Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Còn bỏ sót đối tượng cần được trợ giúp pháp lý
Thứ hai: 02:05 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, quy định tại khoản 5, 6 Điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý: “5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi/ 6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo” là còn bỏ sót đối tượng cần được trợ giúp pháp lý.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) vừa qua, đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Tây Ninh có ý kiến cho rằng dự thảo luật đã tiệm cận đến thực tế cuộc sống của nhân dân, mang tính khả thi cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, quy định tại khoản 5, 6 Điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý: “5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi/ 6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo” là còn bỏ sót đối tượng cần được trợ giúp pháp lý.

Bởi vì, tại điểm đ khoản 1 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì “Người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Và tại điểm e, khoản 1, Điều 57 BLTTHS quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền “Tự bảo vệ, hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”; Điểm g khoản 1 Điều 58 của BLTTHS cũng quy định: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”…

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 7 dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) thì các đối tượng đang là “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” sẽ không được trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Phương cho rằng đây là một sự bất bình đẳng giữa những người không được trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể, người không thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trong mọi trường hợp theo quy định của BLTTHS thì được nhờ người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng nếu đang là trường hợp “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” thì không được trợ giúp.

Những người này phải đợi đến khi mình là người bị buộc tội, tức là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo mới được trợ giúp pháp lý.

Do vậy, đại biểu Huỳnh Thanh Phương kiến nghị sửa đổi bổ sung (Điều 7) như sau, Khoản 5 “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”; Khoản 6: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo”.

Nội dung thứ hai, theo đại biểu Phương, quy định tại khoản 2 Điều 15 dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi): “Sở Tư pháp lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 14 của luật này trong trường hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước không bảo đảm được nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương” dễ dẫn đến 2 cách hiểu: Một là, theo quy định này thì chỉ khi Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TTTGPL) không đáp ứng yêu cầu mới được ký hợp đồng với các tổ chức khác; trong khi đó, theo quy định của luật này thì TTTGPL là một loại tổ chức tham gia TGPL giống như văn phòng luật sư hoặc các tổ chức tư vấn pháp luật khác.

Hai là, trường hợp hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý với luật sư, tổ chức tư vấn khác nhưng do TTTGPL không bảo đảm nhu cầu nên phải để Sở Tư pháp ký.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, quy định này không khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân đủ tiêu chuẩn tham gia trợ giúp pháp lý theo chủ trương thu hút xã hội vào các hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Vì vậy, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc diễn đạt lại nội dung trong dự thảo cho phù hợp.

DN-KC

(Lược ghi)

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục