Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyện ngắn
Con Mực ngày xưa
Chủ nhật: 08:18 ngày 22/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trời đã khuya. Con Mực kiệt sức nằm bất động. Lúc bấy giờ, tôi chưa nhận biết ra điều thiêng liêng, con Mực đã cứu giúp con người thế nào. Và tôi đã đứng tần ngần như thế cả đêm dài ngoài hiên, cùng con Vàng, nghĩ về con Mực, thương cảm nó thật nhiều.

Xe lên đến xóm nhà thương. Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm. Con Mực cũng lăng xăng, chạy đi chạy lại như mừng vui cùng với chủ. Mẹ tôi vỗ vỗ vào đầu nó, nói giọng rất yêu thương: “Công đầu thuộc về Mực đó nhe”- vì nó đã sủa liên hồi như gặp phải ma, làm cho viên cảnh sát phải bỏ đi xuống không kiểm tra kỹ trong xe.

Thế là kế hoạch mẹ tôi lo cho cậu tôi trốn dưới sàn xe, theo về Long Hoà trốn lính coi như đã thành công. Từ đấy tôi bắt đầu cuộc sống xa quê hương xứ Trảng thân yêu. Xa những kỷ niệm trong veo của một thời thơ dại bé bỏng, đầy ắp yêu thương của mọi người thân.

Ngày đầu về ở chỗ mới. Thấy con Mực thường nhìn về xa xôi, tôi nghĩ nó nhớ về quê. Chắc là vậy- ở đó chiều chiều nó tập họp bạn cùng trang lứa lại vui chơi thoả thích. Có lúc nó hè nhau cùng chạy thi với chúng bạn, qua chiều dài hàng chục hec-ta đất trải rộng liền kề, trong khu dân cư ấp chiến lược Suối Cạn- đến thè lưỡi bất phân thắng bại.

Khi thì nó tận hưởng không khí trong lành trên trảng Bàu Tre, mỗi khi chiều buông xuống, trên mênh mông đất rẫy trồng đầy hàng bông, nào đậu đũa, bí đao, cà chua, cà nâu, bí đỏ... với màu xanh nối tiếp màu xanh đến tận chân trời. Có khi nó tụm năm, tụm ba, như để cùng bàn nhau với bạn nó về chuyện- tối nay lén ngủ ở lại trong vườn, để cùng mẹ tôi chuẩn bị kêu công gặt lúa cho ngày hôm sau; hay vào ấp chiến lược ngủ như mọi ngày rồi mai lại ra. Ánh mắt nó đăm chiêu nhìn tôi đã biết ngay.

Nhưng nó thích nhất vẫn là ở lại trong vườn nhà ban đêm, nhất là những đêm sáng trăng tháng bảy. Nó tha hồ chạy rong sáng đêm ngoài xóm với bạn bè. Khổ nỗi vài ba ngày dưới quận, lính Sài Gòn bắn lên liên tục, có khi cả vài mươi trái mọt-chê, cuộc sống người dân luôn bị đe doạ. Lúc về thị tứ ở, dù bạn bè có đông hơn, nhưng nó không vui, vì không thích đám bạn mới, luôn quanh quẩn trong nhà, xa lắm là đi đến đầu đường- cuối xóm.

Một vài lần nghĩ đến, thấy thương con Mực phải theo chủ xa quê, xa bạn bè. Tôi cảm nhận được tâm trạng con Mực. Tôi thấy Mực có vẻ thích nhất con Vàng gần nhà ở mới, làm bạn được với nó. Bộ lông nó vàng sậm như một khối bánh kem to tướng, không có một vết bẩn nào dù rất nhỏ. Mực bộ lông cũng luôn mướt rượt, đen bóng, hôm nào tối trời không ai nhận ra được nó.

Con Vàng lại được chủ nhà tắm rửa, chăm sóc hằng ngày nên lúc nào nhìn bộ lông nó cũng có độ bóng bẩy mượt mà. Đặc biệt, nó thường hay được ăn cơm cùng với chủ. Mấy bạn trong xóm nhìn nó đều tôn là hàng công tử quý phái- vì bộ dạng nó rất sang trọng. Từ lúc quen với con Mực,  con Vàng có vẻ đằm thắm hơn.

Đêm sáng trăng. Tôi cùng các bạn mới đi chơi xa. Phong cảnh hữu tình mê hồn đến thế nào không biết, chúng tôi lạc vào một bãi tha ma. Mọi vật ẩn hiện dưới trăng đêm, khi mờ khi tỏ, bởi những áng mây che khuất. Những lùm cây dại của khu rừng chồi hoà trong màn sương đêm mờ ảo, cảnh vật trông kinh dị. Động mả ngày xưa chôn cất đâu có hàng lối gì.

Nhóm bạn tôi định thần xem mình đang ở đâu, đường về là lối nào? Mọi suy nghĩ đang trong trạng thái mơ màng, không định hướng. Thoạt nhìn lại sau lưng phía xa xa, tôi thấy con Vàng và con Mực. Tôi mừng thầm vì xưa rày trong hoàn cảnh nào, nó luôn gần gũi tôi vẫn an tâm hơn. Sau này mẹ tôi kể lại: “Tối hôm đó, mẹ đi thăm ông chú của con trên đường về- chỉ là bên này và bên kia đường. Gặp con Mực đứng xớ rớ, nghĩ chắc là nó hẹn với con Vàng, mẹ bảo: Đi về con.

Nó lặng lẽ đi vào nhà. Chờ lúc sau mẹ vờ không quan tâm đến, nó nhón nhén đi ra”. Mẹ tôi để yên theo dõi thấy con Vàng như nguýt háy con Mực nhà tôi. Chắc để nó chờ lâu. Con Mực phải giả lả nó mới chịu đi cùng. Chính đêm đó, chúng nó âm thầm đi theo anh em bạn của tôi xuống tận Bàu Nhái- cách nhà hàng chục cây số.

Tôi thấy chúng vào trong, một khu đất trống. Ở đó một đám mấy mươi đồng loại của nó thân thể dơ bẩn, bốc mùi tanh hôi. Ở xung quanh có một đống xí quách ngổn ngang, chắc là chúng vừa dùng xong “yến tiệc”. Chúng nhìn nhau ngỏ ý đồng tình gây hấn với con Vàng và con Mực. Thoạt nhìn cảnh tình, con Mực nhà tôi có vẻ phân vân “tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng nó kịp sĩ diện, lấy thế- vểnh tai lên, vươn vai ra oai, tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương.

Tôi còn nghe thấy tiếng: “Gâu- gâu, Ừ.ừ.ừ....gâu...gâu. gâu.g...â..u..â.u”. Bọn nó sủa lên dậy trời. Bất ngờ dàn hàng ngang dùng sức tổng hợp của số đông, chặn con Vàng và con Mực gào lên: “Gâu...gâu...gâu....”. Tôi tưởng tượng chúng nó hô to: “Ê, bắt chúng nó nhốt lại tụi bây ơi!”. Sau tiếng gào đó, cả nhóm lao vào như kiến cỏ, đánh đá túi bụi. Con Mực đánh nam dẹp bắc. Hết tả xung rồi hữu đột, từng chạy đường dài ở dưới quê nên bọn này không tài nào làm lại nó. Cả bọn bị đẩy lùi xa dần- hàng ngũ tan tác.

Tội cho con Vàng. Lúc đầu tham chiến, đấu đá cũng bài bản. Đánh dẹp từng đối phương một, đến lúc xáp lá cà nó không đủ sức chống cự- nên bị đánh gục. Con Mực vừa ra sức chống trả, vừa bảo vệ cho bạn, vừa áp chế phá thế tấn công của cả bọn nơi bãi tha ma rộng lớn, suýt hụt cả hơi. Nó vừa kịp định thần, rít một tiếng thật dài sẵn sàng đánh trả. Bọn nó bước tới một hai bước, phải lùi ba bốn bước. Rồi hè ra thở dốc.

Con Mực lao thẳng tới, đánh trả không khoan nhượng. Đúng là kẻ chiến thắng có khác. Mặt nó vênh váo lên, như cảnh cáo từng cá thể, đến khi cả bọn lùi xa, thật xa. Nó mới chịu đưa cái lưng cho con Vàng tựa, để cùng lần mò hướng về nhà. Chúng tôi chỉ biết xớ rớ, né qua, tránh lại chủ yếu đừng để thương tích, không giúp ích gì được cho con Mực và con Vàng trong lúc bọn nó ẩu đả với những con chó nơi nghĩa trang. Tàn “cuộc chiến” chúng về đến nhà thì trời đã gần sáng.

Trong lúc tôi đang mơ màng vào giấc ngủ. Trời lờ mờ sáng. Tôi nhìn thấy con Mực siêng năng chăm sóc vết thương cho bạn. Nó thè lưỡi liếm vào những chỗ trầy xướt, máu khô đọng giọt của con Vàng, như chia sẻ sự đau đớn cùng bạn mình. Vàng yếu đuối, rên từng hồi, mỗi khi bạn chạm đến vết thương. Cả hai ngủ thiếp đi. Trong lúc đang say giấc có lẽ nó đâu nghe được hai bà chủ tâm tình. Bà thì cao giọng nói: “Chắc mắc cặp đâu rồi bị người ta đánh cho thân tàn ma dại”. Bà thì nói: “Chị xích nó lại đi. Tui cũng nhốt con Mực lại. Không khéo nó tiếp tục đi nữa, người ta thịt mất cho coi”. Thời gian lặng lẽ trôi qua.

Trong một đêm gần giáp tết. Trong giấc ngủ say nồng. Tôi mơ thấy mấy người hoá trang mình mẩy đen thui như lọ nghẹ, lần dò đi trong sương đêm. Tôi đoán biết ngay là mấy ông giải phóng nguỵ trang. Ở dưới quê thấy riết rồi quen. Linh tính cho tôi biết: - Sắp có đánh nhau. Tôi rùng mình. Lúc này tôi tỉnh giấc. Mắt nhắm, mắt mở. Trời còn tờ mờ sáng.

Nghe tiếng súng nổ ở xa vọng lại. Rồi tiếng đại bác gầm rú ì đùng. Nghe rất gần. Chiến sự xảy ra nơi xóm nhà thương của tôi. Khói bay vào tận trong nhà. Thì ra những gì trong giấc mơ của tôi, chính là cảnh đánh nhau từ bên ngoài- trong lúc tôi say ngủ, hoạt động trí não làm tôi lầm tưởng là giấc mộng. Nhưng ấy lại là thực tế đang xảy ra. Chúng đan xen hoà quyện nhau khó nhận biết được.

Trời hừng sáng. Tiếng súng ngưng. Gia đình tôi tản cư theo chỉ dẫn của mấy ông giải phóng quân. Tôi nói với mẹ:- “Còn chiếc xe đạp mẹ vừa mới mua cho con hôm qua thì sao hở mẹ?”. Mẹ tôi nói trong tiếc nuối vô vọng: “Bỏ đi con, nhanh lên kẻo không kịp”. Trong dòng người ly loạn, một số người xuôi theo bên phải lên hướng Bắc vào chùa tị nạn. Một số khác đi ra bên trái, ra ngoài bưng để tránh bom.

Không biết tự lúc nào con Vàng đi theo cùng gia đình tôi. Đến nơi. Nó sợ ngồi cúm rúm cạnh mẹ tôi như chờ sự che chở. Cụp cái đuôi co quắp lại- không còn lanh lợi như trước. Trông thương quá. Nó sợ. Còn con Mực lạc đi đâu- giờ vẫn không thấy bóng dáng. Đến nơi nghỉ tạm, mẹ tôi trải chiếc đệm ra bìa rừng ngồi nhóng lên, nhóng xuống xem có gặp được con Mực không, và nghe xem tiếng súng dứt chưa, tối đến, thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng súng nổ đâu đó không nhận rõ phương hướng.

