BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Con đường đau khổ” ở một xã vùng biên

Cập nhật ngày: 05/09/2016 - 02:44

Đường huyện 13, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh.

“Tôi sinh ra, lớn lên và sinh sống ở đây, con đường này có từ lâu, nếu tôi nhớ không sai thì cũng đã hơn 20 năm, từ khi ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình hình thành” – anh Nguyễn Văn Hiền- một người dân ngụ ở ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành mở đầu câu chuyện về con đường đang xuống cấp trầm trọng chạy ngang qua nhà mình như thế.

Quá mệt vì đường xấu

Tuyến đường mà anh Hiền vừa nhắc có tên chính thức là đường huyện 13- người dân quen gọi là đường Hiệp Bình hoặc đường Tà Nông, thuộc địa bàn xã Hoà Thạnh. Theo anh Hiền, tuyến đường này xuống cấp đã lâu, người dân từng kiến nghị với ấp, ngành có trách nhiệm nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy gì đổi khác. Cũng theo anh Hiền, do đường xuống cấp nghiêm trọng nên đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân rất vất vả và tốn kém. Thương lái vào ấp mua các loại nông sản thường lấy cớ đường khó đi, xe hao tốn nhiều nhiên liệu… để ép nông dân hạ giá bán. Hàng nông sản ở đây chất lượng cũng như những nơi khác, nhưng giá bán thường thấp cũng chỉ vì đường khó đi. Thời gian qua có một số hộ do “chịu không thấu” đã chuyển đi nơi khác để sinh sống. Anh Hiền bày tỏ nguyện vọng: “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cho cải tạo gấp con đường để tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”.

Ngụ cùng ấp Hiệp Thành, chị Châu Thị Núi cho biết: “Nâng cấp con đường không chỉ để thuận tiện vận chuyển nông sản mà còn để lo cho tương lai của mấy đứa trẻ. Hằng ngày tui chở tụi nhỏ đi học tận ngoài trung tâm xã vất vả quá chừng. Cách nay ít hôm, một cô giáo vào dạy học tại điểm lẻ của Trường tiểu học Hoà Thạnh, do trời mưa, đường trơn cô té ngay trước nhà tui, cả người lẫn xe lấm lem bùn đất”.

Thấy phóng viên và cán bộ UBND xã ghé thăm nhà, ông Lê Văn Kim- Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Hiệp Bình tỏ ra vừa hào hứng lại vừa… bức xúc. Ông Kim cho biết, tuyến đường 13 đi qua hai ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình đặc biệt khó đi lại khi mùa mưa đến. Trước đây, vợ chồng ông đầu tư cho chăn nuôi. Hiện trong chuồng nhà ông có hơn một trăm con heo cả lớn lẫn nhỏ, heo thịt lẫn heo nái. Cứ khoảng sáu tháng một lần, có khi chỉ ba tháng ông lại bán một lứa heo. “Khi đến mua heo, bao giờ thương lái cũng chê: đường đi vừa xa vừa khó, nên yêu cầu hạ giá thì mới mua, không thì thôi. Tôi chấp nhận bán heo cho họ với giá thấp hơn thị trường từ 3% - 5%. Mà “thị trường” nào có xa xôi gì với nhà tôi, nó ở ngoài đầu đường chứ đâu” – ông Kim nói, vẻ không vui. Do tuyến đường quá xấu nên thời gian qua, một số hộ dân từng bám trụ, làm ăn ở ấp Hiệp Bình đã chuyển ra ngoài sinh sống. “Tôi làm công tác mặt trận nên tôi biết, trước đây, ấp Hiệp Bình có hơn 150 hộ, nay, theo sổ sách chỉ còn 132 hộ. Đó là con số thống kê trên sổ sách, có thể một số hộ đã di dời nhưng mình chưa cập nhật”. Ông Kim nhận định: giao thông bất tiện không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn kéo  theo nhiều hệ quả không ai trông đợi. Trước hết là chuyện học hành của con em cả hai ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình. Hằng ngày, các em học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đạp xe vượt qua quãng đường chỗ lầy lội, chỗ bụi bặm dài khoảng 7 cây số mới ra đến đường nhựa. Từ đây, các em đi tiếp chừng 3 cây số nữa mới đến được Trường THCS Hoà Thạnh hoặc Trường THPT Lê Hồng Phong. Riêng ở cấp tiểu học, trong ấp Hiệp Bình có một điểm lẻ thuộc Trường tiểu học Hoà Thạnh. Tại điểm lẻ này, ngoài số học sinh tiểu học còn có các bé học sinh mầm non. Bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, số học sinh mầm non của ấp không còn học ở điểm lẻ nói trên nữa mà được đưa ra học tập trung tại trường mầm non của xã. “Do trường mầm non chưa có bán trú, chỉ mới có loại hình học hai buổi một ngày nên hằng ngày các bậc phụ huynnh phải bốn lần chở con đi và về, vất vả vô cùng” – ông Kim than phiền. Và theo ông, nếu như trường mầm non của xã có mở lớp bán trú đi nữa thì cũng khó giải quyết vấn đề vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng các loại chi phí cho con học bán trú. “Tôi được biết, một số hộ trong ấp hiện không đủ kiên nhẫn để chở con ra xã học mầm non nữa. Các giáo viên ở khu vực trung tâm xã khi vào đây dạy học mỗi người thường phải đem theo hai bộ quần áo, một bộ mặc để đi trên đường, một bộ để thay trước khi đứng lớp. “Không chỉ cá nhân tôi mà mọi người dân trong ấp đều mong Nhà nước cải tạo gấp con đường để họ được yên tâm sinh sống, bám giữ đất quê hương” – ông Kim bày tỏ sự mong mỏi.

“Hôm nay nhà báo may mắn vì trời nắng, chứ gặp hôm trời mưa thì đôi giày của anh không được sạch sẽ thế đâu” – anh bộ đội biên phòng tên Nguyễn Văn Lộc đang công tác tại Trạm Kiểm soát biên phòng Hoà Thạnh vui vẻ bảo tôi. Trong bộ quân phục bám bụi đường, anh Lộc kể, nhà anh ở xã Hoà Hội, cách nơi công tác chừng chục cây số. Mặc dù nhớ vợ con nhưng mỗi khi được cấp trên cho nghỉ phép về thăm gia đình anh lại… ngán ngẩm khi nghĩ tới chuyện đường sá đi lại khó khăn.  Anh Viễn – người đang làm việc tại một chốt dân quân trong ấp Hiệp Bình cũng cho biết thêm, thấy đường hư hỏng, người dân lấy đá lấp “ổ voi”, nhưng không cải thiện được mấy vì hằng ngày các loại xe tải chở nông sản ra vào khá nhiều khiến cho đường đã xấu lại càng xấu tệ.

Ngoài chuyện đi lại, tuyến đường huyện 13 xuống cấp cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại ở một địa phương vùng biên giới. Chị Phan Thị Nguyệt, một người bán lẻ tại chợ Hiệp Bình kể về ngôi chợ nằm cách đường biên chỉ vài cây số: “Tui nhớ hồi đầu những năm 2000, chợ đông vui lắm, nay vì đường sá hư hỏng nên nhiều hộ tiểu thương từng thuê ki-ốt tại chợ để kinh doanh đã phải bỏ đi nơi khác. Cả dãy ki-ốt đóng cửa gần hết rồi. Tui được biết, một số hộ đã chuyển lên kinh doanh ở tận Kà Tum (Tân Châu). Hồi trước, cứ mỗi sáng, xe máy dựng đầy chợ, nay không có người, chợ vắng, buôn bán ế lắm”. Chị Lê Thị Đầm- người có thời gian dài làm chủ một vựa thu mua lúa ở khu vực chợ Hiệp Bình cũng kể rằng, hồi đường còn dễ đi lại, người dân ở nước láng giềng Campuchia sang đây mua bán rất đông vui. Chị Đầm thường mua lúa ở Campuchia về chợ Hiệp Bình, sau đó, bán lại cho các đầu mối khác tại địa phương. Thời gian qua, cũng do đường xấu khiến việc vận chuyển lúa trở nên khó khăn, tốn kém nên chị đành phải ngưng kinh doanh lúa để chuyển qua… bán nước mía. “Nhưng bán nước mía cũng khó, vì bà con người Campuchia từ bên kia biên giới sang đây mới là khách hàng chính, nay họ ít qua, buôn bán ế quá trời”- chị Đầm nói. Bà Nguyễn Thị Bạch, người chuyên mua quần áo cũ ở chợ Long Hoa (Hoà Thành) đem về bán ở chợ Hiệp Bình cho biết, cách nay vài tháng, trong lúc chở hai bao quần áo về gần đến chợ Hiệp Bình thì bà bị té, vì đường trơn trợt, lầy lội. Cú té ngã không chỉ khiến hai bao quần áo dính đầy bùn đất mà còn làm cho bà bị đau chân cả tháng trời chưa khỏi.

Một số ki-ốt của chợ Hiệp Bình đã đóng cửa.

Cần khoản tiền gần 260 tỷ đồng

Tình trạng xuống cấp trầm trọng của con đường huyện 13 đi vào hai ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình đã được đề cập cách nay khá lâu. Ngày 12.8.2015, ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đã ký văn bản gửi HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề nghị triển khai xây dựng đường Tà Nông, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh. Văn bản có nêu: “Đường Tà Nông, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành (đường vào cột mốc quốc gia 147 – 148) nằm trong hệ thống các đường biên mậu, UBND tỉnh giao Sở Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư. Tuyến đường độc đạo này đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không thể đảm bảo giao thông được. Tại các đợt tiếp xúc cử tri hai xã Hoà Thạnh và Thành Long, cử tri kiến nghị ngành chức năng sớm nâng cấp sửa chữa để đảm bảo cho công tác an ninh biên giới, đồng thời nhân dân đi lại được thuận lợi. UBND huyện Châu Thành kiến nghị HĐND, UBND tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai xây dựng tuyến đường nói trên”. Chỉ một ngày sau khi nhận được văn bản của UBND huyện Châu Thành, ngày 13.8, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông – Vận tải sớm tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng tuyến đường Tà Nông nhằm bảo đảm yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự biên giới nói chung, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri địa phương. 8 ngày sau, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản báo cáo HĐND và UBND tỉnh xung quanh việc đầu tư tuyến đường Tà Nông. Tại văn bản này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đường Tà Nông (tức đường huyện 13) là một trong những tuyến đường nằm trong dự án đường ra cửa khẩu phụ phát triển biên mậu được UBND tỉnh giao Sở Giao thông – Vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trong năm 2015. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án do kinh phí lớn (khoảng 258 tỷ đồng), trong giai đoạn 2011 – 2015 nguồn ngân sách tỉnh chưa cân đối được. Thực hiện quy định tại Luật Đầu tư công, năm 2015 dự án này tiếp tục được HĐND tỉnh cho chủ trương đưa vào chuẩn bị đầu tư để triển khai thực hiện vào năm 2016 và những năm tiếp theo của giai đoạn 2016 – 2020.

Như vậy, kế hoạch, chủ trương đầu tư xây dựng con đường dẫn vào hai ấp Hiệp Thành và Hiệp Bình (hai ấp cùng nằm trên một tuyến đường, ranh giới là một cây cầu) đã được đề cập đến cách nay một năm. Gần đây nhất, ngày 11.8.2016, UBND huyện Châu Thành tiếp tục có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh đề nghị ưu tiên xây dựng con đường này để tạo thuận lợi cho cư dân biên giới đi lại, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng.

VIỆT ĐÔNG