cảnh báo ngay sau khi đi tắm suối về mà có những biểu hiện ở vùng mũi, họng thì phải đến ngay trung tâm y tế để được bác sĩ khám, can thiệp kịp thời.

Nếu phát hiện có đỉa sống ký sinh trong mũi, khí, phế quản, không được tự ý gắp hay xử lý bằng dung dịch mà phải có sự hướng dẫn, xử lý của bác sĩ.

Nguồn TTO


  • Showroom Enic uy tín