Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi vừa gặp một con đường mới ở ngay thành phố của mình thôi. Mọi ngày tôi vẫn đi trên con đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Lợi, Nguyễn Chí Thanh hoặc các con đường trong khu dân cư số 1, phường 3. Phố thì chất ngất cửa nhà, la liệt các cửa hàng đủ loại.
Nơi thì mườn mượt cỏ hoa, có chỗ còn đẹp hơn cả công viên thành phố, như đường Lê Duẩn chẳng hạn. Giữa đường có cả một vườn hoa, rung rinh những sắc hoa muồng vàng, bông chuối đỏ trên nền hoa cỏ đậu vàng ươm. Chỉ hơi tiếc cho cây phượng trên đường ấy năm nay hoa ít quá, không như năm ngoái hoa bay trong gió tả tơi rồi rắc cánh xuống đỏ đường.
Đường mới tôi gặp chắc còn rất ít người biết tới. Đấy là con đường nối từ đường Nguyễn Văn Tốt chạy ngang qua xóm người Chăm thuộc khu phố 2, phường 1, chạy xuyên về hướng xã Bình Minh. Đầu kia là đường Huỳnh Công Nghệ, nối đường Trần Văn Trà chạy dọc xã Bình Minh đi ra đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Con đường dài, tính theo đồng hồ trên xe máy là gần 1,4 cây số, thênh thang hai làn xe ô tô đã trải đá nhựa chạy êm ru.
Chưa thấy báo nào đưa tin đường đã hoàn thành hay chưa. Chỉ biết người dân đã chạy xe máy vô tư, thoải mái hít thở một thứ không khí trong lành không thể có trong các phố người đông như đã kể. Ở đây chưa có cây cao như những hàng cây đô thị, cũng chưa có điểm trang cỏ hoa như nhiều phố trong kia, bù lại là màu xanh bất tận của những rẫy mì. Còn xa xa, những bức trường thành cây cao su như để giúp tầm mắt ta bớt mỏi. Chỉ còn thấy nổi lên sau bức tường xanh ấy vài ngôi nhà cao như khách sạn Vinpearl, ngân hàng Vietin hay Sacom…
Đường mới không thẳng băng, mà có một khúc lượn quanh rất điệu hình chữ S. Chính nơi ta cần giảm tốc cho xe ấy, lại nổi lên một dáng hình khác của núi Bà Đen, lồng lộng dưới trời mây. Đường còn chưa có tên? Dĩ nhiên. Nhưng ở phía đầu nối với đường Huỳnh Công Nghệ, ai đó đã gắn lên tấm biển nhỏ màu xanh, ghi là hẻm số 1- đường Huỳnh Công Nghệ. Thì ra với Huỳnh Công Nghệ, đây là giao lộ đầu tiên.
Chẳng biết có phải để chào mừng sự kiện này không mà ở góc ngã ba ấy bừng lên sắc tươi hồng của một loài hoa lạ. Tôi đã tìm nhà mấy lão nông ở gần đấy, hỏi tên cây mà chẳng ai biết tên gì. Chỉ biết cây và tán lá hơi giống loài phượng vĩ. Cái vồng cây cao ngang cột điện, tán xoè tròn, như cái nơm khổng lồ úp xuống vài chục mét đất ấy lại rực hồng lên sắc hoa anh đào Nhật Bản mà người ta mới trưng ra ở Hà Nội, Quảng Ninh dạo đầu năm.
Từng bông hoa năm cánh rung rinh. Bông cũng có hai màu, hồng thì như cánh sen hồng, trắng thì phớt hồng như một sắc đào phai miền Bắc. Mà nhất là chùm nhị vàng đài các, nhìn kỹ thì y như một dáng hình chim phượng thường thấy trong các đình chùa. Hoa thơm lạ thơm lùng, khiến cả bầy bướm trắng bay rập rờn tán loạn, cánh như muốn lẫn vào hoa. Chợt ước, các nhà quản lý hoặc nghiên cứu cây xanh đô thị mà đem cây ấy trồng trên con đường mới, chắc chắn sẽ có một phố mới đặc biệt và đầy bản sắc.
Lại nói về cái tên, con đường mới kia sẽ là hẻm hay đường? Nếu là hẻm thì các nhà soạn từ điển tiếng Việt phải sửa ngay từ hẻm đã in trong từ điển tiếng Việt hiện hành. Bởi hẻm, là: “con đường nhỏ hẹp, hai bên có nhà”. Tôi đã gặp những con hẻm thênh thang mà tịnh không một bóng ngôi nhà. Như các hẻm số 1, số 2 trên trục đường vào xã Tân Bình, chỉ toàn mì, mãng cầu, cao su cư trú. Và con đường mới này đây, bắt đầu từ trước quán cà phê sinh thái bến Trường Đổi chạy lên, tới khi ta gặp một vồng hoa cùng bướm trắng rập rờn… Mà nếu không sửa từ điển, thì chắc phải đổi hẻm thành đường.
Thành phố có thêm những con đường mới thế này, lại càng là một thành phố sinh thái và đáng sống, đúng như người ta mong ước về thành phố của mình trong một ngày mai. Đã ước thì ước luôn một thể. Vì tôi đã nghe rằng, từng có quy hoạch những hồ nước điều tiết cho rạch Tây Ninh ở khu vực này đây. Giá mà có dự án hồ nước nữa thì chính là nơi đây sẽ có một không gian lung linh, rạng ngời cây xanh và bóng nước. Sẽ như một chốn thần tiên khi vừa có những cây hoa lạ, vừa có núi Bà cùng mây trắng đến soi gương.
NGUYỄN