Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Côn Đảo, ngày áp thấp…
Thứ bảy: 08:22 ngày 09/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin nói ngay, tựa đề cho bài ký Côn Ðảo lần này không mang một ẩn dụ nào cả. Thực sự, ngày 4.6, khi chúng tôi xuống tàu tại bến Trần Ðề (tỉnh Sóc Trăng) là ngày áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành cơn bão số 2 của năm 2018.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Tây Ninh thắp hương tưởng niệm nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu.

Tuy nhiên, do bão chuyển lên phía Bắc, nên vùng biển chín cửa sông Cửu Long đổ ra bị ảnh hưởng không nặng lắm. Tin thời tiết cho biết có gió mạnh nhưng chưa tới mức phải cấm tàu ra khơi.

Vậy mà, khi con tàu Superdong Côn Ðảo I rời bến chưa được bao lâu, sóng gió đã lắc lư con tàu khiến cho những hành khách chưa đi biển lần nào phải nhắm nghiền mắt, hai tay bấu chặt thành ghế, cắn răng chịu đựng. Có người chịu không nổi bắt đầu nôn thốc, nôn tháo rồi rời ghế… nằm xoài ra sàn tàu.

May mà tuyến hải trình Sóc Trăng - Côn Ðảo không xa lắm, chỉ cách 40 hải lý (khoảng 90km), tàu cao tốc chạy mất 2 giờ 30 phút, nên cuộc “tra tấn” khách hải hành cũng sớm chấm dứt. Thật ra, so với tuyến đường biển Vũng Tàu - Côn Ðảo, chuyện đi đảo từ bến Trần Ðề chỉ là “chuyện nhỏ”.

Những lần đi thăm “Khu di tích quốc gia đặc biệt trên Biển Ðông” trước đây của cánh làm báo Tây Ninh từ cảng Thị Vải, Vũng Tàu đều phải vượt trùng dương mất 14, 15 giờ. Mà tuyến ấy mùa nào cũng không thiếu gió lớn, đặt chân lên đảo cảm thấy mặt đất cũng chòng chành, cả ngày sau vẫn chưa hết say sóng.

Nhiều năm trước, tàu khách ra Côn Ðảo phải cập bến tại cầu tàu 914, ngay “mặt tiền” của thị trấn Côn Sơn (tên tỉnh cũ của hòn đảo do chính quyền Sài Gòn đặt). Nay thì cầu tàu 914 đã trở thành di tích lịch sử chỉ để tham quan, tàu khách chuyển sang cảng Bến Ðầm, bến tàu cá lâu đời của đảo được nâng cấp cho tàu lớn neo đậu.

Từ Bến Ðầm, chúng tôi đi xe taxi 7 chỗ vòng qua mũi phía Nam để sang thị trấn trung tâm ở phía Tây Côn Ðảo. Thị trấn nằm ở vị trí gần như thung lũng với ba phía núi non bao bọc, chỉ có một mặt giáp biển, nơi tập trung gần hết dân cư của huyện đảo. Có lẽ do vị trí hiểm trở như vậy, nên hơn một thế kỷ rưỡi về trước, chính xác là 156 năm, từ năm 1862, khi quân Pháp mới đặt chân đến nước ta, chúng đã chọn nơi hải giác thiên nhai này để làm nơi giam cầm những người Việt Nam yêu nước, dám gan góc chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Rồi từ đó, suốt 113 năm quần đảo xinh đẹp này- với Côn Sơn là hòn đảo lớn nhất, thực sự là nhà tù khổng lồ với đủ kiểu giam cầm, tra tấn dã man nhất đã diễn ra ở đây mà cho đến bây giờ các di tích lao tù vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Tác giả bên cây bàng di sản trong di tích trại tù Phú Hải.

Ngày nay, Côn Ðảo được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và phê duyệt quy hoạch tổng thể “xây dựng Côn Ðảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Ðảo.

Xây dựng Côn Ðảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển cả vùng của phía Nam Tổ quốc” (theo Quyết định số 264/2005/QÐ-TTg, ngày 25.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ).

Thực hiện quy hoạch đó, trong những năm qua, Côn Ðảo đã có những bước phát triển vượt bậc, mà sau hơn 10 năm trở lại Côn Ðảo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, không ngờ nơi từng là “địa ngục trần gian” đã trở thành “thiên đường du lịch” trong con mắt của khách du lịch quốc tế.

Ðặc biệt hơn, Côn Ðảo là địa phương duy nhất trong nước ta bộ máy chính quyền chỉ có một cấp - cấp huyện, trực tiếp quản lý 10 khu dân cư với chỉ hơn 8.000 người dân. Nhưng đây cũng chỉ là con số ước tính, còn theo dữ liệu quản lý dân cư của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì dân số Côn Ðảo năm 2016 chỉ có 6.600 người.

Vậy mà con số ước tính ấy so với trước khi có quy hoạch tổng thể đã tăng gấp 400%, vì từ ngày xoá bỏ chế độ lao tù cho đến thời kỳ bắt đầu phát triển, dân số Côn Ðảo vẻn vẹn có khoảng 2.000 nhân khẩu. Dân số thấp như thế, nhưng đất đai ở Côn Ðảo đắt kinh khủng.

Theo lời anh tài xế taxi vui tính, người tự nguyện trở thành hướng dẫn viên cho đoàn chúng tôi suốt gần hai ngày một đêm trên đảo, giá một nền thổ cư 100 mét vuông ở đây hiện là… 10 tỷ đồng, tính ra mỗi mét vuông có giá tới 100 triệu đồng.

Với định hướng được quy hoạch, năm 2017, cơ cấu phát triển kinh tế của huyện đảo đạt tỷ lệ dịch vụ - du lịch hơn 71%, công nghiệp khoảng 20%, còn nông nghiệp chỉ có chưa đầy 9%. Những con số phần trăm khô khan trên tài liệu này chỉ có ý nghĩa khi chúng tôi được biết, hiện nay về du lịch, mỗi ngày Côn Ðảo có tới 15 chuyến bay của 3 hãng hàng không Vietnam Airline, VASCO và Air Mekong chở trung bình 1.200 khách đáp xuống cảng hàng không Cỏ Ống; đường biển thì có 2 chuyến tàu khách giường nằm xuất phát từ Vũng Tàu và 1 chuyến tàu cao tốc xuất phát từ Sóc Trăng chở trung bình 800 khách đến Côn Ðảo.

Ngoài các dịch vụ phục vụ du lịch như 150 xe taxi, 20 xe điện, 30 khách sạn, resort và hàng trăm cửa hàng ăn uống, Côn Ðảo còn làm dịch vụ cung ứng tàu biển phục vụ hàng trăm tàu đánh cá từ các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ ghé qua. Ngày cao điểm mùa khai thác hải sản có tới năm, sáu ngàn tàu đánh cá cập bến Côn Ðảo để mua lương thực, thực phẩm, nước đá, nước ngọt dùng cho chuyến đánh bắt dài ngày.

Khu di tích Bãi Sọ Người - nơi những người tù chính trị đầu tiên thời chống Pháp bị thảm sát.

Hỏi thăm về thành phần dân nhập cư hiện chiếm hơn hai phần ba dân số trên đảo, anh tài xế taxi cho biết, phần lớn từ các tỉnh phía Bắc, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chúng tôi thăm dò, người ra ở đảo làm ăn dân tỉnh nào thành đạt nhất, anh tài xế trả lời không ngần ngại: dân Nam Ðịnh.

Hầu hết họ là người giàu sẵn trong đất liền, ra đây đầu tư xây khách sạn, buôn bán, vận tải, phục vụ du lịch. -Thế ai… nghèo nhất? -Bọn em đây chứ ai, cánh tài xế lái xe thuê, ở nhà thuê, ăn cơm bụi. Ðược cái, tuy vật giá đắt đỏ vì mọi thứ ở đây đều đưa từ trong đất liền ra, nhưng coi như bọn em đã là dân địa phương rồi, nên không phải chịu… “giá du lịch”. -Còn dân gốc tại địa phương thì sao? -Dân bản địa không đông lắm, phần lớn họ làm nghề nông và làm công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị huyện. Nhờ đất sản xuất quá ít, giá nông sản rất cao và có chế độ ưu đãi nên đời sống dân Côn Ðảo “chính chủ” chắc khá hơn bọn em nhiều.    

Thăm Côn Ðảo lần này, chúng tôi nhận thấy hoạt động du lịch ở đây hiện vẫn là du lịch về nguồn, thăm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, còn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở đây có lẽ chưa xứng tầm với vườn quốc gia được bảo tồn cả trên đất liền lẫn dưới biển.

Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ ở đây là du lịch về nguồn để phát huy truyền thống cách mạng ở Côn Ðảo lại mang “hơi hướm” du lịch tâm linh nhiều hơn. Không như ở Tây Ninh phân biệt rõ ràng: “Về nguồn” thì lên Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục, “tâm linh, tín ngưỡng” thì viếng núi Bà, Toà thánh Cao Ðài.

Ðiển hình của “xu hướng” này là việc khách du lịch Côn Ðảo đi viếng nghĩa trang Hàng Dương chủ yếu là viếng mộ Cô Sáu- Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu.

Không rõ từ đâu, từ lúc nào mà việc viếng mộ người nữ anh hùng hiện đang được tiến hành lúc… nửa đêm. Lễ cúng viếng có thêm mục “dâng sớ” cầu lộc, cầu tài, cầu bình an, công danh, thi cử… với đầy đủ các lễ vật. Ngoài hoa tươi và các món như nón lá, gương lược thường dùng của nữ giới như từ trước, do lượng khách du lịch tâm linh ngày càng đông nên dân phục vụ du lịch ở Côn Ðảo phát sinh thêm nghề bán đồ cúng với hàng chục cửa hàng kinh doanh, biển hiệu ghi rõ “nhận đặt viết sớ…, nhận đặt xôi gà, mâm vàng mã dâng Cô Sáu”.

Theo hướng dẫn của “người hướng dẫn tự nguyện”, chúng tôi sắm sửa các lễ phẩm (nhưng không đặt viết sớ) để đi viếng nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Anh tài xế taxi thấy chúng tôi có vẻ không đặt nặng vấn đề tâm linh nên gợi ý đi viếng sớm hơn, trước 0 giờ cũng được để… tránh “ùn tắc giao thông” trong nghĩa trang.

Thật vậy, chúng tôi đến bên mộ Võ Thị Sáu lúc mới 8 giờ tối, đã thấy lễ vật đặt kín chung quanh mộ và hàng người xếp hàng chờ cúng viếng. Ðến lượt chúng tôi thắp hương, tưởng niệm thì đã 10 giờ đêm. Và lúc này mới bắt đầu giờ cao điểm với xe cộ đậu kín bãi xe và lũ lượt dòng người đổ vào nghĩa trang.

Thăm Côn Ðảo trong vòng tròn một ngày đêm, chỉ kịp đến mấy điểm trên đảo như Nghĩa trang quốc gia Hàng Dương, Bảo tàng Côn Ðảo, các trại tù Phú Hải, Phú Tường, Phú Bình, Bãi Sọ Người, các ngôi thờ tự An Sơn miếu (thờ bà Hoàng Phi Yến), miếu Hoàng tử Cải, Vân Sơn tự (chùa Núi Một) và bãi Ðầm Trầu, bên cạnh sân bay Cỏ Ống, chúng tôi đã cảm nhận được sức sống mới, khởi sắc, mãnh liệt và đầy triển vọng ở Côn Ðảo.

Lần này đến Côn Ðảo, chúng tôi thấy nơi đây phát triển gấp mười lần trước. Lần sau có dịp đến nữa chúng tôi tin rằng nơi đây sẽ thực sự là “đảo thiên đường” thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

N.T.H

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục