Nhiều năm qua, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh thường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Có những mã ngành nhiều năm liền không mở được lớp.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục-Đào tạo, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay thành công trên nhiều mặt: số hồ sơ ảo đã giảm đáng kể khiến cho các trường ít phải bù lỗ về kinh phí, đề thi vừa sức với thí sinh và không có những sai sót lớn, các trường tổ chức thi nghiêm túc, số cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm kỷ luật giảm, tình hình an ninh, trật tự tại các điểm thi được bảo đảm…
Bức tranh chung...
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, khi các trường nhận hồ sơ đăng ký dự thi và đặc biệt là khi đã nắm được tình hình thực tế thí sinh dự thi, các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội đã cảnh báo về tỷ lệ chênh lệch của thí sinh dự thi vào các khối, trường, ngành. Đáng lo ngại nhất là số thí sinh dự thi vào ngành Khoa học xã hội & Nhân văn (KHXH) và ngành Sư phạm giảm sút trầm trọng. Cả nước chỉ có 92.249 thí sinh đăng ký thi vào ngành KHXH (tỷ lệ 4,7%) và 18.376 thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm (tỷ lệ khoảng 6%). Riêng Tây Ninh có 15.000 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng hơn năm 2010 khoảng 600 hồ sơ nhưng chỉ có 102 hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học KHXH và 104 hồ sơ dự thi vào đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (chưa tới 1%). Nhiều năm nay, các trường đào tạo nhóm ngành KHXH và Sư phạm thuộc loại hàng đầu cả nước ở các tỉnh, thành như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều rơi vào tình trạng giảm sút số thí sinh đầu vào. Có nhiều ngành như Lưu trữ học, Giáo dục học, Ngữ văn, Ngôn ngữ học, Ngữ văn Nga, Anh, Pháp, Hán Nôm… tỷ lệ “chọi” giữa các thí sinh chỉ dao động từ 1/0,27, 1/0,5 đến 1/1. Một số ngành không mở được lớp như Quản lý văn hoá, Công tác xã hội, Thư viện Thông tin… vì hầu như không có thí sinh đăng ký!
Nguyên nhân của tình trạng trên được các nhà quản lý lý giải là phạm vi ngành nghề thuộc khối KHXH và Sư phạm thường hẹp, việc làm không nhiều, thu nhập thấp và ít có cơ hội chuyển đổi. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan là các ngành nghề này chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho giảng dạy, nghiên cứu… vì thế không hấp dẫn người học. Tình hình chung của các trường lớn, trường trực thuộc Bộ như vậy thì các trường đại học và cao đẳng địa phương còn khó khăn gấp bội.
...và riêng ở Tây Ninh
Thí sinh dự thi vào Trường CĐSP Tây Ninh năm học 2011 - 2012 |
Nhiều năm qua, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh thường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Có những mã ngành nhiều năm liền không mở được lớp (như Quản lý văn hoá). Một số ngành như Thư viện Thông tin, Tiếng Anh, Tin học ngoài sư phạm tuyển được rất ít, khiến cho việc đào tạo tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng. Năm 2011, trường được giao chỉ tiêu là 340 cho hệ đào tạo trình độ cao đẳng. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi là 724, trong số đó chủ yếu là đăng ký vào Cao đẳng tiểu học và Tiếng Anh. Nhìn vào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi và số thực tế tham gia dự thi một số ngành rất đáng lo ngại. Ngành Nhạc- Công tác Đội chỉ có 30/38 thí sinh, ngành Thể dục-Công tác Đội có 26/37, ngành Mỹ thuật- Giáo dục công dân chỉ có 12/20, ngành Thư viện Thông tin chưa đến chục hồ sơ đăng ký… Tỷ lệ “chọi” của các ngành này rất thấp. Chất lượng của thí sinh dự thi chưa thể đánh giá được nhưng nếu theo quy chế của Bộ, muốn tuyển vào phải từ điểm sàn trở lên thì nguy cơ không mở được lớp hoặc buộc phải mở thì số lượng sinh viên/lớp sẽ rất thấp, chi phí đào tạo sẽ rất cao. Đành rằng có thể nhận chuyển nguyện vọng 2,3 từ các trường đại học hoặc cao đẳng khác về nhưng đối với các ngành liên quan đến năng khiếu như Nhạc, Hoạ, Thể dục… hy vọng này cũng không nhiều!
Một thực tế của ngành Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh là sau nhiều năm duy trì tình trạng bão hoà về nhu cầu giáo viên thì những năm gần đây, nhiều huyện thị đã bắt đầu thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn Nhạc, Hoạ, Thể dục, Tiếng Anh, nhân viên Thư viện… Nếu như sắp tới, bậc tiểu học thực hiện đại trà việc giáo viên dạy chuyên từng môn thì nhóm giáo viên năng khiếu lại càng thiếu trầm trọng.
Nỗi lòng người trong cuộc
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng giảm sút hồ sơ dự thi vào sư phạm nói chung và các môn Thể dục, Nhạc, Hoạ… nói riêng, những nguyên nhân chung vừa nêu trên đều đúng. Thế nhưng theo chúng tôi, cũng còn có một nguyên nhân khác. Trước đây, thí sinh đăng ký dự thi vào sư phạm khá đông. Những năm từ 1997 đến 2002, năm nào Trường Cao đẳng cũng phải tổ chức 3 điểm thi. Tỷ lệ chọi có ngành là 12/1, 7/1. Đó là do sinh viên khi ra trường đều được phân công công tác không sợ thất nghiệp. Còn nhiều năm nay, tốt nghiệp xong, sinh viên tự chạy vạy để tìm nhiệm sở và việc kiếm được một chỗ cho mình không hề đơn giản đối với các em. Rất nhiều sinh viên sư phạm, sau ba năm đèn sách, không xin được chỗ dạy, đành xin đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhiều sinh viên học các môn năng khiếu như Thể dục, Nhạc, Hoạ… ra dạy một thời gian thấy vất vả, kém hứng thú. Bạn N. dạy Mỹ thuật ở Châu Thành tâm sự: dạy vẽ cần đồ nghề, vật liệu như cọ, giấy, màu… mà những thứ đó không rẻ. Lương bọn em thấp, lấy đâu tiền mà mua sắm. Hơn nữa, học sinh ở vùng sâu đa số là nghèo, muốn yêu cầu các em có những vật dụng tối thiểu để thực hành cũng khó. Vì thế chủ yếu là dạy chay. Dần dần thầy không hào hứng dạy, trò cũng chán học. T. dạy Nhạc ở Dương Minh Châu cũng có ý kiến tương tự: “Học nhạc phải có nhạc cụ, phải có âm thanh, máy móc… mà một cây đàn không phải ai cũng sắm được. Bọn em cũng muốn làm được như các bạn dạy ở Thị xã, Hoà Thành nơi mà nhà trường có nhạc cụ để dạy và học… nhưng ở vùng nông thôn điều đó là quá khó…”.
Bao giờ...?
Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành Sư phạm đang kém hấp dẫn, không thu hút được người giỏi, người tâm huyết vào nghề. Cứ qua mỗi mùa tuyển sinh, xã hội và những người tâm huyết với nghề sư phạm lại băn khoăn, lo lắng cho ngành nghề, cũng như tương lai của đất nước. Một tin vui vừa được đông đảo giáo viên đón nhận: từ tháng 5.2011, ngành giáo dục có phụ cấp thâm niên. Mong rằng niềm vui đó đi cùng với sự đổi mới trong việc tuyển dụng giáo viên, sự đầu tư về trang thiết bị dạy học để giúp ngành Sư phạm có được vị thế tốt hơn, thu hút được nhiều học sinh giỏi vào sư phạm. Có thế giáo dục mới có thể làm tròn trọng trách “quốc sách hàng đầu”, đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
DIỆU MAI