Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðặc biệt, những thông tin tuyển dụng không có địa chỉ cụ thể, chỉ để lại số điện thoại yêu cầu nhắn tin riêng qua số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội. Ðiều kiện để được tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc đã đánh trúng tâm lý của nhiều người đang nôn nóng tìm việc.
Một số trang mạng xã hội tuyển cộng tác viên, nhân viên nhưng không có thông tin, địa chỉ cụ thể.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc nhiều nơi bị gián đoạn, người lao động muốn tìm việc làm để cải thiện cuộc sống. Trên mạng xã hội, không khó tìm thấy các quảng cáo, rao vặt tuyển dụng lao động thời vụ, việc làm thêm online dành cho sinh viên, công nhân hoặc những người nhàn rỗi.
Thường là tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online (thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo), nhập mã giảm giá, trực tổng đài chốt đơn bán hàng, trả lời tin nhắn… Mức lương tính theo giờ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, hoặc doanh số thực với các lời chào mời hấp dẫn như: “Không cần vốn, không cần ôm hàng, thu nhập trên 7 con số”, “không cần kinh nghiệm, thu nhập từ 6 - 15 triệu đồng”, “Tuyển cộng tác viên nhập mã Momo (ví điện tử - PV) thu nhập 12 - 20 triệu đồng/tháng”…
Ðặc biệt, những thông tin tuyển dụng không có địa chỉ cụ thể, chỉ để lại số điện thoại yêu cầu nhắn tin riêng qua số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội. Ðiều kiện để được tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc đã đánh trúng tâm lý của nhiều người đang nôn nóng tìm việc.
Mới đây, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ về thông tin dự án 3K1D của công ty D. đang tuyển đại lý, cộng tác viên bán hàng với nhiều lời hoa mỹ, như không có vốn vẫn làm chủ kinh doanh, trao cơ hội vàng để khởi nghiệp, được học cách kiếm tiền như người giàu, nếu bán được hàng sẽ được thưởng hoa hồng theo doanh số lên đến 12 - 15 triệu đồng/tháng… 3K1D được quảng cáo là dự án, 3K là không cần vốn, không cần ôm hàng, không có rủi ro và 1D là được đào tạo bán hàng miễn phí với các chuyên gia.
Trò chuyện với một “tổng đại lý” về dự án 3K1D, chúng tôi được biết để trở thành tổng đại lý, người tham gia phải đạt được doanh số bán hàng nhất định, doanh thu sẽ tỷ lệ thuận với doanh số bán hàng (lợi nhuận hưởng với công ty và chênh lệch giá với đại lý cấp dưới). Trên thực tế, nếu không có vốn, không ôm hàng thì người tham gia sẽ không thể trở thành tổng đại lý của công ty này, và tất nhiên thu nhập không thể đạt đến hàng chục triệu đồng/tháng.
Chị N.T.V, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Chà Là, huyện Dương Minh Châu là một cộng tác viên của công ty này. Ban đầu, chị V chỉ đăng bài lên mạng xã hội để bán hàng, 1-2 ngày đầu có nhiều người hỏi mua, nên chị nhập gần 10 triệu đồng mỹ phẩm, thuốc trị nám da của công ty này. Ðến khi hàng nhập về hàng loạt thì khách “lặn” mất tăm, muốn trả hàng cho đại lý cũng không được.
Chị V cho biết, nếu không ôm hàng, chỉ là cộng tác viên, mỗi đợt mua 1, 2 chai thuốc tái tạo da thì phải mua với giá 360.000 đồng/chai, rẻ hơn giá niêm yết 40.000 đồng/chai. Nếu lấy hàng từ 40-50 chai thì sẽ được tính giá 220.000 đồng/chai.
Thấy lợi nhuận trước mắt, lại thêm nhiều khách tỏ ra quan tâm đến sản phẩm, chị V quyết định nhập số lượng hàng lớn. Có hàng chào bán, nhưng chị lại không liên lạc được với những vị khách đặt trước đó. Tiền lời chưa thấy đâu, chỉ thấy hàng chục triệu đồng của chị bay mất.
Em V.T.H.T, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành, sinh viên một trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường cho sinh viên tạm nghỉ. Thời gian nghỉ dài nên T lên mạng tìm kiếm thông tin việc làm và quyết định làm cộng tác viên nhập mã Momo vì không phải ra khỏi nhà, dễ dàng thao tác trên điện thoại.
T kể: “Thấy thông tin tuyển dụng cộng tác viên nhập mã Momo, mỗi mã nhập thành công chỉ khoảng 5 phút nhưng được chi trả 220.000 đồng/mã, nếu siêng có thể kiếm 16 triệu đồng/tháng. Ban đầu em nhập mã, chỉ được 40.000 đồng nhưng lại là các mã voucher giảm giá, không phải tiền mặt.
Ðể được hưởng 220.000 đồng/mã buộc phải vào nhóm và đóng phí 500.000 đồng. Sau đó, em làm các thao tác nhập mã như trưởng nhóm hướng dẫn nhưng không được thêm khoản tiền nào. Hai tuần sau, trưởng nhóm báo do em làm không hiệu quả nên đuổi ra khỏi nhóm, và em cũng không được rút số tiền 500.000 đồng đã nộp làm tin, coi như mất”.
Chúng tôi liên hệ một tài khoản facebook có tên Hoa Lục Bình để được hướng dẫn làm cộng tác viên nhập mã Momo. Người này chia sẻ với tôi về một mức thu nhập trong mơ, rằng chỉ cần làm vào thời gian rảnh, mỗi mã nhập được Momo chiết khấu 40.000 đồng, 1 ngày không giới hạn mã nhập.
Nếu tham gia vào nhóm cộng tác viên thì Momo trả phí mỗi mã nhập là 200.000 đồng. Tìm kiếm mã nhập bằng cách mời người thân, bạn bè hoặc đăng lên các trang mạng xã hội để tuyển người mở ví Momo, liên kết ngân hàng. Nếu có mối quan hệ, khéo léo mời gọi có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Sau đó, người này liên tục đề nghị tôi nhập mã giới thiệu, mời mọi người tham gia làm cộng tác viên để hưởng doanh số và lợi nhuận.
Liên hệ tổng đài ví điện tử Momo, chúng tôi được biết, trước đó do nhu cầu mở rộng mạng lưới người dùng, nên Momo triển khai tuyển cộng tác viên nhập mã giới thiệu, mỗi mã giới thiệu thành công thì cả người giới thiệu và người đăng ký đều được hưởng các gói quà tặng ưu đãi là các mã voucher giảm giá.
Riêng cộng tác viên sẽ có gói quà tặng thêm. Tuy nhiên, cộng tác viên không phải đóng bất kỳ khoản phí nào và hiện nay Momo cũng đã tạm dừng triển khai chương trình này, chỉ còn gói quà tặng giới thiệu bạn bè sử dụng ví Momo.
Ðây chỉ là một vài trường hợp “dính bẫy” lừa việc làm online thời gian qua. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi tìm việc- nhất là việc làm online, người lao động cần lưu ý không trả bất kỳ chi phí nào cho các đơn vị không có chức năng tuyển dụng; không mua sản phẩm; không cung cấp các thông tin cá nhân, cảnh giác với những lời chào mời tuyển dụng “hoa mỹ”. Tốt nhất, nên tìm việc ở các kênh tuyển dụng chính thống.
Vũ Nguyệt