Tưởng đến đêm không còn giao tranh, nào ngờ vẫn còn vài trận xáp lá cà xảy ra đâu đó nghe rát quá. Từng chập súng nổ vang vội. Có lúc rộ lên liên hồi- đôi ba lần. Đến sáng mới dừng hẳn. Mẹ tôi đi vòng sang các nơi trú ngụ khác tìm xem có gặp con Mực không, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy.

Đến xế chiều. Cuộc chiến tết Mậu Thân tàn dần. Các anh giải phóng quân rút về cứ từ nhiều hướng. Mẹ tôi và gia đình, hàng xóm quảy gánh về nhà. Xóm nhà thương của tôi cháy rụi. Mấy chục căn nhà còn đang nghi ngút khói. Vậy mà mẹ tôi không quên tìm con Mực. Ông Sáu tôi nói: “Chú vừa gặp nó ở đâu đây mà. Người nó mang đầy thương tích. Coi chừng nó chết đâu đó”. Theo lời ông Sáu, mẹ tôi lại đi tìm. Cậu Út tôi bỗng hô lên: “Nó về kìa”. Cả nhà chạy đến đỡ nó lên. Nó không còn sức để đi, lăn ra trong vòng tay của mẹ tôi. Băng bó vết thương cho nó xong, mẹ tôi đổ cho con Mực ít sữa. Nó lịm đi nhưng đuôi còn ngoe nguẩy. Con Vàng nằm bên bạn mà hai hàng nước mắt cứ rơi.

Tỉnh dậy. Con Mực gượng chạy đi một lúc lại dừng và sủa lên, mẹ tôi chạy theo. Cứ như vậy, con Mực dừng đến bốn năm chặng đường- tính ra cả bốn năm mét. Rồi dừng lại gần bụi chuối, trong mảnh đất bỏ hoang cuối xóm. Mẹ tôi đã kịp chạy đến nơi. Thì ra ở đây, còn ông giải phóng quân bị thương, đang nằm mê man. Ông bị gãy xương đùi và trên đầu đầy vết máu đã khô đi. Mẹ tôi hoảng hốt, âm thầm gọi thêm người cùng đến để đưa ông về nhà, trời đã tối mịt. Mẹ tôi cùng mọi người chăm lo sơ cứu- chữa vết thương cho ông. Nửa khuya có người bí mật đến cảm ơn mẹ tôi, và xin được đưa ông về cứ.

Ông choàng tỉnh, biết được chuyện, ông thì thào: “Cảm ơn chị nhiều”. Mẹ tôi xúc động: “Chúc anh chóng lành vết thương, sớm tai qua nạn khỏi”. Trời đã khuya. Con Mực kiệt sức nằm bất động. Lúc bấy giờ, tôi chưa nhận biết ra điều thiêng liêng, con Mực đã cứu giúp con người thế nào. Và tôi đã đứng tần ngần như thế cả đêm dài ngoài hiên, cùng con Vàng, nghĩ về con Mực, thương cảm nó thật nhiều.

Tưởng mọi việc đã êm xuôi. Đâu trong đêm một toán lính Sài Gòn đến nhà- nơi còn cảnh màn trời chiếu đất, bắt mẹ tôi đi đến sáng vẫn chưa trả về, làm cả nhà lo lắng. May mà đến trưa hôm sau họ mới thả mẹ tôi về. Thì ra họ đánh hơi, biết mẹ tôi cứu giúp thương binh giải phóng. Mẹ tôi đã phải chịu một trận đòn đến rũ người ra. Tội là mẹ tôi khai thật tất cả việc cứu người.

Những năm sau 1975, mẹ tôi thường nhắc nhớ: “Thương con Mực đã làm tín hiệu gọi mẹ theo nó, đến cứu ông giải phóng quân thoát được đói khát và cái chết cận kề. Tội nghiệp, bây giờ không biết ông ấy còn sống hay đã chết!?”. Tôi cũng bồi hồi: “Ừ, sao hồi đó mình không nhận ra Mực biết quan tâm đối với con người, hành động rất khôn ngoan của nó, mà con người rất quý mến”. Và hôm nay, mẹ tôi kể cho người khách lạ tìm đến nhà mình. Cũng từng ấy nội dung nhưng tâm trạng vồn vã, có phần phấn khích hơn, như linh cảm điều gì đó, khi ông ta hỏi đến người thương binh trong trận Mậu Thân ngày ấy.

Vị khách bất chợt chiều cuối năm của gia đình tôi, tuổi đã ngấp nghé bảy mươi, người to cao, dáng gầy nhưng chất lính hãy còn trong phong cách của ông. Ông ngồi im thin thít như nuốt từng câu chữ, chuyện về con Mực khôn ngoan và cảnh tình những ngày chiến tranh xảy ra nơi xóm nhà thương. Đôi mắt ông rươm rướm nước mắt. Ông đưa tay lau vội hốc hác của mình. Người đến từ cuộc chiến xa xưa, của một thời khói lửa, loạn lạc, mất mát, đau thương.

Ông nghẹn ngào hỏi mẹ tôi: “Mới đó mà tròn năm mươi năm phải không chị. Chị có biết người thương binh năm đó là ai không?”. Mẹ tôi mắt mờ, tay lia lia chiếc gậy tre, vô tư nói: “Từ đó đến giờ có thấy người ấy trở lại đâu mà biết, anh ta ở đâu, không biết giờ còn sống hay đã chết”. Ông bước đến ôm chầm lấy mẹ tôi, nói trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Giọng đứt quãng: “Tui là... người giải phóng quân, chị đã cứu mạng năm xưa nè... chị. Quê tôi ở xứ Trảng, miệt Thạnh Bình thuộc, giáp với đất bạn Campuchia. Sau nhiều năm bỏ công đi tìm, nay mới được gặp chị”.

Mẹ tôi giọng xúc động nói: “Vậy sao? Tôi cũng quê xứ Trảng nè, nhưng dưới miệt Tịnh An. Bỏ quê lên trên đây lánh nạn, để coi... à từ cuối năm Đinh Mùi đến giờ. Quê ngoại tôi cũng ở Thạnh Bình- có khi tìm hiểu ra mình dòng họ cũng nên. À, từ lúc xảy ra chiến tranh năm Mậu Thân, gia đình tôi chuyển nhà đi nhiều nơi, cũng loanh quanh thị trấn này thôi nên ông tìm không gặp là phải. Ờ mà.... thực ra con Mực nhà tôi đã cứu ông đấy chứ!”. “Dạ... tôi cũng không bao giờ quên được ơn con Mực khôn ngoan của nhà chị... tiếc rằng ngày tìm gặp chị nó đã không còn. Từ đó đến nay tôi không hề dùng đến món thịt cầy. Như để tưởng nhớ đến người ân đã cứu mình”.

Rồi ông nhanh tay lấy trong túi áo ra chiếc điện thoại gọi để hỏi về tung tích người thân của mẹ tôi, đã thất lạc hơn nửa thế kỷ qua. Cuộc trao đổi điện thoại vừa dứt ông vui mừng báo tin cho mẹ tôi: “May duyên quá chị ơi! Người thân của chị chính là  người em cột chèo với tôi đó chị à”. Và ông đã hứa với mẹ tôi: “Tôi sẽ về bên ấy đưa đứa em cột chèo qua bên này, hội ngộ với chị ngay trong ngày đầu xuân này chị nhé”. Mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, không giấu được niềm vui mừng hội ngộ sắp tới trong ngày xuân đến: “Được vậy tôi mừng lắm lắm”.

Anh giải phóng quân năm xưa trân trọng chào mẹ tôi ra về: - Tôi về đây chị ơi! Mình hẹn ngày gặp lại. Chị cố giữ gìn sức khoẻ nhe chị. Mẹ tôi lắng theo lời nói người khách ngày nào: - Chú về thượng lộ bình an nghe hôn...

N.K

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục