Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Con kênh xanh xanh
Thứ bảy: 10:23 ngày 15/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thế hệ trên dưới tuổi 50 bây giờ, nhiều người vẫn nhớ câu hát của một thời chưa xa. Ðấy là: “Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/ Chỉ có nắng hè nóng bỏng…”.

Họ đã từng hát như sóng cuộn, như triều dâng trên các công trình thuỷ lợi lòng hồ Dầu Tiếng vào những năm đầu thập niên 1980. Và cho đến bây giờ, khi những dòng kênh đã đầy ắp, lao xao nước chảy thì câu hát ấy vẫn ngân nga những kỷ niệm đẹp nhất của một thời- thời con người khao khát cống hiến và sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới.

Kênh Tây. Ảnh: Ð.H.T

Giờ đã đến lúc người Tây Ninh hưởng thụ những thành quả của những kỳ tích ấy- những dòng kênh xanh!

Có người sẽ cười và bảo: chuyện cũ quá rồi! Thì chúng ta vẫn hưởng thụ đấy thôi. Chúng ta vẫn luồn ống qua bờ kênh lấy nước vào cho ắp đầy những hồ cá. Vịt thả ở trên và cá lội bên dưới. Mô hình vườn- ao- chuồng này cũng đã có từ lâu. Lại có cả những người cứ vắt ống qua các bờ kênh, lấy nước chảy tràn sang ruộng rẫy. Thì kênh Ðông cứ lừng lững trên cao trong khi ruộng rẫy của mình thấp hơn, nước tha hồ mà lấy. Và cả hàng ngàn cây số kênh cấp I, II, III, IV cứ băng ngang, xẻ dọc đồng đất Tây Ninh.

Chỗ nào mà chẳng thể lấy nước về tận ao hay rẫy vườn nhà. Ruộng một vụ thành ba. Rẫy cũng thâm canh được tới mấy mùa. Phải kể đến chuyện này là bởi có một thông tin mới đây. Vào ngày 22.3 vừa qua- Ngày Nước thế giới, mới biết là Việt Nam ta vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước trên thế giới. Bởi bình quân toàn thế giới mỗi người dân có đến 4.000m3; trong khi bình quân tại Việt Nam mỗi người dân chỉ có 3.600m3. Thông tin này nhắc người Tây Ninh đừng xài phí phạm nước Lòng Hồ, coi đó như thứ của trời cho.

Nếu việc sử dụng nước cho nông nghiệp và công nghiệp là chuyện cũ thì lại có chuyện mới đây! Công nghiệp không khói đang phát triển. Ðâu đâu cũng nô nức làm du lịch. Vậy sao không du lịch theo những dòng kênh xanh, đang chảy chan hoà khắp đất Tây Ninh? Mà nơi nào có dòng kênh đi qua, ngày nay đều đã xanh mướt các rẫy vườn, đã thầm thĩ xanh non hay vàng đồng lúa chín. Ngay đến cả trâu bò, dê, vịt cũng muốn được chăn thả phía bờ kênh.

Dạo tết năm Thân (2016), báo Tây Ninh có bài mô tả tuyến du lịch kênh Ðông. Nhưng đấy mới chỉ là một trong những dòng kênh cơ bản có thể cải biến sâu sắc một miền tiểu khí hậu. Nếu như kênh Ðông chỉ dài 36,2km trên đất Tây Ninh và còn nữa xuống Củ Chi thì kênh Tây dài tới 40km chảy dài khắp miền tả ngạn sông Vàm Cỏ Ðông.

Rồi kênh Tân Hưng phóng sang phía Tây, nơi có những vùng rừng giáp miền biên giới. Kênh này dài xấp xỉ 30km, chảy ngang qua Căn cứ địa Trà Vong thời kháng chiến chín năm. Cả những dòng kênh cấp I, cấp II nữa như TN17 chảy ngang đất Tua Hai- Ðồng Khởi; kênh TN10 qua miền phủ cũ An Cơ, nơi Khâm Tấn Tường dấy binh chống Pháp bất chấp lệnh vua giao đất miền Ðông cho giặc. Rồi kênh TN 19 chảy ngay qua ấp Vịnh để về gần Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành thời chống Mỹ.

Ở phía Nam tỉnh, cũng là các dòng kênh nhánh của kênh Ðông: kênh N15 xộc vào tận Sóc Lào, Trảng Cỏ kề bên Căn cứ Bời Lời của Tỉnh uỷ Tây Ninh và Thành uỷ Sài Gòn- Gia Ðịnh. Kênh N26 chảy ngang qua những Bàu Mây, An Quới sừng sững một tượng đài bất tử Rừng Rong. Cứ dọc các bờ kênh mà đi, ta sẽ thấy văng vẳng bên tai những địa danh lịch sử. Nói như Trần Bạch Ðằng, tức nhà thơ Hưởng Triều thì: “Lịch sử vọng vang trên từng mô đất”.

Vậy thì, khoác ba lô lên vai đi hỡi bạn! Trước hết, khi còn chưa có tour, tuyến nào thì ta đi phượt. Cứ theo các dòng kênh mà đi, người Tây Ninh có thể du lịch đến cả năm không hết. Mà ở đâu cũng rừng, cũng trảng, hoặc rẫy cao su, rẫy mì mía ngun ngút xanh suốt những cung đường.

Theo kênh Tây mà đi, sẽ qua những Suối Ðá, Phan, Chà Là, Bàu Năng của huyện căn cứ địa lẫy lừng một thời miền Ðông gian lao mà anh dũng. Cũng xin nói trước, rằng kênh Tây không có mây trời in bóng nước thênh thang như ở kênh Ðông. Ðấy là do kênh Tây chỉ có nhiệm vụ chính là thuỷ lợi nên vẫn bờ kênh đất.

Do vậy mà dòng kênh thường thấy đầy những lục bình và rong nước. Kênh Tây vắt ngược lên qua những Ninh Sơn, Tân Bình của TP. Tây Ninh, nơi thường thấy núi Bà như cô gái xoã mái tóc mây soi bóng nước. Vừa qua khỏi bóng núi Bà, nhà thiết kế năm xưa đã kẻ một nét ngang; để kênh Tây thẳng tắp qua những Suối Ông Ðình của Trà Vong sang Hảo Ðước của Châu Thành, tới tận bờ sông Vịnh.

Bạn muốn theo kênh Tân Hưng ư? Thì cứ theo đường tỉnh lộ 785, cách TP Tây Ninh chừng 20 cây số. Nơi ấy có kênh Tân Hưng chạy cắt ngang đường. Muốn lên mộ Quan lớn Trà Vong thì cứ theo bờ kênh phía trái. Lên tới ấp 3 giữa mênh mông bạt ngàn mì, mía, cao su hoặc những vườn dưa hấu sẽ thấy ngay khu dinh và mộ. Dòng kênh này cũng là một điều ngẫu nhiên lý thú.

Thoạt tiên, mục đích của nó chỉ là dẫn nước về cho những cánh đồng mía của nhà máy đường Bourbon (nay là Thành Thành Công). Giờ đây, nó đã trở thành nguồn sống cho biết bao ruộng rẫy, cây trồng khác của dân cư một miền đất cao vốn từng khô khát. Ðầu phía bên Ðông là những xóm làng Chăm có nóc thánh đường cùng những nụ cười mủm mỉm các cô nàng khăn thêu che gần kín mặt.

Ở đằng đầu phía Ðông lại là một xóm Khmer có cái tên rất cổ mà mộc mạc: Chót Mạt. Nơi đây còn lưu giữ trong lòng một ngôi tháp gạch hơn 1.200 năm tuổi. Gần đấy có một bến sông trên dòng rạch Vịnh gọi là Bến Thứ. Tương truyền đây là nơi “Quan lớn em” Huỳnh Công Nghệ đóng quân, bảo vệ cho lưu dân khai phá lập ấp làng từ hơn 250 năm trước. Dân địa phương quanh đây cũng đã lập miếu, quanh năm nhang khói phụng thờ ông.

Cầu Máng (xã Tân Bình, TP. Tây Ninh). Ảnh: Ð.H.T

Còn biết bao chuyện có thể kể, hoặc “khoe” về những dòng kênh xanh quê tôi. Mà chỉ với một vài nơi từng qua, đã để lại trong tôi những ấn tượng tuyệt vời của Tây Ninh thời hiện tại. Như kênh Ðông từ Phước Minh chảy dọc dải đất phía Ðông Tây Ninh mấy chục cây số nước luôn đầy ắp, trong veo không một cọng rác. Ðó đây là những vườn cao su, vườn nhãn và lúa đồng xanh tít tắp chân trời.

Ngay bờ đê kênh Ðông, có thể gặp những vạt cỏ may vàng rực, những thảm hoa cỏ hôi tim tím như vừa sa một đám mây trời. Ðôi khi là những góc rừng già hoặc một ngôi miếu cổ. Như ở kênh N26, đoạn gần Khu di tích Rừng Rong, An Tịnh, Trảng Bàng… Bên kia là Bàu Mây, bên này là An Quới. Một dòng kênh xanh chảy giữa đôi bờ xóm mạc nồng hậu và đơn sơ. Góc nhìn nào cũng là một bức tranh phong cảnh tuyệt vời: cây cầu bê tông bắc qua kênh giữa con đường uốn lượn. Bờ kênh đỏ au màu sỏi đỏ như hai dải lụa mềm ai đó mắc ra phơi.

Rồi kênh TN17 trên này, phía các xã Thái Bình, Ðồng Khởi của huyện Châu Thành cận kề bên Thành phố. Còn nhớ mãi hình ảnh dòng kênh ăm ắp nước đầy vắt ngang con đường 781, xuyên qua Suối Dộp sang Ðồng Khởi- Tua Hai. Có chỗ lao xao vịt bơi trên dòng nước in bóng trời xanh mây trắng.

Kênh Tân Hưng, đoạn từ đường 785 đi lên Trà Vong lại trực chỉ núi Bà, nên lúc nào ngoái lại cũng thấy mặt nước in bóng núi đẫm xanh trên nền mây trắng. Cầu kênh lênh khênh, nước chảy róc rách dưới chân cầu là nơi nhiều cặp đôi sắp cưới thích thú tới đây chụp ảnh. Phong cảnh thiên nhiên lộng lẫy nơi đây là bát ngát rừng cao su, rẫy mía, nương  mì.

Và ngay cả những con kênh, có lẽ không thuộc cấp nào nữa là những mương cống hộp dẫn nước dọc ngang khắp các nẻo đồng quê. Tôi đã gặp những con mương này ở mọi nơi, từ ấp Bàu Năng của xã biên giới Long Phước, Bến Cầu. Hoặc ở Thanh Ðiền, Châu Thành và ngay cả khu phố 2, phường 1 trên đường ra dinh thờ Quan Lớn Trà Vong. Những cống hộp chỉ rộng 40cm đến 60cm, chảy lăn tăn một làn trong vắt, gợi lại trong ta những kỷ niệm tuổi thơ ngắt lá làm thuyền, cùng bè bạn í ới gọi nhau đuổi bắt.

Có một bài ca do nhạc sĩ Ngô Huỳnh viết từ năm 1949 mà đến nay có người vẫn hát. Người nghệ sĩ ấy đã mơ: “Con kênh xanh ơi, dập tàn chinh chiến khắp nơi/ Bên nhau ta xây trọn bài tình ca thắm tươi”. Giấc mơ này đã có mặt ở khắp nơi, trên miền đất Tây Ninh dằng dặc những chiến khu, căn cứ địa của hai thời kháng chiến. Khoác ba lô lên và đi! Hỡi các bạn đã từng mến yêu và gắn bó với Tây Ninh.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục