Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Còn đó ba nỗi lo
Thứ sáu: 07:12 ngày 19/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngập nước, rác thải đô thị, lấn chiếm lòng, lề đường là những vấn đề đã được cử tri nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Rác thải bỏ tràn lan, bất chấp việc có bảng cấm.

Đến hẹn lại… ngập

Những năm gần đây, mỗi khi có mưa lớn, một số nơi ở huyện Hoà Thành, như đường Lý Thường Kiệt, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Nguyễn Văn Linh và ở TP. Tây Ninh như đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước trụ sở UBND phường Hiệp Ninh, phố Gia Long cũ, đường Yết Kiêu, ngã ba Giếng Mạch… đều bị ngập cục bộ. Sau nhiều nỗ lực khắc phục của ngành chức năng và chính quyền địa phương, năm nay, vào mùa mưa, tình trạng “đường biến thành sông” đã có phần giảm bớt.

Rõ rệt nhất là đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn phố Gia Long cũ. Đoạn đường này đã được nâng cấp, cải tạo lại mặt đường, xây dựng hệ thống cống thoát nước hai bên lề đường, nhờ vậy, nước mưa, nước thải sinh hoạt của những hộ dân đều được dẫn xuống rạch Tây Ninh. Ở những điểm ngập còn lại, tình hình rút nước sau mưa cũng được cải thiện đáng kể.

Nếu như những năm trước, sau cơn mưa, người dân thức sáng đêm chống chọi với ngập thì năm nay, chỉ một vài giờ sau khi dứt mưa, nước đã rút hết. Tuy nhiên, vẫn còn không ít “điểm đen” ngập nước, gây khó khăn cho giao thông và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Bà Lê Thị Dân An- Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, năm 2016, Sở đã tổ chức rà soát, đánh giá tình trạng ngập úng cục bộ tại thành phố Tây Ninh và các thị trấn còn lại trong tỉnh. Về nguyên nhân khách quan, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, như mưa với tần suất cao, kéo dài liên tục nhiều ngày với tổng lượng mưa lớn; triều cường, mực nước dâng cao và do xả nước từ kênh, suối (cụ thể như nước từ kênh Tân Hưng xả ra ảnh hưởng đến khu vực xung quanh hai đầu cầu Thái Hoà).

Nguyên nhân chủ quan: chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, thiếu trầm trọng hệ thống thoát nước đô thị; tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng. Trong khu dân cư diện tích sân nền được bê tông hoá, diện tích đất thẩm thấu tự nhiên bị thu hẹp dần. Các tuyến đường đất được cứng hoá, nhựa hoá nhưng chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước. Công trình xây dựng lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch, mương thoát nước làm cản trở, hạn chế, tắc nghẽn dòng chảy. Công tác bảo trì, nạo vét, tu bổ hệ thống thoát nước hiện có chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, định kỳ theo quy định.

Bà An chia sẻ thêm, trong năm 2018 vừa qua, UBND thành phố Tây Ninh và các huyện đã tổ chức thu gom rác; nâng cấp, nạo vét hệ thống thoát nước hiện có trên các tuyến đường; xây dựng mới một số hệ thống thoát nước tại các khu vực bị ngập nặng, kéo dài. Sở Xây dựng cũng đã tổ chức lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án chống ngập úng khu vực thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành; sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện các dự án thoát nước bảo đảm đồng bộ, bền vững.

Lấn chiếm lề đường buôn bán hàng hoá ở thị trấn Châu Thành.

Điệp khúc lấn chiếm lòng, lề đường

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, tiểu thương tiếp tục bày bán hàng hoá trên nhiều tuyến đường xung quanh chợ TP. Tây Ninh. Tương tự, trước chợ phường 3, phường IV hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài hàng rào Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, trước các khu công nghiệp, công viên… v.v… chưa thật sự thông thoáng.

Ông Lê Văn Đúng- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 18.7.2017 triển khai kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho các hộ kinh doanh mua bán ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên từng địa bàn, tháo dỡ và tạm giữ vật dụng vi phạm, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm hành chính...

Vì vậy, việc lấn chiếm, tái lấn chiếm có phần giảm bớt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn, như ý thức chấp hành của một số người dân buôn bán nhỏ ở các chợ tự phát dọc tuyến đường còn hạn chế; tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè vẫn còn diễn ra phức tạp khi vắng lực lượng xử lý, nhất là tại các khu chợ, bệnh viện, khu công nghiệp, công viên... ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị cũng như trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Việc buôn bán lưu động bằng xe đẩy, xe kéo diễn ra khá phổ biến, đa số là những hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định. Ban Quản lý các chợ chưa phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng các tiểu thương tự ý bày bán ra ngoài phạm vi của chợ và các tuyến đường xung quanh.

Thời gian tới, Sở GT-VT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra đường bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, các đơn vị quản lý đường bộ các huyện, thành phố trong việc xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép, vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ…

Đường biến thành sông ở huyện Hoà Thành (ảnh Hữu Đức).

Rác thải sinh hoạt vẫn còn bừa bãi

Dọc theo một số tuyến đường nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh chai nhựa, hộp xốp, bao nylon đựng rác thải quăng bừa bãi. Ở những khu vực ít dân cư, dễ dàng hình thành bãi tập kết rác tự phát. Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu là một bộ phận dân cư chưa tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; chưa có chế tài xử lý các hộ dân không đóng tiền thu gom xử lý rác và người dân lén lút xả rác không đúng nơi quy định; thiếu cán bộ bảo vệ môi trường. 

Trước tình hình trên, Sở TN&MT đã dự thảo văn bản trình UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh công tác quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể... trong việc tuyên tuyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đối với việc thu gom, xử lý rác thải.

Ngành TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; tổ chức các lớp tập huấn vê môi trường cho cán bộ cơ sở. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh việc thực hiện và nhân rộng các mô hình đã triển khai như: xây dựng nông thôn mới; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Xây đựng đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh”, “Phụ nữ tự quản về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị”. Chính quyền địa phương chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; quan tâm đến đấu thầu trong thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và phân bố kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho cấp xã.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh