Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Còn khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Thứ hai: 05:10 ngày 10/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở TN&MT, quá trình triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Công tác cứu hộ động vật rừng, nhất là các loài nguy cấp, quý hiếm ở địa phương thời gian qua chưa tốt do chưa có trung tâm cứu hộ, không có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này, nên có một số trường hợp động vật rừng sau khi các cơ quan chức năng bắt giữ đã bị chết hoặc sức khoẻ yếu, không thể thả về môi trường tự nhiên.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Theo cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học (ĐDSH) của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, xây dựng, cho đến nay, hệ thực vật rừng đã tổng kết được khoảng 700 loài với đại diện của 5 ngành thực vật, 60 bộ, 116 họ và 396 chi. Hệ động vật đã ghi nhận được 149 loài chim thuộc 15 bộ và 40 họ; 56 loài bò sát, thuộc về 2 bộ, trong đó, bộ có vảy (Squamata) có số loài chiếm đến 92,9%.

Có 18 loài bò sát quý hiếm, trong đó 9 loài nguy cấp và loài rắn hổ mang chúa đang là loài cực kỳ nguy cấp. Bên cạnh đó cũng ghi nhận được 29 loài thú của 7 bộ. Những loài thú của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đang bị đe doạ nghiêm trọng vì tác động của con người và môi trường phát triển ngày càng xấu đến vùng cư trú. Một số loài nguy cấp như voọc chà vá chân đen, voọc bạc, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ, dơi chó tai ngắn, sóc bay đen trắng…

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 286 cơ sở, hộ gia đình gây nuôi động vật rừng đang hoạt động, trong đó có 153 cơ sở, hộ gia đình gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (trừ gấu) với hơn 46.900 cá thể (có 4 cơ sở gây nuôi, kinh doanh số lượng nhiều), còn lại là nuôi nhỏ lẻ, số lượng cá thể ít; ngoài ra có 2 hộ gia đình nuôi 2 cá thể gấu ngựa.

Nhìn chung, hoạt động gây nuôi động vật rừng của hầu hết các cơ sở, hộ gia đình đều chấp hành đúng quy định trong việc khai báo tăng, giảm đàn như chết, hao hụt, sinh sản hoặc được mua từ nơi khác. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng còn một số hộ gia đình, cơ sở gây nuôi thực hiện lưu trữ hồ sơ, ghi chép sổ nhập, xuất chưa đúng quy định như ghi thiếu, thất lạc hồ sơ… đã được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Công tác quản lý trại nuôi động vật hoang dã của cơ quan chức năng gặp một số khó khăn như xác định năng lực sinh sản, sinh trưởng, hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh lây từ người sang động vật và ngược lại… nguyên nhân do chưa được trang bị kiến thức về đặc tính của các loài động vật hoang dã được gây nuôi.

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường- Công an Tây Ninh đã phát hiện và xử lý 37 vụ và 37 đối tượng, trong đó, 29 vụ về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, 8 vụ về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Kết quả xử lý hình sự 6 vụ 11 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 31 vụ 26 đối tượng với tổng số tiền 233 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2008 - 2016, Sở TN&MT, Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thường xuyên chủ động tổ chức hoặc tổ chức lực lượng phối hợp gồm lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia, lực lượng Biên phòng, Dân quân các xã trú đóng trên địa bàn tiến hành các đợt tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn các tác động gây hại đến môi trường sống cũng như các hoạt động săn bắn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nằm trong Công ước Cites về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, Sách đỏ thế giới, Sách đỏ Việt Nam, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên còn được thực hiện thông qua các dự án bảo tồn, triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học.

Nhận rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học (ĐDSH) với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, trong nhiều năm qua, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn ĐDSH.

Đồng thời, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18.3.2013 và Kế hoạch 430/KH-UBND, ngày 24.2.2016 của UBND tỉnh Tây Ninh (về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18.3.2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) để cụ thể hoá tổ chức thực hiện nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên nhiên, khai thác sử dụng hợp lý bền vững, bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, các đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân Luật ĐDSH, tầm quan trọng của việc bảo tồn ĐDSH, các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản; các tác hại của loài ngoại lai xâm hại đối với môi trường; không thực hiện các hành vi nuôi, trồng, phát tán, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại và ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái với quy định của pháp luật...

Từ năm 2009 đến nay, các đơn vị đã thực hiện được trên 70 cuộc tuyên truyền trực tiếp đến người dân, có hơn 5.000 lượt người tham dự. Sau khi được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của người dân và đặc biệt là các đối tượng có hoạt động nuôi trồng động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã được nâng lên; hoạt động của các đối tượng này về cơ bản là tuân thủ đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Theo Sở TN&MT, quá trình triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Công tác cứu hộ động vật rừng, nhất là các loài nguy cấp, quý hiếm ở địa phương thời gian qua chưa tốt do chưa có trung tâm cứu hộ, không có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này, nên có một số trường hợp động vật rừng sau khi các cơ quan chức năng bắt giữ đã bị chết hoặc sức khoẻ yếu, không thể thả về môi trường tự nhiên.

Theo quy định tại điều 10 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10.8.2006 của Chính phủ, chủ trại nuôi phải có đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, kỹ thuật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, chăm sóc loài vật nuôi và ngăn ngừa dịch bệnh. Đây là yêu cầu rất khó đáp ứng trên thực tế, vì hiện nay, người dân gây nuôi động vật rừng chủ yếu là nhỏ lẻ, họ tự nghiên cứu và trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm gây nuôi, không có điều kiện để được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn ĐDSH còn rất hạn chế so với nhu cầu công tác bảo tồn hiện nay. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Vườn quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc điều tra, thống kê danh mục loài, các hoạt động nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng hệ sinh thái, tình trạng loài, nhất là đối với những loài đặc hữu, quý hiếm chưa cao. Việc xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật có liên quan còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân đã được triển khai thường xuyên, nhưng đa số các vụ vi phạm là những hộ dân nghèo sống trong vùng đệm vườn quốc gia, nên khi người dân vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật ĐDSH, lực lượng quản lý bảo vệ rừng rất khó khăn trong việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, tài nguyên động, thực vật rừng Tây Ninh khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ngồn vốn quý đã bị suy giảm nhiều, dù đã được bảo vệ tốt nhưng vẫn đang bị đe doạ. Do đó, việc giữ gìn, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên này là cực kỳ quan trọng và là nhiệm vụ cấp thiết cần được các ngành, các cấp quan tâm.

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục