BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

Cội nguồn và ý nghĩa 

Cập nhật ngày: 09/09/2022 - 20:47

BTNO - Hằng năm, vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, Hội thánh đạo Cao Đài tại Toà thánh Tây Ninh long trọng tổ chức đại lễ Hội yến Diêu Trì cung (HYDTC). Đây là một trong hai cuộc lễ trọng đại nhất của đạo là lễ vía Đức Chí Tôn (vào ngày mồng 9 tháng Giêng) và ngày lễ vía Đức Phật Mẫu (tức lễ HYDTC), mà theo quan niệm của người có đạo Cao Đài là hai đấng sinh thành, cha và mẹ của toàn thể chúng sinh.

Báo Ân Từ- nơi thực hiện nghi thức cúng Hội yến Diêu Trì Cung (ảnh: Đại Dương, chụp ngày 9.9.2022)

Đạo Cao Đài là nền tôn giáo mới phát sinh tại miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ 20 theo quan điểm “Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhất”, nghĩa là tổng hợp hầu như tất cả các tôn giáo trên thế giới. Do vậy, các nghi thức lễ tiết trong hoạt động tín ngưỡng của đạo Cao Đài đều ít nhiều có ảnh hưởng, bóng dáng của các nền tôn giáo đã có từ trước.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu về nền đạo có tổ đình đặt tại tỉnh nhà, người viết bài nhận thấy đại lễ HYDTC có thể nói là tín ngưỡng thuần tuý của dân tộc Việt Nam. Mặc dù trong giáo lý đạo Phật cũng có vị Phật Mẫu Chuẩn Đề, một trong những hoá thân của Phật Quan Âm, nhưng ý niệm được thể hiện trong bài Thần chú Phật Mẫu Chuẩn Đề (trí tuệ sâu xa, đầy đủ mọi năng lực làm bất cứ việc gì đem lại lợi ích cho chúng sinh) lại hoàn toàn khác với ý niệm về đấng Diêu Trì Kim Mẫu (mẹ của chúng sinh).

Trong khi đó, tín ngưỡng “thờ Mẫu” là tín ngưỡng đã có từ rất lâu đời của dân tộc Việt Nam và qua sự sáng tạo của các vị tiền bối khai sáng đạo Cao Đài, lễ HYDTC cúng vía Đức Phật Mẫu, tức Diêu Trì Kim Mẫu đã trở thành hoạt động tín ngưỡng gần một thế kỷ, từ năm Ất Sửu -1925 cho đến nay.

Việc xác định mốc thời gian tổ chức lễ HYDTC lần đầu tiên trước cả khi tôn giáo Cao Đài chính thức làm lễ khai đạo (năm Bính Dần - 1926), được ghi rõ trong sách “Đại đạo truy nguyên” của tác giả Huệ Chương (Hội thánh Cao Đài xuất bản năm 1929).

Tác giả Huệ Chương viết theo lời kể của ông Cao Quỳnh Đức, con của ông Cao Quỳnh Diêu, một trong những vị tiền bối khai sáng đạo Cao Đài, thuật lại sự việc cha con ông cùng với các ông Cao Quỳnh Cư (em ruột ông Cao Quỳnh Diêu), Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang tổ chức “cầu cơ” ở nhà riêng của ông Cư tại đường Calmette, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Trong buổi “cầu cơ” này, các ông được tiếp xúc với các đấng Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên nương, nhận sự dạy bảo của các đấng về việc tổ chức lễ HYDTC. Sách “Đại đạo truy nguyên” có đoạn: “Chú Tư (ông Cao Quỳnh Cư- NV) tôi (ông Cao Quỳnh Đức- NV), nghe đặng lời ấy rất mừng lòng, bèn xin cô chiếu cố đến mấy ổng, dạy cách nào cầu lịnh Kim Mẫu đến đặng.

Khi ấy, Thất Nương bèn biểu mấy vị phải trai giới ba ngày, và tìm cho đặng Ngọc Cơ cầu lịnh Bà mới đặng. Mấy ổng không hiểu Ngọc Cơ là chi, chú Tư tôi xin cô chỉ dạy. Cô bèn vẽ hình Ngọc Cơ, rồi giải nghĩa và dẫn rõ căn cội buổi xưa, lấy hình trạng của ngôi sao Bắc Đẩu mà tạo thành. Lại dạy cách phò Ngọc Cơ cho mấy ổng, và biểu mấy ổng đặt một bài thi dự bị. Đoạn chú Tư, chú Tám tôi (ông Phạm Công Tắc- NV) và anh Cao Hoài Sang vưng lời trai giới ba ngày; và tìm mượn đặng Ngọc Cơ y theo lời dạy.

Cắm hoa gian lễ phẩm của các họ đạo trong tỉnh (ảnh: Đại Dương, chụp ngày 9.9.2022)

Qua đến ngày thứ ba là buổi hẹn hò, lại nhằm tiết Trung thu, đúng đêm 14, rạng mặt rằm tháng tám. Ngoài trời thì trăng thanh gió mát; trong nhà chú Tư tôi lại dọn dẹp trang hoàng, xem vào có vẻ tinh khiết lắm.

Đúng giờ Tý, thảy đều đủ mặt. Tôi thấy chú tư tôi đã sắp đặt dọn bàn dài, rải bông lá chung quanh, phía trong bàn ngay chính giữa để một bộ đồ trà, còn chín vị Tiên Cô mỗi người một cái tách, sắp vòng theo bàn, hàng giữa dọn những trái cây tươi tốt, ngó vào rất lịch, tựa hình như đãi tiệc, vì chung quanh có chín cái ghế mây. Cuộc cúng nầy mấy ổng gọi là "Phó yến Diêu Trì ", đến ngày nay hãy còn noi dấu lễ kỷ niệm ấy.

Đoạn chú Tư tôi đốt hương đèn lên, cả thảy đều quỳ lạy khấn vái, rồi đem Ngọc Cơ ra mà cầu. Thật quả có lịnh Cửu Thiên Nương Nương (Đức Diêu Trì Kim Mẫu- NV) đến, và đủ chín vị Tiên Cô, mỗi vị đều giáng cơ chào mừng mấy ổng. Khi ấy, Thất Nương xin ba ổng đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm, đặng hiến lễ, còn lịnh Bà và Cửu Cô an vị mà nghe.

Chừng nhập tiệc, Thất Nương lại mời ba ổng ngồi chung vào cho vui. Cũng tội nghiệp cho mấy ổng, vì e thất lễ nên không dám. Rốt việc, ép uổng quá, mấy ổng liệu thế khó chối từ, mới đem ghế thêm, sắp sau lưng chín cái ghế nọ, ba ổng xá rồi ngồi xuống. Tôi dòm thấy mấy ổng cũng bắt tức cười, nhưng không dám nhích mép, cứ đứng khoanh tay hầu mà thôi.

Cách chừng nửa giờ, chú Tư tôi lại tái cầu. Lịnh Nương Nương và chín vị Tiên Cô để lời cảm tạ chẳng cùng, lại hứa rằng: “Từ đây đã có Ngọc Cơ rồi, thì tiện cho Diêu Trì Cung Cửu Cô đến mà dạy việc”. Đêm ấy, mấy ổng thức cho đến 3 giờ khuya mới nghỉ”.

Sau buổi “cầu cơ” kể trên, các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu… tiếp tục dùng Ngọc Cơ để làm phương tiện học đạo nơi Đức Chí Tôn và các đấng thiêng liêng rồi tiến hành khai đạo Cao Đài tại chùa Gò Kén vào năm Bính Dần 1926. Sau đó không lâu, Hội thánh Cao Đài do các ông đứng đầu đã tậu được khu đất 100 ha để xây dựng khu nội ô Toà thánh hiện nay.

Đối với việc tổ chức đại lễ HYDTC, trong giai đoạn đầu của quá trình “hoằng khai Đại đạo”, do tác động chiến tranh qua nhiều cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước khỏi hoạ xâm lăng của ngoại bang, có thời gian đại lễ chỉ được tổ chức mang tính nội bộ của đạo với nghi thức giản dị. Tuy nhiên, phần lễ chính vẫn được diễn ra giống như cuộc lễ đầu tiên do ông Cao Quỳnh Đức kể, ông Huệ Chương viết lại.

Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và phát triển mạnh mẽ từ sau ngày 30.4.1975, Hội thánh Cao Đài có điều kiện thuận lợi để tổ chức lễ long trọng, quy mô như hiện nay. Cụ thể, đại lễ HYDTC được tổ chức với hai phần lễ hội rõ rệt. Phần lễ được tổ chức tại ngôi Báo Ân Từ, còn gọi là Điện thờ Phật Mẫu, với các nghi thức cúng Hội yến diễn ra trong nội điện và phần trưng bày quả phẩm hiến lễ của hàng trăm họ đạo ở khắp các tỉnh, thành trong nước tại các gian triển lãm chung quanh Báo Ân Từ.

Sau lễ Cúng đàn Phật Mẫu lúc 12 giờ trưa, đến 22 giờ rằm tháng 8 âm lịch, diễn ra lễ chính với nghi thức Hội yến Diêu Trì như sách “Đại đạo truy nguyên” viết ở phần trên. Chỉ có khác là phần đệm đàn và ngâm các bài thi xưng tụng các đấng (gọi là “bài thài”), không phải do “ba ông đờn rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm đặng hiến lễ”, mà do ban nhạc lễ và đội đồng nhi Toà thánh hiến lễ; bởi lẽ ngày nay các vị Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng sanh Cao Hoài Sang đều đã quy tiên. Các “bài thài” cúng lễ HYDTC gồm: 10 “bài thài” hiến lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương (từ Nhứt nương đến Cửu nương), cùng 3 “bài thài” xưng tụng công đức của 3 vị tổ chức lễ HYDTC đầu tiên gần một thế kỷ trước. 

Phần hội của đại lễ là cuộc rước “Cộ Tiên” (hình tượng Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương ngự trên lưng chim thanh loan) và màn múa tứ linh (long, lân, quy, phụng) với dàn nhạc cổ truyền dân tộc diễn hành qua Báo Ân Từ, Đền thánh trên đường Phạm Hộ Pháp, vòng quanh sân Đại đồng xã trở về nơi xuất phát tại Ban nhà thuyền đường Cao Thượng Phẩm.

Với quy mô tổ chức trang trọng, rực rỡ với nội dung cuộc lễ được giữ gìn, phát huy bản sắc tín ngưỡng từ nguồn cội ban đầu, Đại lễ HYDTC tại Toà thánh Tây Ninh hằng năm thu hút hàng trăm ngàn người tham dự, không chỉ có các tín đồ của đạo ở “lục tỉnh Nam kỳ” như xưa mà còn ở các họ đạo tận miền Trung, miền Bắc và cả Ban đại diện Hội thánh ở nước ngoài cùng về tổ đình phụng cúng.

Nguyễn Tấn Hùng