Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người dân cần cẩn trọng đối với loại dịch vụ này kẻo “tiền mất tật mang”, thậm chí còn vi phạm pháp luật.
Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024, trên các trang mạng xã hội đã nở rộ dịch vụ đổi tiền mới có thu phí. Người dân cần cẩn trọng đối với loại dịch vụ này kẻo “tiền mất tật mang”, thậm chí còn vi phạm pháp luật.
Bài đăng quảng cáo đổi tiền mới tràn lan trên mạng xã hội.
Gõ từ khoá “đổi tiền tết” trên các trang mạng như Facebook, google..., ngay lập tức hiện ra hàng trăm kết quả với đủ các loại quảng cáo đổi tiền mới kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi. Liên hệ với một số tài khoản Facebook quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới đổi 7 triệu đồng, một tài khoản có tên N.P.T cho biết, tuỳ vào số lượng và mệnh giá, phí đổi sẽ khác nhau; tiền có mệnh giá càng nhỏ phí đổi sẽ càng cao. Cụ thể, với tiền 1.000 - 5.000 đồng, phí đổi từ 7% - 9%; tiền 10.000 - 50.000 đồng, phí đổi 6% và tiền 100.000 - 200.000 đồng, phí đổi 4%. Nếu khách đổi từ 25 triệu đồng trở lên sẽ được giá ưu đãi từ 3% - 4%. “Khách hàng chỉ cần chốt đơn hàng và báo trước một ngày, số lượng bao nhiêu cũng có. Cam kết tiền thật, mới 100%, liền seri, giao hàng tận nơi. Tranh thủ đặt sớm, càng gần tết, mức phí đổi càng tăng”- chủ tài khoản N.P.T nói.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc đổi tiền qua mạng xã hội, người dân có thể gặp một số rủi ro như đổi thiếu tiền, tiền cũ, nát, tiền giả. Chị Thanh Hương (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) chia sẻ, mọi năm, chị thường nhờ người quen đổi hộ tiền mới để lì xì dịp tết. Dịp Tết năm 2023, do không nhờ đổi được, chị lên Facebook tìm chỗ đổi tiền mới với mức giá 5,3 triệu đồng cho một xấp 50.000 đồng. Nhận được tiền, chị thấy bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ độn vào. “Tôi liên hệ với người đổi tiền, họ nói khi nhận tiền phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà rồi thì khách tự chịu trách nhiệm” - chị Hương kể.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Điểm a, khoản 5, Ðiều 30, Nghị định 88/2019/NÐ-CP ngày 14.11.2019 của Chính phủ quy định phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b, khoản 3, Điều 3, Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
Ngày 15.12.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hoà và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, năm nay, ngày lễ tình nhân - Valentine (14.2) đúng vào mùng 5 tết nguyên đán, không ít người chọn quà tặng cho người thân bằng những bó hoa xếp bằng tiền thật với đủ mệnh giá. Chị Hồng Huỳnh (ngụ thị xã Hoà Thành) cho biết, ngoài việc tặng hoa tươi, quà vào các dịp lễ, tết, gần đây, người dân còn yêu thích việc tặng hoa làm bằng tiền thật. Những bó hoa làm bằng tiền vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế. Hiện tại, chị đã có khách đặt hàng làm “hoa tiền” để tặng dịp lễ tình nhân cho người thân, mỗi bó hoa trị giá khoảng 300.000 - 500.000 đồng. “Để hoàn thành, tôi phải mất từ 1-2 tiếng/sản phẩm. Đối với những bó hoa có giá trị vài triệu đồng, khách hàng đặt mua phải cọc tiền trước”- chị Huỳnh nói.
Vị luật gia cho biết thêm, việc sử dụng tiền để làm hoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 3, Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP nêu rõ: phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, huỷ hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm và giao cơ quan có thẩm quyền xử lý. Có thể hiểu hành vi làm cho đồng tiền bị hư hỏng là huỷ hoại, còn hành vi phá hoại được xác định là hành vi cố ý làm cho tiền mất giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại như cắt, đốt, xé...
Ngoài ra, nếu xác định là hành vi vi phạm pháp luật, ngoài việc xử phạt hành chính, ở một số trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm). Vì vậy, để tránh bị phạt, cá nhân, tổ chức cần lưu ý các quy định nêu trên.
Thiên Di