BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làng Thanh niên lập nghiệp Ninh Điền:

Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ 

Cập nhật ngày: 18/05/2019 - 07:01

BTN - Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, về cơ bản đời sống các hộ dân ở Làng thanh niên dần ổn định. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần sớm tháo gỡ để người dân yên tâm định cư; và để dự án phát huy hiệu quả, đúng mục đích.

Nơi đây từng là trường mẫu giáo của Làng thanh niên Ninh Điền.

LÃNG PHÍ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền được Ban Bí thư Trung ương đoàn phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 17 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của người dân.

Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6.2010, với diện tích thực tế được Tỉnh đoàn nhận là 178 ha, nằm trong khu vực biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia. Trong đó, 18 ha xây dựng khu dân cư và các công trình công cộng, 160 ha đất sản xuất nông nghiệp. Dự án đã tuyển chọn được 99 hộ thanh niên đến sinh sống, lập nghiệp tại làng.

Các hộ gia đình thanh niên đến sinh sống ở đây được cấp đất sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở trị giá 20 triệu đồng/căn. Cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng khu trung tâm của Làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng khang trang gồm: nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo, khu vui chơi thể thao, trạm y tế, nhà làm việc Ban quản lý dự án…

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, một số hạng mục công trình thuộc dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền chưa phát huy hết công năng, thậm chí lãng phí. Có thể kể đến như trường mẫu giáo, nhà làm việc của Ban quản lý dự án hiện đang được sử dụng làm bãi chứa vật liệu và nơi ở của công nhân dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. “Dấu tích” còn lại của trường mẫu giáo chỉ là một số dụng cụ đồ chơi ngoài trời của trẻ em như xích đu, bập bênh…

Hàng rào của khu vực trường mẫu giáo cũng đã đổ sập. Còn tại nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng của làng, bụi phủ dày, mạng nhện giăng khắp, bàn ghế, ổ mối tụ đầy trên bục sân khấu.

Một người dân Làng thanh niên Ninh Điền cho biết: “Nhà trường bảo thiếu giáo viên nên đã ngưng hoạt động từ 2 năm học gần đây. Hiện có hơn 10 cháu học sinh nhà trẻ, mầm non là con em của Làng thanh niên đang phải theo học tận Trường mầm non xã Ninh Điền, cách làng khoảng 12km. Sáng sớm, tụi nhỏ phải dậy từ 5 giờ 30 để kịp giờ đi học và kịp giờ đi làm của ba mẹ. Trời nắng, trời mưa đi lại rất cực, thương tụi nhỏ lắm nhưng biết làm sao đây”.

MÒN MỎI CHỜ CẤP ĐẤT ỔN ĐỊNH

Năm 2018, Báo Tây Ninh cũng đã có bài viết “Để Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền phát triển đúng mục tiêu, định hướng”. Bài viết chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển của Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền cần sớm tháo gỡ, trong đó có việc phân chia đất canh tác không đều, diện tích phân tán khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Song đến nay, những bất cập này vẫn chưa được giải quyết. Một hộ dân Làng thanh niên Ninh Điền cho biết: “Có thể nói là chúng tôi đang “ở đậu” trên đất Nhà nước. Đất sản xuất từ trước giờ mới chỉ là tạm giao, chưa được chia cụ thể cho ai, diện tích hộ ít, hộ nhiều. Đất sản xuất chưa ổn định, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chúng tôi đề nghị nhiều năm rồi vẫn chưa được giải quyết”.

Do chưa được cấp nên không dám đầu tư phát triển sản xuất lâu dài. Nhiều hộ khó khăn, muốn vay vốn ngân hàng cũng không thể thực hiện được do không có GCNQSDĐ để thế chấp. Anh Nguyễn Sĩ Nam, đại diện một hộ của Làng thanh niên cho biết: “Có năm trồng mì bị lỗ vốn do giá cả xuống thấp, chúng tôi muốn tái đầu tư nhưng không có cách nào để vay được tiền.

Một số anh em trong làng phải đi làm công nhân trả nợ tiền phân bón, giống cây trồng”. Một thanh niên khác cho hay, anh nghe nói sắp tới sẽ có đợt phân chia lại đất sản xuất nên không dám đầu tư cải tạo đất, san lấp mặt bằng để sản xuất ổn định. “Giờ mình đem tiền cải tạo rồi vài bữa đất đó lỡ cấp cho người khác thì biết làm sao”- thanh niên này nói.

Trao đổi với lãnh đạo xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, ông Châu Quốc Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã cho rằng chủ trương xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp ở khu vực biên giới là rất đúng đắn. Dự án này giúp thanh niên có nhà ở, đất sản xuất, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, có những hạn chế, bất cập xuất phát từ cả phía đơn vị quản lý và phía các hộ thanh niên thụ hưởng. Ở góc độ đơn vị quản lý, quá trình cấp đất chưa được thực hiện dứt điểm, khoa học ngay từ đầu dẫn tới đất cấp cho người dân chưa ổn định, chưa định hướng đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì.

Về đối tượng được lựa chọn vào Làng thanh niên, quá trình xét các tiêu chuẩn có chỗ có nơi còn chưa kỹ dẫn đến tình trạng đăng ký vào Làng chỉ để “xí chỗ”, để cho thuê lại. Tới đây, rất mong Tỉnh đoàn sớm phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại đối tượng thụ hưởng để cấp đất ổn định cho đúng đối tượng, giúp các hộ dân ở Làng thanh niên sớm ổn định, có kế hoạch đầu tư sản xuất.

Theo báo cáo quý I.2019 của Tỉnh đoàn, những kiến nghị của các hộ dân Làng thanh niên đã được đơn vị quản lý nắm. Tỉnh đoàn đang phối hợp cơ quan chức năng đo đạc, phân lô cắm mốc, lập trích lục thửa đất 100 lô đất sản xuất chính thức cho các hộ gia đình. Tới đây sẽ rà soát và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp không chấp hành nội quy của làng, có kế hoạch tuyển chọn hộ mới lên tham gia dự án bảo đảm đúng tiêu chuẩn đề ra.

Hy vọng những nội dung công việc trên sẽ sớm được Tỉnh đoàn triển khai, để người dân Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền yên tâm sinh sống, sản xuất; và để Làng thanh niên sớm trở thành một khu dân cư biên giới kiểu mẫu.

Hải Đăng - Minh Dương