Trong đợt giám sát về công tác quản lý và thực
hiện các chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân
sách -HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đánh giá kết
quả bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2006-2010. Qua đó cho thấy, việc bảo vệ
môi trường vẫn còn rất nhiêu khê và kết quả là có không ít chỉ tiêu về môi
trường chưa đạt được theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho
biết, 5 năm qua Sở đã phối hợp các ngành chức năng liên quan cùng UBND các
huyện, thị triển khai đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức và
trách nhiệm của mọi người về bảo vệ môi trường. Từ năm 2006 đến nay, Sở cùng
chính quyền các cấp đã tổ chức gần 1.000 đợt thanh kiểm tra và giải quyết các
đơn thư khiếu tố về môi trường và đã xử lý vi phạm hành chính 181 cơ sở với tổng
số tiền xử phạt gần 1,5 tỷ đồng. Qua đó, có 69 cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động
để khắc phục ô nhiễm môi trường, có 3 cơ sở chế biến khoai mì gây ô nhiễm phải
di dời ra khỏi khu dân cư, tháo dỡ 67 lò than của 27 hộ ở phường 3, Thị xã… Sau
các đợt thanh kiểm tra xử lý vi phạm, các cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng
khắc phục ô nhiễm. Thời gian qua, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về
kế hoạch xử lý hơn 100 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể: năm 2007
xử lý 32 cơ sở, năm 2008 xử lý 32 cơ sở, năm 2009 xử lý 33 cơ sở và năm 2010 xử
lý 20 cơ sở. Tuy nhiên kết quả khắc phục ô nhiễm của các cơ sở vẫn còn rất chậm.
Đến nay chỉ mới có 9 cơ sở thực hiện hoàn chỉnh việc khắc phục ô nhiễm- chỉ đạt
hơn 15% tổng số cơ sở phải xử lý môi trường. Phần lớn số cơ sở còn lại đang thực
hiện hoặc đang tìm đối tác triển khai thực hiện, trong số đó có 8 cơ sở đã bị
đình chỉ hoạt động. Riêng về việc thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ thì đến nay có nhiều cụm cơ sở và cơ sở có tên trong danh sách
đã khắc phục được ô nhiễm, tuy nhiên vẫn còn 2 nhà máy chế biến khoai mì chưa
thực hiện hoàn chỉnh hệ thống xử lý.
 |
Thị xã Tây Ninh cần sớm được xây dựng
hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung |
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường,
nhìn chung trong 5 năm qua công tác quản lý và bảo vệ môi trường đã có nhiều
chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên đến nay vẫn
còn một số chỉ tiêu đạt thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh. Cụ thể về cơ sở
sản xuất- kinh doanh, Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh đề ra là 100% đạt
tiêu chuẩn môi trường, nhưng thực tế đến nay chỉ mới có 80% cơ sở đạt. Về chất
thải rắn, Nghị quyết đề ra là thu gom xử lý đạt 90%, nhưng đến nay chỉ mới thực
hiện được có 50%. Về chất thải nguy hại và chất thải y tế, Nghị quyết đề ra là
thu gom, xử lý đạt 100%, nhưng đến nay chỉ thực hiện được có 50%. Riêng việc xây
dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thị xã Tây Ninh và các
thị trấn, Nghị quyết đề ra là đạt 40%, nhưng đến nay chưa có thị trấn nào xây
dựng- kể cả thị xã Tây Ninh.
Vì sao có nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với Nghị
quyết? Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì hạn chế lớn nhất và cơ bản nhất hiện
nay là nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ bảo vệ
môi trường là của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể và toàn thể
nhân dân chứ không của riêng đơn vị nào, nhưng hiện nay vẫn còn không ít người
chưa nhận thức được và chưa thực sự quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật về môi trường tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu các văn bản
hướng dẫn cụ thể để giải quyết kịp thời các yêu cầu phát sinh thực tế như trong
công tác thẩm định và thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải công nghiệp;
hoặc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục ô nhiễm môi trường. Ngoài
ra, kinh phí đầu tư cho các công trình xử lý môi trường của tỉnh còn quá ít và
thực tế thì gần như chưa có gì. Cụ thể như việc thực hiện quy hoạch quản lý và
xử lý chất thải rắn của tỉnh, tuy đã được triển khai nhiều năm qua nhưng chỉ mới
thực hiện được một phần bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ở Tân Châu, còn khu liên
hợp tái chế và xử lý rác ở Trảng Bàng, khu xử lý rác thải Gò Dầu… thì chưa triển
khai. Khu công nghiệp Trảng Bàng tuy đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập
trung nhưng năng lực xử lý vẫn còn hạn chế. Các thị trấn và thị xã Tây Ninh đến
nay vẫn chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Riêng hệ
thống xử lý rác thải và nước thải y tế ở các bệnh viện thì đã được đầu tư xây
dựng nhưng đến nay có nhiều nơi bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa.
Trong thời gian tới để công tác quản lý và bảo
vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Trung
ương ban hành các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng
thân thiện với môi trường và có văn bản hướng dẫn cụ thể; tăng cường tổ chức tập
huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ phụ trách môi trường. Về phía
tỉnh, Sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị đẩy nhanh tiến độ xử lý
các cơ sở gây ô nhiễm theo các quyết định ban hành Kế hoạch xử lý hằng năm của
tỉnh. Đồng thời tăng cường đầu tư kinh phí để sớm thực hiện quy hoạch về xử lý
chất thải tập trung.
Sơn Trần