Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Vừa qua báo Tây Ninh có đăng một bài viết nói về sự chờ đợi của giáo viên và học sinh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2015. Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn đang tiếp tục thu nhận ý kiến của dư luận về bản dự thảo tổ chức kỳ thi nói trên. Vấn đề này được nhiều thầy cô và học sinh quan tâm với ít nhiều băn khoăn, lo ngại.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Châu Thành) trong đợt tư vấn tuyển sinh năm 2013.
Những câu hỏi chưa có lời giải đáp
“Nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn tự chọn cho kỳ thi năm 2015, kết quả cho thấy, ngoài 3 môn bắt buộc, đa số học sinh chọn hai môn Hoá học và Vật lý để dự thi” - ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Hoà Thành) cho biết như thế. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có 10 lớp 12, tổng cộng gồm 400 học sinh.
Theo quy định, học sinh dự thi tối đa là 8 môn (gồm cả kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh đại học), tuy nhiên, mỗi học sinh của trường chỉ chọn tối đa 5 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Các thầy cô Trường THPT Nguyễn Chí Thanh thể hiện sự băn khoăn, có phần lo lắng về cấu trúc đề thi bởi “Hiện nay dạy thì cứ dạy chứ chưa ai hình dung đề thi sẽ như thế nào” - ông Tài nói.
Đóng góp cho hai bản dự thảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, ông Tài đề nghị nên cho phép thí sinh bảo lưu phần điểm thi tốt nghiệp trong trường hợp học sinh không trúng tuyển vào đại học. Trước thông tin nhiều trường cao đẳng, đại học sẽ căn cứ vào học bạ để tuyển sinh, ông Tài nêu thắc mắc: “Với những học sinh lưu ban thì lấy kết quả học bạ của năm học nào để xét tuyển? Cần phải quy định rõ điều này trong quy chế tuyển sinh”.
Bình luận về việc tổ chức một kỳ thi để phục vụ cho hai mục đích, ông Tài cho rằng không cần thiết phải tổ chức kỳ thi THPT nữa, bởi vì mấy năm nay tỷ lệ tốt nghiệp đều từ 90% trở lên. Do đó, kỳ thi này chỉ cần giao cho tỉnh thực hiện xét công nhận, còn thi tuyển sinh đại học thì trường đại học tự tổ chức.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Bến Cầu), ông Huỳnh Văn Nghĩa- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: do học lực yếu nên học sinh đã theo học các môn thi tự chọn từ đầu năm học. Nhà trường yêu cầu các em cố gắng học đều các môn, vì kết quả học tập của năm lớp 12 còn liên quan đến xét công nhận tốt nghiệp.
Theo ông Lê Viết Thắng- Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh (TP. Tây Ninh), trường này đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn tự chọn từ hồi tháng 10.2014. Trong số 12 lớp của khối 12, phần lớn học sinh đăng ký chọn học thêm các môn liên quan khối A và A1, riêng khối C chỉ có 1 lớp. Ông Thắng cho biết thêm, ông vừa tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 dành cho giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại đây, rất nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở giáo dục và trường phổ thông đã nêu lên những mối quan tâm, lo âu về kỳ thi nhưng chưa nhận được câu trả lời thoả đáng từ Bộ Giáo dục - Đào tạo. “Bộ nói là đề thi bao gồm kiến thức của cả lớp 11 và lớp 12, nhưng lại chưa trả lời cụ thể bao nhiêu phần trăm kiến thức ở lớp 11, bao nhiêu phần trăm ở lớp 12. Giáo viên cần biết điều này để mà dạy nhưng câu hỏi này chưa được trả lời”- ông Thắng kể.
“Ngoài 3 môn thi bắt buộc đang được dạy tăng cường, các môn còn lại phải đến đầu tháng 3 nhà trường mới tổ chức dạy”- ông Quách Văn Minh- Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Tân Biên) thông tin. Theo ông Minh, trường chưa vội tổ chức dạy các môn tự chọn là vì năm nay kỳ thi diễn ra muộn hơn nhiều so với năm trước. Theo như thông báo của Bộ thì đầu tháng 7.2015 mới tổ chức kỳ thi.
Ngoài những băn khoăn chung, thầy trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh còn có những khó khăn riêng. Ông Nguyễn Văn Ẩn- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: hiện nay điều quan tâm nhất của thầy trò nhà trường là chưa biết địa điểm thi ở đâu, trong hay ngoài tỉnh để lo nơi ở và đặc biệt là chuyện ăn uống cho những học sinh theo đạo Hồi. Ông nói: “Lo nhất là trường hợp học sinh phải đi thi ngoài tỉnh, sẽ rất vất vả”.
Một số học sinh lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho rằng, điều các em quan tâm nhất hiện nay là tính công bằng, khách quan của kỳ thi. Theo ý kiến của học sinh Nguyễn Thị Thanh Tuyền, trong kỳ thi sắp tới, học sinh học khối D sẽ phải “cạnh tranh” cao bởi 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh lại trùng với 3 môn thi của khối D. Với Hà Chí Thiện và Trần Văn Toàn- bạn cùng trường của Tuyền, việc tổ chức hai kỳ thi trong cùng một thời điểm sẽ gây phiền phức, nếu như học sinh phải đến tỉnh khác dự thi.
Theo nữ sinh Đặng Thị Bích Trâm, hiện em và các bạn lo nhất về khâu ra đề thi, bởi vì chỉ có một đề nhưng lại dùng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, không rõ tỷ lệ phân chia như thế nào? Bích Trâm cho rằng, điều quan trọng nữa là làm sao bảo đảm tính công bằng, khách quan trong việc sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Bởi tuy học sinh lớp 12 học chung một chương trình, thi cùng một đề nhưng ở phần xét học bạ thì có sự khác biệt giữa trường phổ thông công lập và trường ngoài công lập. “Học bạ của các bạn học ở trường ngoài công lập thường “đẹp” hơn học bạ ở trường công lập, đó là một lợi thế của các bạn ấy khi các trường đại học, cao đẳng dùng học bạ làm căn cứ tuyển sinh”- Bích Trâm bày tỏ sự âu lo trước khả năng nhiều trường ngoài công lập sẽ “khuyến mãi khủng” điểm học tập cho học sinh cuối cấp.
Giáo viên không còn mùa hè
Theo thông tin chính thức thì kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2015 sẽ tổ chức vào thượng tuần tháng 7. Điều này có nghĩa gần như giáo viên không được nghỉ hè, vì thi xong còn phải tham gia chấm thi và nhiều công việc khác. Theo biên chế thời gian năm học thì cuối tháng 5 là kết thúc năm học nhưng năm nay thời gian năm học trên thực tế có thể sẽ kéo dài đến ít nhất giữa tháng 7. Đang có ý kiến băn khoăn rằng, khoảng 20.5 là tổng kết năm học nhưng đến đầu tháng 7 kỳ thi mới được tổ chức, vậy trong khoảng thời gian đó, giáo viên dạy lớp 12 làm việc gì, chế độ thực hiện ra sao, học sinh nghỉ ở nhà chờ đến ngày thi hay vẫn đến trường để học?
VIỆT ĐÔNG