Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mùa hè, học sinh, sinh viên giã từ trường lớp, trở về gia đình nghỉ ngơi. Các em đều có nhu cầu vui chơi, tập luyện thể thao, sinh hoạt hè. Thực tế cho thấy, mỗi khi đến hè, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em là mối bận tâm của nhiều phụ huynh; trong khi đó, hoạt động ở các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng (VH,TT&HTCĐ) chưa đồng đều.
Thanh niên xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh thi đấu giao lưu bóng chuyền (ảnh chụp ngày 27.6)
Có nơi nhộn nhịp…
Thời điểm này, Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Tân Bình (TP. Tây Ninh) là một trong những nơi có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi nhất mà chúng tôi ghi nhận được. Chiều 27.6, đến Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Tân Bình, chúng tôi gặp một nhóm nam thanh niên chia thành 2 đội thi đấu bóng chuyền. Bên ngoài sân, một số bạn cùng trang lứa đang khởi động để sẵn sàng vào chơi. Em Lê Vũ Hùng, nhà ở ấp Tân Lập cho biết, tranh thủ thời gian nghỉ hè, chiều nào Hùng cũng đến Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã để chơi bóng chuyền cùng bạn.
“Trước đây ở xã chưa có sân bóng chuyền, em chỉ biết ở nhà chơi với mấy anh em hay rủ nhau đi câu cá”- Hùng cho biết. Cạnh sân bóng chuyền là sân bóng đá mini có hàng chục học sinh, sinh viên đang được anh Bùi Thanh An hướng dẫn kỹ thuật đá bóng. Nguyễn Tân Phú- sinh viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh nói: “Từ hôm nghỉ hè, chiều nào em cũng đến đây học bóng đá. Được chơi bóng cùng bạn bè trong xóm, em rất vui, tinh thần thoải mái”.
Nói về việc duy trì hoạt động thường xuyên của Trung tâm, ông Nguyễn Thành Sơn- Giám đốc Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Tân Bình cho biết, năm 2020, được ngành cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp các hạng mục sân bóng đá, bóng chuyền, khu thể thao cho người cao tuổi và một số hạng mục khác, hằng ngày, rất đông người dân địa phương đến trung tâm tập luyện thể dục thể thao. Trên cơ sở đó, Trung tâm thành lập đội bóng đá, bóng chuyền U15 để phát triển phong trào thể dục thể thao của xã.
Ngoài ra, Trung tâm còn có các lớp võ Karatedo, Vovinam, câu lạc bộ yoga, hát với nhau. Các lớp, câu lạc bộ này đều có hàng chục học viên thường xuyên tập luyện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Trung tâm VH,TT&HTCĐ chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi giải trí của đông đảo người dân trong xã. UBND xã đã đề xuất ngành cấp trên đầu tư xây dựng cho Tân Bình một sân bóng đá 11 người. Bước đầu đã xây dựng khuôn viên, hàng rào, khu vệ sinh nhưng chưa có sân cỏ nên đến nay sân bóng đá này chưa hoạt động được.
Về kinh phí hoạt động, ông Sơn cho biết, Trung tâm được phân bổ kinh phí hoạt động 40 triệu đồng/năm, trong đó bao gồm chi trả các khoản tiền điện, nước, mạng internet, văn phòng phẩm và tất cả các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của Trung tâm. “Nguồn kinh phí này rất ít, không bảo đảm hoạt động của Trung tâm. Đơn vị đã kiến nghị cấp trên tăng kinh phí hoạt động mỗi năm từ 150 triệu đồng trở lên”- ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Thành phố sẽ tập trung đầu tư các công trình như xây dựng sân bóng đá xã Tân Bình với kinh phí 1,39 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hoá ấp Tân Trung, xã Tân Bình, kinh phí 798 triệu đồng; cải tạo và sửa chữa 3 nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá dân tộc xã Tân Bình, kinh phí 1,65 tỷ đồng; cải tạo và sửa chữa 4 nhà văn hoá ấp, Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Thạnh Tân, kinh phí 2,594 tỷ đồng; cải tạo nhà văn hoá dân tộc Khmer xã Thạnh Tân, kinh phí 806 triệu đồng; cải tạo và sửa chữa 2 nhà văn hoá ấp và Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Bình Minh, kinh phí 1,379 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục vận động xã hội hoá đầu tư các cụm trò chơi cho trẻ em, các thiết bị tập thể dục, thể thao ngoài trời lắp đặt tại công viên, địa điểm công cộng trên địa bàn Thành phố.
Nhiều nơi vắng lặng
Đối với những xã chưa được công nhận xã nông thôn mới, các Trung tâm VH,TT&HTCĐ gần như vắng lặng. Đơn cử như ở xã Hảo Đước của huyện Châu Thành. Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã toạ lạc trong khuôn viên trụ sở UBND xã Hảo Đước. Hiện các phòng chức năng của Trung tâm xuống cấp khá nghiêm trọng, la phông hư hỏng, nhiều nơi bị dột nước mưa làm ướt tường. Ngoài hành lang, nền gạch bị nứt, bể, cỏ mọc. Trước Trung tâm là nhà để xe của UBND xã, khiến diện tích của Trung tâm vốn nhỏ hẹp lại càng chật chội hơn. Trung tâm không có sân bóng đá, bóng chuyền, cụm trò chơi ngoài trời. Chiều ngày 28.6, chúng tôi tìm hiểu thực tế ở đây, không thấy người dân nào đến Trung tâm vui chơi giải trí.
Đối với 9 xã nông thôn mới của huyện Châu Thành là An Bình, Thanh Điền, Thái Bình, Hoà Hội, Ninh Điền, Hoà Thạnh, Phước Vinh, Thành Long và Biên Giới đều được xây dựng trung tâm VH,TT&HTCĐ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).
Ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Châu Thành, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao có phần đầy đủ, nhưng hoạt động hè chưa thật sự sôi động. Đơn cử như Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Thái Bình có sân bóng đá, sân bóng chuyền, cụm trò chơi ngoài trời, hội trường và các phòng chức năng.
Chiều 29.6, chúng tôi đến trung tâm, không thấy ai đến đây chơi đá bóng, bóng chuyền, chỉ có vài người ngồi đong đưa ở cụm trò chơi ngoài trời. Trong khuôn viên Trung tâm còn nhiều phần đất trống đang cho người dân địa phương thuê trồng rau.
Chị Lưu Thị Ngọc Nhung- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho hay, hằng năm, Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn còn thiếu những trò chơi dành cho thiếu nhi như bập bênh, xích đu.
Diện tích Trung tâm còn rộng, UBND xã cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về đất trồng trọt thuê lại với giá rẻ để trồng rau xanh. Những vườn rau này còn là nơi để Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên các tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Hoà- Phó trưởng Phòng Văn hoá - Thể thao huyện Châu Thành cho biết: hiện nay, thiết chế văn hoá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành và thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động chung của các trung tâm VH,TT&HTCĐ. Nhiều hội trường xuống cấp, mái tôn bị dột, bàn ghế, trang thiết bị âm thanh, dụng cụ âm nhạc, dụng cụ thể dục thể thao đã cũ. Các xã chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; việc huy động kinh phí xã hội hoá trong hoạt động văn hoá, thể thao còn nhiều khó khăn.
Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở còn khiêm tốn
Nói về hoạt động văn hoá, thể thao hè cho thanh thiếu niên, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, Tây Ninh có 1 nhà văn hoá tỉnh, 9 trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện, 94 trung tâm VH,TT&HTCĐ cấp xã, 301 nhà văn hoá ấp, 12 nhà văn hoá dân tộc và 2 nhà văn hoá thiếu nhi đang hoạt động.
Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu sân chơi của các thiết chế văn hoá trong tỉnh còn khá khiêm tốn. Vừa qua, Sở VH,TT&DL có cuộc khảo sát để tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng thiết chế văn hoá. Qua đó, Sở đánh giá hoạt động của các Trung tâm VH,TT&HTCĐ không hiệu quả. Lý do: kinh phí cấp cho các đơn vị này rất thấp. Nội dung hoạt động còn rập khuôn. Ví dụ, trung tâm VH,TT&HTCĐ ở các thị xã, thành phố và các xã vùng sâu đều cùng một nội dung hoạt động như nhau.
Về nhân sự, các trung tâm VH,TT&HTCĐ cấp xã không có cán bộ chuyên trách mà bố trí nhân sự bên ngành Giáo dục sang phụ trách. Ngoài ra, còn có một số trung tâm VH,TT&HTCĐ xây dựng ở vị trí xa khu dân cư, không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt; việc kêu gọi xã hội hoá cũng khó khăn.
Ông Hùng cho biết thêm, trên cơ sở đánh giá những mặt được và chưa được, sắp tới Sở VH,TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp bố trí ngân sách để xây dựng trung tâm VH,TT&HTCĐ ở những địa phương còn thiếu trung tâm; nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở vật chất các thiết chế văn hoá chưa đạt chuẩn.
Về nội dung hoạt động, Sở đang phối hợp các sở, ban, ngành nhằm tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả để vận dụng vào địa phương; phát huy vai trò của từng đơn vị, huy động sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá đã được đầu tư. Đồng thời rà soát bổ sung quỹ đất để xây dựng 15 trung tâm VH,TT&HTCĐ cấp xã đang sinh hoạt ghép.
Đại Dương