Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cơn bão trong lòng nước Đức – Kỳ II: Lối đi nào cho Thủ tướng Merkel?
Chủ nhật: 08:33 ngày 15/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tìm kiếm phương án “vẹn cả đôi đường” để vừa giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư một cách nhân đạo, vừa làm yên lòng dân chúng và giới chính trị trong nước, sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phương án “hòa cả làng”

Thỏa hiệp giữa hai đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo Đức (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Đức (CSU) mà cả hai bên đều cho là thành công của mình sau đàm phán căng thẳng bao gồm những điểm sau: (i) Đức sẽ không đơn phương đưa những người tị nạn đã đăng ký tại một nước EU trở về nước đó; (ii) Bộ Nội vụ Đức sẽ đàm phán để ký kết thỏa thuận song phương với những nước liên quan; (iii) Những Transitzentren (“Trung tâm quá cảnh”) như mô hình ở sân bay quốc tế sẽ được thiết lập ở cửa khẩu Đức – Áo; (iv) Những người tị nạn nêu trên sẽ bị tạm giữ ở đó 48 giờ để xác minh và làm thủ tục đưa trở lại nước mà họ đã nộp đơn tị nạn.

Tuy nhiên, dư luận Đức đánh giá phương án này không có tính khả thi và thiếu thực tế. Nó không giải quyết thực sự vấn đề, mà chỉ nhằm mang tới thỏa hiệp để không bên nào bị mất mặt. Trên thực tế, Đức đã đẩy khó khăn cho các nước ở biên giới vòng ngoài EU. Nhiều quốc gia EU đã tuyên bố trước là họ từ chối nhận lại những người bị Đức trục xuất. Có nước gián tiếp bắn tin sẽ không nhận đơn và đăng ký cho người tị nạn đi qua vùng biển Địa Trung Hải hay “vành đai Balkan” vì không muốn sau này phải nhận lại họ từ chính quyền Berlin, nhất là khi đích đến của đa số những người này là Đức. Chính phủ Italy cũng đã từng không cho tàu cứu nạn mang người tị nạn cập cảng nước mình.

Những người di cư được đưa lên tàu cứu trợ và cập cảng Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 4/7 sau khi bị Italy từ chối cập bến. (Nguồn: AP)

Nguy hiểm hơn, việc làm đơn phương của từng nước có thể gây ra “phản ứng Domino” trong khối EU. Bên cạnh đó, đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương về trục xuất và nhận trở lại người tị nạn không hề đơn giản. Việc bàn bạc với các nước châu Phi để lập trung tâm tương tự trên lãnh thổ những quốc gia này cũng gặp không ít phản đối, nghi ngờ về tính pháp lý và thực tiễn của nó.

Một khó khăn trở ngại nữa lại đến từ Đảng Dân chủ Đức (SPD) đang liên minh với CDU/CSU trong Chính phủ “đại liên minh”. Ngay từ năm 2015, SPD đã kịch liệt phản đối các trung tâm quá cảnh vì lo ngại sẽ hình thành ở Đức những cơ sở tập trung tạm giữ người tị nạn, giống như những trại tị nạn mà truyền thông liên tục đưa tin. SPD thẳng thắn tuyên bố sẽ không thể chấp nhận phương án này, với một số thậm chí còn vận động tẩy chay đề xuất của CDU/CSU. Nếu thay đổi quan điểm 180 độ và chấp nhận những trung tâm quá cảnh, SPD sẽ “mất mặt” và nguy cơ đổ vỡ Đại liên minh là khá lớn.

Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, ngày 5/7, SPD và CDU/CSU cũng thống nhất được phương án cuối cùng gồm 11 điểm. Theo phương án này, thay vì lập những “trung tâm quá cảnh” ở biên giới Đức-Áo, Berlin sẽ triển khai áp dụng “quy trình quá cảnh” (“Transitverfahren”) tại những đồn công an ở trong khu vực biên giới. Đảng SPD tránh được từ “Trung tâm quá cảnh” mà họ phản đối từ 2015, Liên minh CDU/CSU vẫn giữ được cụm từ “quá cảnh” (“transit”) như đề xuất ban đầu của mình. Không ai bị mất mặt và đất nước tránh được cuộc khủng hoảng chính phủ. Giới thạo tin thì cho đó chỉ là hình thức “chơi chữ” nội dung ít mang tính thực chất.

Khó khăn còn đó

Rất nhanh sau đó, bà Merkel đã trao đổi với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Berlin, còn ông Horst Seehofer vội đi Vienna để trao đổi với Thủ tướng Sebastian Kurz và người đồng cấp Áo. Thủ tướng Hungary ủng hộ giải pháp châu Âu nhưng sẽ không nhận người tị nạn bị Đức trục xuất. Việc trao đổi với phía Áo khó khăn đến mức khi ông Seehofer còn đang ở Vienna thì từ Munich đã có tiếng nói đe dọa nếu Áo không nhất trí với Đức thì Đức, chí ít là bang Bayern có biên giới với Áo, vẫn sẽ  thực hiện những biện pháp đơn phương trục xuất.

Ngày 10/7, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer công bố “Đề án tổng thể về vấn đề nhập cư” (“Masterplan Migration”), nhưng cũng nhấn mạnh đây không phải là Đề án của Liên minh Chính phủ, mà là của Bộ do ông phụ trách. Đáng chú ý, ngày ghi trên Đề án là 4/7, trong khi tới ngày 5/7, các đảng trong Liên minh Chính phủ mới thống nhất phương án thỏa hiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer (trái) và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. (Nguồn: T-Online)

Điều gây bức xúc nhất đối với SPD và khó hiểu với dư luận là nội dung 63 điểm hầu như vẫn giữ nguyên như cũ. Cụm từ “trung tâm quá cảnh” vẫn không được thay bằng “quy trình quá cảnh”. Bà Malu Dreyer (SPD), Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz cho rằng không thể chấp nhận được việc thỏa thuận của “Đại liên minh” bị ông Seehofer “phớt lờ”. Ông Martin Scholz, nguyên Chủ tịch SPD thì gọi đó là “hí kịch mùa hè”. Còn ông Stegner, Phó Chủ tịch SPD nói SPD không có nhu cầu diễn hí kịch này lâu hơn nữa và không thể có một bản Đề án nào ngoài bản đã được các đảng thống nhất.

Đảng dân chủ tự do FDP còn đi xa hơn khi cho rằng Đề án này không chỉ gây thất vọng mà “ông Seehofer còn tiếp tục là nguồn thuốc nổ nguy hiểm, không chỉ cho Liên minh CDU/CSU mà còn cho cả Chính phủ Liên bang”. Đáp lại những phê phán, ông Seehofer nói ông không có ý định để bản Đề án cứ kéo dài mãi không biết đến bao giờ mới kết thúc, mọi người có thế nghĩ và nói những gì họ muốn, bao gồm cả “mốt” gán ông với biệt danh “Seehofer ác độc”.

Dư luận hiện đang rất quan tâm xem điều gì sẽ diễn ra nữa ở Berlin trước khi các nghị sĩ và thành viên nội các nghỉ Hè. Liệu xung đột giữa bên liên quan trong “Liên minh chị em” hay “Đại liên minh” có bùng nổ và dẫn đến khủng hoảng chính phủ? Trong thẩm quyền của mình, ông Seehofer đang vất vả đàm phán với các nước liên quan để đạt được những thỏa thuận song phương, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông thất bại? Nếu Đức không trục xuất được những người này về nước mà họ đã đăng ký trước đó, Berlin sẽ đẩy họ đi đâu, nếu không phải là Áo, quốc gia có đường biên giới với Đức?

Trên thực tế, theo số liệu 5 tháng đầu năm 2018, tổng cộng 18.024 người tị nạn nhập cảnh trái phép vào Đức, nhưng 73% số đó là qua Thụy Sỹ (2.093), Séc (1.905), Pháp (1.622), Đan Mạch (815), Ba Lan (789) và Hà Lan (627), trong khi của Áo chỉ là 4.935 người. Một thống kê khác cũng cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, Đức đã đưa 4.100 người tị nạn về nước mà họ đã đăng ký đầu tiên. Điều mà dư luận thấy đặc biệt khó hiểu là theo con số do chính Bộ trưởng Nội vụ đưa ra, thì mỗi ngày tại biên giới Đức-Áo chỉ có khoảng từ 5 - 7 người thuộc đối tượng điều chỉnh, những người đã từng đăng ký tị nạn trước khi đến Đức. Vậy tại sao lại tranh cãi và gây chuyện ầm ĩ về vấn đề này?

Áp lực khi là chính mình

Chính phủ được thành lập chưa đầy 100 ngày, song Thủ tướng Angela Merkel lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn mới, kéo dài từ năm 2015, cũng như xung đột chính trị sau bầu cử tháng 9 năm ngoái đến nay. Bà từng buồn bã nói: “Tôi cũng không thể hứa trước rằng sẽ không nảy sinh tranh cãi giữa các bên trong những đề tài khác”.

Người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu, người đã chèo lái con thuyền Liên minh châu Âu (EU) và nước Đức qua bao cơn sóng to gió lớn suốt hơn 12 năm làm Thủ tướng, mang cả sự nghiệp chính trị và chiếc ghế Thủ tướng của mình ra đánh cược cho quyết định mạo hiểm nhưng đầy tính nhân đạo vào mùa Thu năm 2015, cảm thán: “Tôi đã từng sống bên trong hàng rào đủ lâu để không muốn dựng thêm hàng rào mới nào nữa”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm ngắn cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12/7. (Nguồn: AP)

Chính sự trong nước là vậy, song ở bên ngoài, nước Đức cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Trước khi bay sang dự Hội nghị Thượng đỉnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, nước Đức của bà đã bị chính đồng minh quan trọng nhất bên kia bờ Đại Tây Dương công kích trực diện. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lần này sang dự Hội nghị, ông sẽ “tay bo” trực diện và không ngại ngần gọi Đức là “thủ phạm” chính.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Angela Merkel đối mặt với lời lẽ như vậy, gần đây nhất là tại Thượng đỉnh G7 ở Canada. Chiến thuật của bà là bình tĩnh lắng nghe, trước khi trình bày quan điểm rõ ràng thông qua lập luận chặt chẽ, số liệu cụ thể. Song lần này, có vẻ Thủ tướng Merkel đã chọn cách khác. Bà khẳng định: “Đức biết ơn NATO rất nhiều, nhưng cũng đã làm rất, rất nhiều cho NATO, với tư cách là nước có số quân đông thứ hai và dành phần lớn tiềm lực của mình để phục vụ NATO, với sự hiện diện tích cực nhất ở Afghanistan. Qua đó, chúng tôi cũng bảo vệ lợi ích của Mỹ”.

Chưa bao giờ người ta nghe từ Thủ tướng Merkel những lời kiên quyết tới vậy. Không rõ liệu thái độ mới của bà sẽ mang lại thay đổi gì cho tình hình hiện nay, song chắc chắn rằng bà Merkel đang phải chịu sức ép chưa từng có khi phải đảm đương quá nhiều trọng trách, từ duy trì ổn định chính trị, bảo vệ thành quả kinh tế tới mở rộng tầm ảnh hưởng của Đức trong khu vực và trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài trên trang “Süddeutsche Zeitung” (“Báo Nam Đức”) ngày 11/7 từ Brussels, hai nhà báo Đức Daniel Brössler và Stefan Kornelius đã viết: “Nhiều khi bản thân bà Angela Merkel cũng cảm thấy thật không dễ dàng gì khi là Angela Merkel”.

Nguồn baoquocte (từ Berlin, CHLB Đức)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục