Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Luật Giáo dục Nghề nghiệp sắp có hiệu lực:
Còn có những vấn đề chưa rõ ràng
Thứ tư: 06:10 ngày 11/02/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 tới. Theo định nghĩa được nêu trong luật này: “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên”. Các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm có: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Mặc dù luật sắp có hiệu lực nhưng việc triển khai bộ luật này có thể còn nhiều vấn đề đặt ra xung quanh đó.

Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học 2014 – 2015.

Trước hết, không hiểu vì sao trong luật không thấy quy định bộ, ngành nào sẽ quản lý hệ thống trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và cao đẳng (không rõ sẽ là Bộ Giáo dục - Đào tạo hay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Hẳn là sắp tới sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Giáo dục nghề nghiệp nhưng đúng ra trong luật cần có quy định rõ điều đó. Cũng do luật không quy định bộ nào sẽ quản lý trường trung cấp và cao đẳng nên hiện nay hai bộ có liên quan cũng không biết mình có quyền quản lý hệ thống trường trung cấp và cao đẳng hay không.

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1.7 tới tức là cùng thời điểm diễn ra các kỳ thi tuyển và xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Vậy công tác tuyển sinh vào các trường trung cấp, cao đẳng sẽ do bộ nào chịu trách nhiệm và việc tuyển sinh sẽ được thực hiện như thế nào? Tại thời điểm hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện đã bắt đầu công bố chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2015.

Theo thông tin có được thì tại Tây Ninh, Trường cao đẳng Sư phạm vẫn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ Giáo dục - Đào tạo (trong khi bộ này có thể không còn quyền quản lý hệ thống trường trung cấp và cao đẳng). Thông thường, từ khi luật có hiệu lực cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định, bộ ban hành thông tư hướng dẫn thường phải mất thời gian khá lâu, có khi cả năm trời.

Trong Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định: Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Thật ra, chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở không phải bây giờ mới có mà đã được thực hiện từ lâu. Có điều là chính sách, chủ trương phân luồng không đạt kết quả như trông đợi.

Theo kế hoạch thì năm 2015, bình quân mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước hằng năm sẽ có 30% học sinh sau trung học cơ sở vào học trường nghề, trường trung cấp nhưng các số liệu được công bố cho thấy số lượng học sinh vào các trường nói trên rất thấp, hầu như không đáng kể.

Báo Tây Ninh ra ngày 4.2 vừa qua có đưa tin, năm học 2014 - 2015, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học ở trường trung cấp và trường nghề chưa đến 200 trong khi số học sinh sau khi học xong lớp 9 không tiếp tục nữa lại hơn 2.200. Nguyên nhân khiến cho chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở đạt kết quả thấp đã được đề cập nhiều lần, xin không nhắc lại. Bình luận về vấn đề này, một cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục tỉnh nhà cho rằng, người dân và học sinh đã và đang “tự phân luồng” theo cách riêng của họ.

Cụ thể là, học sinh dừng lại ở lớp 9 để đi lao động, làm công nhân mà không tiếp tục học lên. Không ít học sinh và các bậc cha mẹ cho rằng có học lên cao đi nữa, mai này cũng chưa chắc đã tìm được việc làm, thà ngay bây giờ đi làm công nhân để sớm có thu nhập. Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng có quy định sau khi sinh viên hoàn thành chương trình học, hiệu trưởng trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận trình độ cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.

Thật ra, việc quy định văn bằng cử nhân thực hành hay kỹ sư thực hành ở đây chỉ có tính hình thức (có lẽ các nhà làm luật cho rằng với cách ghi văn bằng như vậy sẽ thu hút được người học vào trường trung cấp và cao đẳng). Song cách ghi, cách gọi trên văn bằng không thể thay thế được trình độ tay nghề thực sự của người học và các nhà tuyển dụng lao động thì luôn chỉ muốn chọn người làm được việc. Tuy vậy, tâm lý trọng bằng cấp, đánh giá năng lực căn cứ qua mảnh bằng tốt nghiệp vẫn còn ở nhiều người.

Bằng chứng là nhiều cơ quan khi tuyển người đã quy định: chỉ tuyển người có bằng đại học trở lên, còn người lao động muốn thi công chức để vào biên chế thì cũng phải có bằng đại học mới được. Thực tế chứng minh, có không ít người dù bằng cấp không cao nhưng trình độ, năng lực, ý thức công việc của họ cao hơn hẳn những vị bằng cấp, chứng chỉ “đầy mình”. Từ trước đến nay, những người học trường nghề không có mã ngạch về bậc lương, tức là hiếm có cơ hội được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước.

Như vậy có thể thấy, một loạt chính sách về tiền lương, tuyển dụng, cách dùng người mới là nguyên nhân sâu xa khiến cho học sinh phổ thông không mặn mà với hệ thống trường nghề, trung cấp và cao đẳng. Luật Giáo dục nghề nghiệp lần này có quy định những người học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng “được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định”. Việc luật hoá điều này được nhìn nhận như một nỗ lực để các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp có “đất sống”. Nhưng với cơ chế như hiện nay, có lẽ quy định vừa nêu cũng chỉ có tính chất… hứa hẹn.

Theo báo chí đưa tin, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ được 55% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành, tức số người ủng hộ chưa phải cao lắm. Đã có một số ý kiến cho rằng, nên quy các bậc học trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện về một mối do Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý, tức là trở về mô hình quản lý của thời bao cấp; không nên giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì bộ này trên thực tế không thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực. Đó còn chưa kể, nếu như giao hệ thống trường cao đẳng sư phạm cho bộ này quản lý lại càng không phù hợp.

Theo tiến sĩ Lương Hoài Nam, người từng đứng đầu hãng hàng không giá rẻ Jetstar thì việc tách hệ thống “đào tạo thợ” (đào tạo nghề) với hệ thống “đào tạo thầy” là không cần thiết, bởi nó chỉ khác nhau về tên gọi. Bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, giáo viên, luật sư, sĩ quan cho đến những người thợ học trong các trường nghề ra… cũng đều là những người làm nghề cả. Như vậy, việc nhất thể hoá hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý là phù hợp.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục